Sáng 26/7, chuyến bay VN1262 của Vietnam Airlines khởi hành từ TP.HCM đi Vinh phải hạ cánh khẩn cấp tại Đà Nẵng để cấp cứu cho một nữ hành khách bị chảy máu ở ngực trái.
Theo nhiều nguồn tin, vết thương của nạn nhân do bị vỡ túi độn nâng ngực vì chênh lệch áp suất trên máy bay.
Tuy nhiên, nhận định về trường hợp này, TS.BS Nguyễn Huy Thọ, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật - Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật - Hàm mặt - Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khẳng định trường hợp của nữ bệnh nhân trên không thể là nổ túi ngực do chênh lệch áp suất.
Áp suất khí quyển bình thường và trong khoang hành khách khoảng 760 mmHg tương đương ở mặt đất. Khi thay đổi độ cao đột ngột, áp suất bên ngoài thay đổi nhưng trong máy bay sẽ giữ nguyên, trừ trường hợp vào vùng không khí loãng, máy bay rơi tự do gây ra chênh lệch, dẫn đến chảy máu mũi, khó thở.
“Với áp suất trong khoang máy bay như ở dưới mặt đất nên không thể xảy ra hiện tượng “nổ” túi ngực. Ngoài ra, độ bền của túi rất cao, có thể đặt chúng dưới đất để ôtô đi qua không hề vỡ”, TS.BS khẳng định.
Túi độn này thường bị rách trong trường hợp để lâu trong ngực, có thể do co bao xơ của cơ thể bóp và làm biến dạng, tạo ra các nếp gấp. Sau đó, các nếp gấp sẽ bị hằn sâu và có thể rách, gây thoát dịch silicone gel từ trong túi ra ngoài. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị rách túi nâng do vật nhọn đâm hoặc sinh thiết ngực.
TS.BS Nguyễn Huy Thọ cho hay nguyên nhân gây ra sự việc có thể là hội chứng tiết dịch khoang muộn (Late Seroma).
Tỷ lệ gặp biến chứng này rất hiếm chỉ từ 0,88-1,2%, tức 100 trường hợp đặt túi ngực chỉ có hơn một ca gặp vấn đề. thế giới ghi nhận 12 trường hợp gặp hội chứng này. Trong đó, 9 trường hợp do túi Alengen, 2 trường hợp do túi Mentor và một do túi Polytech.
Đồng quan điểm, bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Ngọc Thưởng (tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM, 20 năm kinh nghiệm) cho hay túi ngực là dạng gel đặc nên không bị ảnh hưởng bởi áp suất.
Nếu túi ngực bị vỡ, chúng sẽ nứt, rách và gel chảy từ từ qua nhiều tháng, không ồ ạt hay phát ra tiếng. Gel cũng chảy ra rất chậm và ít, nằm ở khoang bóc tách, không gây chảy máu.
Trường hợp chảy máu có thể do bệnh nhân mới nâng ngực, đang theo dõi nhưng đã làm những thao tác nặng, khiến viết thương bị ảnh hưởng, đau nhói, thậm chí 2 tháng sau "dao kéo" nhiều người vẫn có cảm giác này.
Vì vậy, bệnh nhân mới nâng ngực khi đi máy bay cần có người đi cùng để xách giúp hành lý nặng. Khi thao tác giơ tay lên cất hành lý có thể ảnh hưởng tới vết thương, đặc biệt là đường nách.
Theo TS.BS phẫu thuật thẩm mỹ Mai Mạnh Tuấn (tốt nghiệp Học viện Quân y, hơn 20 năm kinh nghiệm và làm việc trong lĩnh vực thẩm mỹ - tạo hình), để tháo bỏ túi nâng ngực, bác sĩ sẽ thực hiện dưới gây mê, bệnh nhân cần khám sức khỏe, bệnh sử trước phẫu thuật, kiểm soát các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch... Phẫu thuật cần thực hiện tại bệnh viện, cơ sở uy tín, được vô trùng sạch sẽ, bác sĩ có kinh nghiệm.
Trong quá trình tháo túi độn, bác sĩ sử dụng các thiết bị nội soi giống như khi nâng, để bóc tách khoang chứa túi ngực và lấy ra theo đường nếp vú hoặc nách. Quá trình lấy ra phải đảm bảo vô trùng, không gây vỡ túi ngực hay ảnh hưởng tới các mô tuyến, cấu trúc cơ thể, tuyến sữa.
Để phẫu thuật nâng ngực an toàn và lâu bền, tránh tình trạng phải tháo ra hay biến chứng, bệnh nhân cần được khám sức khỏe cẩn thận trước khi phẫu thuật để tránh rủi ro do các bệnh tiềm ẩn, mạn tính…
Bình luận