Chuyện bắt đầu khi lãnh đạo TP Đà Nẵng phát biểu trong buổi rà soát chuẩn bị cho Lễ hội pháo hoa quốc tế tới đây rằng cát-xê của Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ và Bùi Anh Tuấn là quá cao nên cắt bỏ tiết mục của những ca sĩ này khỏi chương trình.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến phát biểu: "Trong thời điểm khó khăn như thế này, lẽ ra phải chia sẻ với TP. Ca sĩ Uyên Linh hát cũng hay thế nhưng lấy cát-xê chỉ 60 triệu đồng, trong khi ca sĩ Mỹ Tâm chỉ hát mỗi đêm 1 bài mà đòi cát-xê bằng tiền đô, lên đến 6.000 đô, rồi làm tròn thành 110 triệu đồng và buộc TP phải chịu luôn cả tiền thuế VAT 10% là vô lý quá!".
Trước ồn ào ấy, ngay lập tức Mỹ Tâm phản pháo rằng cô chưa từng ký hợp đồng nào liên quan đến việc biểu diễn trong lễ hội pháo hoa, không hét cát-xê lại càng không bắt thành phố chịu thuế VAT 10%.
Ca sĩ Mỹ Tâm. |
Trong khi Mỹ Tâm khẳng định rằng cô không hét cát-xê với Đà Nẵng, chưa từng ký hợp đồng nào để biểu diễn tại chương trình nghệ thuật trong Lễ hội pháo hoa thì bà Thanh Hải, lãnh đạo công ty Sơn Lâm lại khẳng định, quản lý của Mỹ Tâm ra giá 6000 USD và công ty đã đưa con số này vào để dự trù kinh phí báo cáo thành phố (Việc này còn có người làm chứng, để thỏa thuận với Mỹ Tâm giảm giá xuống 5500 đô).
Bà khẳng định, công ty chỉ tổ chức sự kiện, việc gọi ca sĩ là thực hiện sự kiện chứ không ăn tiền trong thương vụ này.
Chuyện khiến nhiều người tưởng là khúc mắc, rằng phía Mỹ Tâm hay công ty Sơn Lâm nói dối. Nhưng trên thực tế, có thể chẳng bên nào nói dối cả.
Mỹ Tâm nói đúng vì cô chưa ký hợp đồng nào liên quan đến show diễn nói trên. Nhưng việc thương thảo với công ty do quản lý của cô thực hiện thì có lẽ đã diễn ra. Diễn biến câu chuyện có lẽ như bà Thanh Hải nói. Ở đây, khúc mắc có lẽ chỉ đến từ phía Đà Nẵng.
Có vẻ, phía Đà Nẵng đang đòi hỏi hơi quá đối với Mỹ Tâm. Trong khi lãnh đạo Sở VHTT &DL thành phố cho biết, họ làm việc với công ty truyền thông là Sơn Lâm, không làm việc với ca sĩ, mà công ty truyền thông ấy lại từ Hà Nội. Vậy về mặt nguyên tắc làm việc, bên Mỹ Tâm có đưa ra giá cát-xê 6000 USD cho một đêm diễn trong một sự kiện lớn của Sơn Lâm tổ chức cũng là bình thường. Bởi lẽ, ai cũng biết, Mỹ Tâm từ trước đến giờ giá cát-xê vẫn vậy, còn ít hơn Chế Linh, Tuấn Vũ…
Ở đây chữ "hét giá cát-xê" hay "không thông cảm" với thành phố có vẻ được dùng hơi khiên cưỡng. Nhiều người phân tích, lãnh đạo TP chỉ nên nói, giá cát-xê của Mỹ Tâm là cao và chương trình lần này thực hiện tiết kiệm nên không thể mời được.
Đưa thêm những câu hờn trách "họa mi tóc nâu" hay so sánh cô với Uyên Linh thực sự không hợp lý. Một bạn đọc bình luận, tại sao lại đưa yếu tố quê hương vào chuyện cát-xê của Mỹ Tâm trong khi thành phố không muốn trực tiếp làm việc với cô ấy. Mỹ Tâm hay quản lý của ca sĩ chỉ biết đến công ty Sơn Lâm. Vậy, Mỹ Tâm phải làm gì để bày tỏ thiện chí với quê hương?
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng, nếu Đà Nẵng muốn Mỹ Tâm giảm giá cát-xê có lẽ nên có một đại diện trực tiếp liên hệ với ca sĩ, rằng đây là chương trình do thành phố tổ chức để thu hút du lịch, vì thế Mỹ Tâm hãy giúp thành phố. Nhưng họ đâu có làm vậy.
Theo bà Thanh Hải, phía Mỹ Tâm đòi hỏi thành phố nếu muốn giảm cát-xê thì phải làm công văn gửi cho cô. Chưa biết độ đúng sai của phát biểu này như thế nào nhưng có là thật thì yêu cầu của Mỹ Tâm cũng hợp lý. Các cụ nói, “ăn có mời, làm có bảo”, không lẽ tự nhiên ca sĩ phải xin hạ cát-xê. Hoặc việc giảm cát-xê mà cũng chỉ thông qua Sơn Lâm, thành phố thì không biết, thì ai ghi nhận thiện chí đó.
Bên cạnh những phản ứng của Mỹ Tâm và fan của cô, mẹ của Kasim Hoàng Vũ cũng đồng thời là quản lý cho ca sĩ này cũng tỏ ra vô cùng buồn bã khi Đà Nẵng cho rằng Kasim hét cát-xê.
Kasim Hoàng Vũ cũng bị gạt ra bởi cát xê 30 triệu. |
“Lần này, Cty Sơn Lâm đặt vấn đề mời Kasim về hát, chính tôi "giao dịch" và không hề đòi hỏi giá cả. Tôi chỉ bảo Cty đó là tùy khả năng mà cân nhắc, trả thù lao cho Kasim thôi. Chúng tôi chưa hề "hét giá". Là người con xa quê hương, trước thông tin này, tôi rất buồn, thấy mình bị tổn thương” – mẹ Kasim chia sẻ thêm.
Chia sẻ vấn đề này, nhạc sĩ Trần Quế Sơn cho biết: "Cát-xê trả cho Kasim hơn 30 triệu đồng là quá rẻ. Gần như Kasim "hát không" cho Đà Nẵng rồi". Bởi lẽ, theo anh phân tích thì: "Hiện, giá hòa âm, phối khí 1 bài hát đã từ 6-10 triệu đồng, giá vé máy bay 2 chiều cho 2 người từ TP.HCM ra cũng đã gần 10 triệu. Tiền đi lại, ăn ở khách sạn gần 10 triệu nữa.
Chưa kể tiền dàn dựng, ráp chương trình, vũ đoàn phụ họa... Năm 2009, khi tôi tổ chức liveshow ở Đà Nẵng đã trả cho Mỹ Tâm 50 triệu đồng cho 1 đêm diễn (2 bài hát). Nói các ca sĩ này "hét giá" thì tội nghiệp cho các nghệ sĩ quá!”.
Thế nhưng sau sự cố này trước phản ứng của dư luận, phía lãnh đạo Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng - ông Trần Quang Thanh lại đẩy trách nhiệm hoàn toàn về phía Sơn Lâm. Rằng “Giá cả cát xê của các ca sĩ ra sao, mời ai đều do đơn vị tổ chức sự kiện - Cty Sơn Lâm - chịu trách nhiệm”.
Nói như ông Thanh cũng đúng, nhưng để đến mức quy kết ca sĩ, ảnh hưởng đến uy tín của họ trong vụ này thì phía Đà Nẵng cũng nên nhận một phần trách nhiệm. Nên nhắc lại, chương trình nghệ thuật trong Lễ hội pháo hoa là chương trình doanh thu, có bán vé và được tổ chức bởi một công ty truyền thông. Vì thế, chẳng thể yêu cầu ca sĩ phải cống hiến miễn phí.
Cũng nhân việc lùm xùm cát-xê và loại Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ và Bùi Anh Tuấn ra khỏi chương trình nghệ thuật thuộc Lễ hội pháo hoa, rất nhiều người tỏ ra băn khoăn, tại sao phía Đà Nẵng không đưa hạng mục chương trình này ra đấu thầu để lựa chọn lấy một công ty tổ chức ưng ý và giá cả hợp lý thay vì cứ phải để công ty Sơn Lâm trong suốt mấy năm qua?
Rồi đến lúc nước đến chân mới nhảy, việc thu hút tài trợ được quá ít và yêu cầu cắt giảm ca sĩ thì tỏ rõ việc lúng túng của BTC dù đã 6 năm kinh qua việc này.
An Nhiên
Bình luận