Video: Tự xưng nhà báo lăng mạ CSGT 'bố láo, làm ăn vớ vẩn'
Liên quan đến vụ việc người phụ nữ tự xưng nhà báo chửi bới, đe dọa CSGT, ngày 27/5, PV VTC News đã phỏng vấn luật sư Đặng Văn Sơn - Văn phòng luật sư Đặng Sơn và cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
- Trong đoạn clip, người phụ nữ liên tục bắt CSGT đang làm nhiệm vụ phải nghe điện thoại từ một người nào đó. Vì CSGT không nghe nên chị ta đã dùng lời lẽ vô văn hóa để lăng mạ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Vậy pháp luật có quy định CSGT phải nghe điện thoại của người dân khi họ vi phạm luật giao thông không, thưa ông?
Tôi có thể khẳng định không có bất cứ một quy định nào về việc CSGT đang làm nhiệm vụ phải nghe điện thoại của người vi phạm hoặc người thân của họ.
Nếu nói CSGT bắt buộc phải nghe điện thoại từ một người quen nào đó vì mục đích xin xỏ thì người đó đang thiếu hiểu biết về pháp luật.
- Vậy còn hành vi lăng mạ, đe dọa CSGT đang làm nhiệm vụ đã vi phạm quy định gì và sẽ bị xử lý thế nào?
Khoản 2 Điều 20 Nghị định 167 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội đối với hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Vi phạm một trong những hành vi nói trên sẽ bị xử phạt hành chính từ từ 2-3 triệu đồng.
Ngoài ra, người có các hành vi nói trên có thể bị khởi tố hình sự theo Điều 257 Bộ luật Hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ” nếu có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Trong trường hợp cụ thể này, người phụ nữ tự xưng nhà báo ép CSGT nghe điện thoại để xin xe cho người thân và có lời lẽ xúc phạm CSGT sẽ bị xử lý thế nào?
Để xử lý hành chính việc mạo danh nhà báo cần phải có đầy đủ các thủ tục như lập biên bản xác định mục đích và động cơ. Nhưng hành vi của người phụ nữ này chưa gây ra hậu quả nên việc mạo danh nhà báo không thể phạt hành chính.
Tuy nhiên, tôi cũng đã theo dõi clip này trên báo chí và nhận thấy, người phụ nữ này không có chức năng nhiệm vụ giải quyết vì không phải người vi phạm. Người phụ nữ này đang can thiệp vào việc của người khác và có hành vi cản trở người thi hành công vụ.
Trong trường hợp này, nếu có đầy đủ thủ tục biên bản và bằng chứng có thể xử lý hành chính đối với hành vi "Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ".
- Những năm gần đây, việc người dân coi thường, chống đối, thậm chí đe dọa, hành hung người thi hành công vụ đang ngày càng phổ biến. Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để hạn chế tình trạng này?
Thực tế hành vi coi thường lực lượng thi hành công vụ giống như người phụ nữ này đã và đang xảy ra rất phổ biến. Chỉ có điều người khác kín đáo còn trường hợp này lộ liễu nên nhiều người quan tâm.
Đối với những hành vi chưa gây ra những hậu quả nghiêm trọng có thể để quan hệ xã hội tự điều chỉnh vì người dân khi xem đều biết người đó sai hay đúng. Còn nếu gây ảnh hưởng đến hoạt động trực tiếp của cơ quan, cá nhân thi hành công vụ thì buộc phải xử lý.
Theo đó, đối với những hành vi ứng xử thiếu văn hóa như thế này nếu pháp luật chưa xử lý thì chúng ta cần lên án, không tạo tiền lệ xấu trong xã hội.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận