• Zalo

Từ vụ tiệm vàng Hoàng Mai: Ai sẽ tôn trọng dân?

Bạn đọcChủ Nhật, 04/05/2014 10:32:00 +07:00Google News

Vụ việc bắt quả tang mua bán trái phép 100 USD và sau đó là khám xét, đã và đang khiến dư luận “nổi cục tức giận” cũng như đặt ra nhiều câu hỏi pháp lý.

Từ việc mua bán trái phép 100 USD, sau đó là khám xét và thu giữ một lượng lớn ngoại tệ, vàng ở tiệm vàng Hoàng Mai (quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) đang khiến dư luận “nổi cục tức giận”.

Đặc biệt nhức nhối chính là câu hỏi: Ai sẽ tôn trọng dân? Một khi các cơ quan chấp pháp thiếu thái độ tôn trọng người dân, tôn trọng doanh nghiệp - dẫu họ có phạm tội chăng nữa - thì nhiều sự trái khoáy sẽ vẫn còn tiếp diễn, thực sự là lực cản lớn cho phát triển.
Vụ việc bắt đầu từ trưa ngày 24/4/2014, sau khi có một người đàn ông bước vào tiệm vàng Hoàng Mai bán 100 USD. Trinh sát kinh tế của Công an quận Bình Thạnh đã ập vào tiệm vàng, tiến hành khám xét liên tục hơn 10 tiếng đồng hồ, thu giữ một lượng lớn ngoại tệ và 559 lượng vàng. Câu chuyện ầm ĩ này dường như vượt qua ranh giới một vụ án kinh tế thông thường.

Công dân được pháp luật bảo vệ

Đây là nguyên tắc cơ bản được ghi trong Hiến pháp và nhiều bộ luật của nước ta. Cụ thể hơn, pháp luật tôn trọng, bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tài sản hợp pháp của mọi công dân.

Việc xâm hại đến công dân, dù là tính mạng, sức khỏe hay tài sản... đều thuộc vào vụ việc hình sự, được xử lý nghiêm khắc, thủ phạm xâm hại phải chịu sự trừng trị đích đáng của pháp luật, thậm chí còn có thể bị loại vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội.
Khám xét tại tiệm vàng Hoàng Mai 
Trong vụ việc tiệm vàng Hoàng Mai, đứng từ ngoài nhìn vào, người ta buộc lòng phải nghi ngờ sự tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân của Công an quận Bình Thạnh. Nếu tiệm vàng Hoàng Mai chỉ vi phạm quy định về kinh doanh, thu đổi ngoại tệ thì tại sao lực lượng chức năng cần khám xét toàn bộ cửa hàng?

Thông thường, như các chuyên gia ngành tài chính - ngân hàng nhận định, cơ quan chức năng chỉ cần lập biên bản vi phạm tại chỗ, xem xét tư cách kinh doanh của nơi vi phạm, đối chiếu các quy phạm pháp luật rồi ra quyết định xử phạt là xong.

Không cần khám xét, nếu đương sự không có biểu hiện tẩu tán, giấu giếm tang vật! Không cần khám xét, thu giữ những đồ vật, tài sản không liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm.

Không những pháp luật có quy định rõ ràng cách thức ứng xử với từng loại hành vi vi phạm, mà còn nghiêm khắc ngăn chặn bởi nếu người thừa hành công vụ dễ dàng “thừa gió bẻ măng” rất dễ phạm vào những quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, tổ chức; rất dễ lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà làm trái, làm ngược, làm sai nhiệm vụ chính yếu của mình.

Công quyền: Hành xử phải chính tắc

Đó vừa là yêu cầu hướng đến của một Nhà nước pháp quyền, vừa là đòi hỏi của chính người dân - chủ thể của quyền lực nhà nước. Một xã hội có trật tự, trị an là một xã hội tuân thủ pháp luật, lấy pháp luật làm chuẩn mực hành xử cũng như trừng trị những vi phạm nếu có.

Còn ở vụ khám xét tiệm vàng Hoàng Mai, cái sự chính tắc trong hành xử của cơ quan công quyền thật khiến cho người ta muốn “phát điên”. Trước hết, người ta đã tiến hành khám xét một cơ sở kinh doanh chỉ bằng một quyết định hành chính, trong khi khối lượng, trị giá tang vật có liên quan lại “vượt khung” đến mức một vụ án hình sự.

Hơn thế nữa, dư luận không khỏi đặt câu hỏi nghi ngờ: Vì sao một người, một cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm mà có thể dám lớn tiếng đòi... chứng cứ đến như vậy? Phải chăng họ không vi phạm đến mức ấy? Phải chăng những lý do cơ quan công quyền nêu ra để “thực hiện các nghiệp vụ cần thiết” đã không đủ thuyết phục người dân? Và nếu lý do, chứng cứ là không đủ, tại sao vẫn quyết khám xét, thu giữ? Chẳng nhẽ cơ quan công an lại có thể hành xử kiểu “thà làm oan còn hơn bỏ lọt”?

Điều đáng trách hơn cả, chính  là ở chỗ tiệm vàng Hoàng Mai là một cơ sở kinh doanh. Việc khám xét, thu giữ, bắt bớ (nếu có) luôn để lại những hậu quả vô cùng tai hại. Trong trường hợp bắt đúng, khám xét và thu giữ đúng, cơ sở này đáng phải gánh chịu những sự xử lý theo thẩm quyền và quy định của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, nếu khám xét mà chưa đủ cơ sở, chưa đủ căn cứ, khi chứng cứ và tài liệu chưa thật đầy đủ để chứng minh hành vi sai phạm, thì việc lực lượng chức năng ập vào khám xét, thu giữ như thế sẽ khiến cơ sở kinh doanh ấy chỉ... còn nước đóng cửa.

Điều này là hoàn toàn có thật bởi tâm lý người làm ăn kinh doanh cũng như đối tác của họ rất sợ có liên lụy đến cơ quan công quyền, đặc biệt là cơ quan công an, thuế vụ, quản lý thị trường, thanh tra...

Chỉ cần nghe tin đồn một trong những cơ quan trên đang tiến hành làm việc với doanh nghiệp A (dù chưa rõ việc gì) thì chắc chắn sẽ có không ít đối tác làm ăn, kinh doanh với A đặt câu hỏi dò xét: “Bên đó có vấn đề gì thế? Không có lửa sao lại có khói? Liệu có nên tiếp tục hợp đồng nữa hay không?”.

Tâm lý e sợ các cơ quan công quyền chính là tàn dư của một thời chúng ta quản lý nhà nước mà thiếu pháp luật, hoặc tuy đã có nhưng pháp luật lại chưa đủ kín kẽ, chưa đủ bao quát hết các khía cạnh của lĩnh vực mà nó điều chỉnh. Hiện trạng ấy đồng nghĩa với việc có nhiều kẽ hở, nhiều cách hiểu sai lệch, hiểu nhiều cách trong vận dụng, thực thi pháp luật, đưa đến tệ nhũng nhiễu và lạm quyền rồi từ đó dẫn đến sự e sợ theo kiểu “tránh voi chả xấu mặt nào”.
 
Vì quá e sợ công quyền nên không ít công dân, doanh nghiệp hình thành tâm lý hễ cơ quan công quyền “có mặt” tức là “có vấn đề”, không ít thì nhiều thể nào cũng có lỗi nên “kẻ trong cuộc” thì hoang mang, lo sợ, “chưa sai đã nhận rằng sai”, còn không ít kẻ thừa hành công quyền càng vì thế mà được thế lấn tới, đem quyền hạn, nhiệm vụ của mình - thậm chí, cả bộ sắc phục họ mang trên mình - ra làm một thứ “ngáo ộp” mà dọa nạt, đe nẹt công dân, doanh nghiệp.

Những biểu hiện ấy đã được chỉ rõ “họ tên” là tham nhũng, là tiêu cực, là lộng hành, là ban phát... khiến không ít lần điều tra về chỉ số tín nhiệm của các doanh nghiệp, những địa phương lớn trong cả nước đã bị xếp hạng bét bởi công dân, doanh nghiệp không biết kêu ai, chỉ còn biết thể hiện thái độ qua... bảng biểu thăm dò vốn dĩ không cần viễt rõ họ tên người được hỏi!

Tôn trọng từ dân: Khó lắm!

Nói “khó” ở đây có thể xem xét dưới hai khía cạnh: Thái độ hành xử của cơ quan công quyền và mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật.

Ở khía cạnh thứ nhất, đó vốn vẫn là chuyện khó khăn nhất trong công cuộc cải cách hành chính. Nền hành chính nhà nước được vận hành bởi hệ thống các cơ quan mà trong đó lực lượng chính là công chức, viên chức. Để có một công chức mẫn cán, có năng lực, có đạo đức, có thái độ thừa hành công vụ đúng mực thì bản thân chuyện học hành, đào tạo bài bản là chưa đủ. Họ còn cần một cơ chế làm việc đủ để hiểu rằng bản thân không được phép lạm dụng hay làm sai chức phận, cần một hệ thống quản lý chặt chẽ để dẫu có muốn họ cũng không thể làm sai và cuối cùng, có một mức thu nhập đủ để chống lại mọi thứ cám dỗ hòng... biến họ thành kẻ chuyên làm sai!

Dẫu đã được bàn thảo trong nhiều hội nghị và công trình nghiên cứu, vấn đề đạo đức công vụ vẫn luôn chiếm nhiều thời gian, nhiều công sức và trăn trở hơn cả trong công cuộc cải cách nền hành chính, đưa nền hành chính từ trạng thái ban phát, xin - cho sang trạng thái hướng dẫn và phục vụ.

Còn ở khía cạnh thứ hai, không chỉ đòi hỏi hoàn thiện pháp luật hành chính mà hơn thế nữa, cơ chế xử lý vi phạm cũng như tố tụng liên quan đến các vụ án hành chính, kinh tế, hình sự... càng phải được hoàn chỉnh trước một bước. Người dân, doanh nghiệp không phải là các chuyên gia pháp lý, trong khi trách nhiệm của cơ quan công quyền chính là vừa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp lại vừa phải kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm, xâm hại đến các khách thể cần bảo vệ.

Không được nhầm lẫn, chồng chéo kiểu “hình sự hóa vụ án dân sự” hay “hành chính hóa một vụ án hình sự” đã đành, cơ quan và nhân viên công quyền còn không được phép đem áp dụng một cách tùy tiện các thủ tục, trình tự xử lý vi phạm hay tố tụng khi chưa đủ chứng cứ, dấu hiệu như pháp luật đã quy định.

Pháp luật không được chậm trễ trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm nhưng việc ngăn chặn ấy cũng không cần thiết phải làm một cách hấp tấp, vội vàng, non ẩu. Sự hấp tấp, vội vàng, non ẩu... đó chính là những gì mà công luận đang “phán” cho cơ quan công an trong vụ việc tiệm vàng Hoàng Mai những ngày qua.

Từ trái khoáy đến mất lòng tin: Gần lắm!

Cơ quan công quyền chính là nơi thay mặt người dân thực hiện quyền lực nhà nước, hay nói cách khác, họ chỉ là người được dân trao quyền. Mọi sự lạm dụng quyền lực nhà nước đều đưa đến một hậu quả tai hại là người dân không còn tin ở quyền lực nhà nước, không muốn tiếp tục trao quyền lực của mình cho những kẻ lạm dụng, không hết lòng vì người dân mà giữ công bằng, trật tự chung.

Từ vụ việc tiệm vàng Hoàng Mai, người dân có cơ sở để lo sợ, một ngày nào đó chỉ vì đi sai làn đường mà cả xe hàng của mình có thể bị gỡ tung và thiệt hại thì có lẽ phải “chờ đến mùa quýt sang năm” cũng chưa chắc đã được đền bù. Thái độ lo sợ, mất lòng tin này ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của bất cứ nhà nước nào đang nỗ lực hướng đến một nhà nước pháp quyền.

Vụ việc tiệm vàng Hoàng Mai rồi đây sẽ có ngày “hai năm rõ mười” nhưng những trớ trêu, trái khoáy trong đó đang đặt ra những câu hỏi rất nghiêm túc cho những ai muốn nỗ lực, quyết tâm cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ và đặc biệt là muốn có những quy trình tố tụng minh bạch, công bằng.

Lấy lại lòng tin của dân là việc rất khó nhưng không phải là không thể. TP.Hồ Chí Minh - địa bàn đầu tàu của cả nước về nhiều mặt - chắc chắn sẽ sớm đưa câu trả lời cuối cùng của mình ra trước công luận và đến lúc ấy, công luận có thể công bằng phân xử xem ai sẽ và thật lòng tôn trọng dân, thực sự lấy được lòng tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp...

» Vụ khám xét tiệm vàng: 'Sẽ khởi kiện nếu không xin lỗi'
» Công an lên tiếng vụ 'đột kích' tiệm vàng ở Sài Gòn
» Tiệm vàng bị khám xét: Chủ nhân hoảng loạn, ngừng hoạt động


Theo Thiện Phương/Báo Pháp Luật Việt Nam

Bình luận
vtcnews.vn