Chiều 18/3, BS Nguyễn Viết Nam, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân nam 63 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội mắc bệnh nền tiểu đường, tăng huyết áp.
Được biết, bệnh nhân tự mua thuốc tiểu đường dạng viên bột về nhà uống dù không hề biết thành phần của thuốc. Sau đó ngày 15/3, ông nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, suy đa tạng, kèm theo suy thận. BS Nam cho biết, bệnh nhân còn gặp nguy kịch khi máu chuyển sang tình trạng toan chuyển hóa, kích thích rất nặng, mạch rời rạc, nguy cơ ngừng tim.
Ê kíp bác sĩ khoa Cấp cứu đặt ống nội khí quản, cho bệnh nhân điều trị truyền thuốc vận mạch, bù dịch và lọc máu. Sau 3 ngày lọc máu, xu hướng huyết động của bệnh nhân cũng cải thiện hơn, hiện bệnh nhân đã cắt được thuốc vận mạch, dừng lọc máu, các toan chuyển hóa, toan lactic đã cơ bản ổn định.
“Khi nhập viện, nhìn thể trạng bệnh nhân to khỏe, chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân có thể bị chuyển hóa, ngộ độc nên xử trí ngộ độc cho bệnh nhân trước. Khai thác tiền sử thì được biết bệnh nhân sử dụng thuốc nam để điều trị tiểu đường. Người nhà đưa mẫu thuốc bệnh nhân đã uống cho chúng tôi, sau đó chúng tôi đã gửi mẫu thuốc sang bên Viện Pháp y thì kết quả 1 loại thuốc là paracetamol, 1 loại là phenformin thuốc điều trị tiểu đường đã bị cấm từ lâu”, BS Nam cho biết.
BS Nam cũng cho hay, bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, chỉ chậm ít phút là có thể không cứu được, vô cùng nguy hiểm.
Cũng theo BS Nam, thông thường ngộ độc do phenformin sẽ gây tỷ lệ tử vong rất cao, từ 50-60% trở lên. Thuốc này ngoài gây tụt đường huyết còn gây tác dụng phụ toan lactic, suy thận rất nặng.
Đến nay các chỉ số của bệnh nhân đã ổn định, chức năng thận về bình thường, bệnh nhân đã có nước tiểu. BS hy vọng trong 1-2 ngày tới, bệnh nhân sẽ được rút ống nội khí quản và sẽ điều trị tiếp để các cơ quan nội tạng tiếp tục hồi phục.
Theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, thành phần phenformin trong thuốc bệnh nhân uống từng được ghi nhận gây nhiều trường hợp ngộ độc và tử vong trên thế giới. Do vậy chất này bị cấm sử dụng từ những năm 1970 và được thay thế bằng nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường khác an toàn hơn.
Tuy ở Việt Nam không cho phép lưu hành dược chất này, nhưng nhiều gian thương vẫn bán chui lủi dưới dạng viên tễ không rõ hàm lượng và quảng cáo có thể điều trị khỏi dứt điểm bệnh tiểu đường nên nhiều người nhẹ dạ đã mua uống, gây nhiều trường hợp ngộ độc thương tâm.
Bệnh tiểu đường là bệnh mạn tính cần điều trị và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lâu dài. Vì vậy, ông khuyến cáo người dân mắc các bệnh lý mãn tính nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, chữa bệnh để các bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị an toàn và phù hợp. Tuyệt đối không nghe dụ dỗ quảng cáo về những phương thuốc “bí truyền” có thể chữa khỏi dứt điểm bệnh này mà dẫn đến tiền mất tật mang.
Bình luận