Liên quan đến sự việc 2 con chim lạ bị giết đăng trên mạng xã hội, ngày 1/12, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh xác nhận, sau khi kiểm tra tang vật là 2 mỏ chim, lông đuôi phía sau còn sót lại, Chi cục kết luận loài chim được đăng tải là Cao Cát chứ không phải Hồng Hoàng.
Theo đó, 2 con Cao Cát này do người nhà ông Bạch Ngọc Tuấn (37 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) là bà Trần Thị Tuyết T. (30 tuổi, ngụ huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) mua khi đã chết, nên cơ quan chức năng xác định không có hành vi săn bắt, giết thịt 2 con chim này.
"Do bà T. có hành vi mua 2 con chim không có nguồn gốc hợp pháp, vi phạm Nghị định 157/2013/NĐ-CP về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, các hành vi mua, bán lâm sản nên có thể bị phạt từ 1 đến 5 triệu đồng. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết và không có mục đích mua bán kinh doanh, lại vi phạm lần đầu, nên cơ quan chức năng đang xem xét xử lý phù hợp, có tình, có lý", đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh thông tin.
Cơ quan chức năng cũng thông tin thêm, theo khai nhận của ông Tuấn, ngày 25/11/2018, ông này cùng một người bạn đi đám giỗ ở nhà bà T. tại huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh).
Khi thấy có 2 con chim lạ đã bị vặt lông, chỉ còn lông đuôi, ông Tuấn cầm chụp hình đưa lên Facebook cá nhân tên "Tuan Kiet" mà không biết đó là giống chim gì.
Để xác nhận lời khai của ông Tuấn, chiều 29/11, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh tiếp tục làm việc với bà T. Tại buổi làm việc, bà T. cho biết, sáng 25/11, trên đường đi chợ, bà gặp một người đồng bào dân tộc bán 2 con chim đã chết và vặt sạch lông với giá 300.000 đồng.
Qua kiểm tra tại nhà bà T., Chi Cục Kiểm lâm thu giữ được 2 cái mỏ của 2 con chim và 11 cọng lông đuôi.
“Căn cứ hình ảnh chụp của ông Tuấn, tang vật thu được tại hiện trường, tài liệu và hồ sơ hình ảnh lưu trữ tại Chi Cục Kiểm lâm, xác định 2 con chim trên là chim Cao Cát (không phải là chim Hồng Hoàng - loài quý hiếm được ưu tiên bảo vệ)”, kết luận của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh nêu rõ.
Được biết, chim Cao Cát có tên trong phụ lục II thuộc công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites). Tuy nhiên, đây là loài chim vẫn được nuôi thương mại nếu có giấy phép.
Bình luận