Trong khi túi mù là khái niệm xa lạ với người lớn tuổi thì nó lại đang là cơn nghiền của giới trẻ. Được lùng mua ngày càng nhiều, loại đồ chơi này tạo nên cơn sốt khó dứt trên chợ mạng và các sàn thương mại.
Blind box (túi mù, hộp mù) là sản phẩm chứa bên trong những món đồ ngẫu nhiên mà nhà sản xuất lựa chọn. Đó có thể là mô hình con vật, hoa quả, bánh trái hay những nhân vật hoạt hình...đủ hình dáng, màu sắc. Và người mua sẽ chỉ biết đó là đồ gì sau khi bóc túi. Giá của túi mù cũng khá đa dạng, có loại rẻ vài chục nghìn đến trăm nghìn đồng nhưng cũng có loại cao cấp giá lên đến vài triệu đồng/hộp, bất chấp đó chỉ là những sản phẩm để trưng bày, không có nhiều công dụng.
Điều cuốn hút và cũng được coi là nguy hiểm nhất của túi mù là làm cho người mua không kiểm soát được sự hưng phấn, thích thú khi trải nghiệm cảm giác tò mò, chờ đợi xem món đồ bên trong túi là gì. Vì thế, giới trẻ sẵn sàng chi tiền để mua thật nhiều túi mù và mở hộp, dù biết rằng bên trong có thể là món đồ mình không yêu thích, thậm chí là vô dụng. Nếu không tiết chế, người mua có thể chi tới hàng triệu, hàng chục triệu đồng để mua túi mù.
Bạn trẻ Trần Hồng Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thứ hấp dẫn nhất của bline box chính là mang lại cảm giác hồi hộp, bất ngờ. “Không biết bên trong hộp chứa gì chính là yếu tố thu hút lớn nhất của đồ chơi này. Cảm giác háo hức chờ đợi khi mở hộp giống như một trò chơi may rủi, mang lại những trải nghiệm thú vị, giúp người mua xả stress”, Ngọc nói và cho biết đây chính là điều thôi thúc người mua liên tục “xuống tiền".
Ngọc kể, khi thú chơi túi mù bắt đầu "nóng", giá của chúng chỉ vài nghìn đồng và những món đồ bên trong cũng khá đơn giản. Dần dần, sản phẩm này được tung ra dày đặc, đa dạng hơn rất nhiều và giá cũng ngày càng cao.
Đến hiện tại, tháng nào Ngọc cũng bỏ tiền túi ra săn mua túi mù Sleep Chinese Scrolls Series của 52TOYS. Đây là một bộ sưu tập đồ chơi Figure nghệ thuật đến từ hãng đồ chơi 52TOYS Trung Quốc. “Giá của mỗi hộp là 320.000 đồng, cả ship nữa là thành 350.000 đồng. Tháng nào tôi cũng mua ít nhất 2 hộp, sau đó mang về nhà, chọn lúc thư thái nhất rồi hồi hộp mở hộp. Cảm giác không biết có mở được món đồ mình thích không quả thật vô cùng kích thích", Ngọc kể.
Cũng giống Ngọc, nhiều bạn trẻ xem việc sở hữu bộ sưu tập túi mù hoàn chỉnh như một niềm tự hào. Việc tìm kiếm những món đồ hiếm, độc đáo bỗng trở thành một cuộc đua "ngầm". Các nhóm, diễn đàn về túi mù ngày càng phát triển, tạo ra một cộng đồng chia sẻ mọi thứ liên quan đến túi mù và khoe "chiến tích" mình săn được.
Có những túi mù đến từ các hãng đồ chơi nổi tiếng có giá lên tới tiền triệu cũng được người đam mê không tiếc đổ vào. Ví dụ Skullpanda của hãng Popmart, hay bộ sưu tập Labubu cũng của hãng đồ chơi này có giá từ khoảng 300.000 đồng cho đến 21 triệu đồng/hộp và luôn là món đồ được tín đồ Blind box săn đón ở mọi phân khúc.
Trịnh Đức (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đã dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để săn mua món đồ chơi bí ẩn trong những chiếc hộp nhỏ. Theo Đức, mỗi lần mở một chiếc túi mù, anh lại cảm thấy như mình đang khám phá kho báu được giấu kín, có cảm giác hồi hộp khi từ từ lột lớp giấy gói bên ngoài cho đến khi nhìn thấy món đồ bên trong.
Vì niềm đam mê sưu tầm túi mù quá lớn nên không có gì lạ khi bộ sưu tập đồ chơi của anh đã lên đến gần 800 món, chưa tính những món “hàng hiếm” được giữ kín trong tủ trưng bày.
Mỗi tháng, Đức bỏ ra gần 10 triệu đồng để mua Blind box. Anh coi đây là khoản chi tiêu giải trí lành mạnh và không có ý định cắt giảm. Đức còn tiết lộ rằng việc chi tiền để mua túi mù không đơn thuần là một thú vui mà còn là một khoản đầu tư nhỏ. “Một hộp Blind box có giá bán lẻ 700.000 đồng. Nhưng với những món đồ chơi, mô hình hiếm hoặc phiên bản giới hạn, mức giá của chúng có thể lên tới 5-7 triệu đồng, bán là lãi”, anh chia sẻ.
Túi mù đang rất thu hút giới trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tận hưởng thú vui này một cách lành mạnh, các bạn trẻ cần có sự cân nhắc và kiểm soát kỹ chi tiêu của mình. Các sản phẩm trong túi mù chủ yếu chỉ có tác dụng trưng bày và không ít bạn trẻ bỏ tiền ra mua cũng không vì mục đích này mà chỉ để thỏa mãn cảm giác hồi hộp, chờ đợi may rủi. Chính vì thế, những sản phẩm túi mù trở nên vô dụng.
"Việc chi quá nhiều tiền cho những món đồ chơi không nhiều lợi ích này là quá phí phạm nếu không có sự cân nhắc, kiểm soát chặt chẽ. Thậm chí, nguy cơ cạn kiệt tài chính có thể xảy ra với những người sa đà vào trò chơi này", một chuyên gia khuyến cáo
Bình luận