“Sinh viên khoa Xây dựng hoàn toàn yên tâm khi nhu cầu nghề nghiệp bền vững và ngày một rộng mở”, PGS.TS. Nguyễn Duy Hiếu - Phó Trưởng khoa Xây dựng, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội khẳng định trong Giao lưu trực tuyến tư vấn tuyển sinh trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội, ngày 11/4/2021.
Ông Hiếu cho biết, sau gần 50 năm thành lập và phát triển, Khoa Xây dựng không ngừng lớn mạnh, không những phục vụ nhu cầu nhân lực xây dựng trong nước mà còn trong khu vực. Chương trình đào tạo có tính ứng dụng cao, hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong nước và khu vực”.
Đặc biệt, năm 2021, bên cạnh các chuyên ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng công trình ngầm đô thị, công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng, Khoa mở thêm ngành mới: “Quản lý dự án xây dựng” tuyển sinh các khối A00, A01, D01, D07 với 02 hình thức: Xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển bằng học bạ.
Đặc biệt, “độ hiếm” của kỹ sư Xây dựng do Trường đào tạo khá cao, chưa đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng. Để giải quyết bài toán nhân lực kỹ sư xây dựng, kỹ sư vật liệu xây dựng cho xã hội, Khoa Xây dựng quyết tâm kích cầu bằng xét học bạ vào 03 ngành/chuyên ngành, kết hợp với các gói học bổng, miễn phí học kỳ đầu, cam kết việc làm… hấp dẫn.
Sinh viên năm thứ 3 có thể “hành nghề”
Giải đáp băn khoăn của bạn Quân Anh (Hà Nội): “Môi trường đào tạo tại Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội có gì khác biệt?”, PGS.TS. Nguyễn Duy Hiếu cho rằng: “Trường có truyền thống đào tạo 60 năm, hướng tới đa ngành nghề, chủ yếu kiến trúc - xây dựng… có sự hòa quyện giữa nghệ thuật với kỹ thuật, cùng nhau xây dựng thương hiệu Kiến trúc Hà Nội. Sinh viên được đào tạo tương đối rộng, bám sát thực tiễn, mô hình tiếp cận CDIO. Sinh viên năm thứ 3 có thể “hành nghề” dưới sự hướng dẫn của giảng viên nên ra trường không bỡ ngỡ, bắt tay vào công việc ngay”.
Cùng quan điểm, Ông Hoàng Văn Trình - Tổng giám đốc Công ty Vinaconex 1 nói, nhu cầu nhân lực với ngành Xây dựng rất lớn, đặc biệt nhân lực có trình độ cao. “Bật mí” tại buổi Giao lưu trực tuyến, ông Trình cho biết, bản thân là cựu sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội khóa 2000. Năm thứ 3, thứ 4, ông đã có thể tích lũy được kinh nghiệm nhờ các việc làm thêm. Những kiến thức cơ bản giúp ích nhiều cho ông trong quá trình lập nghiệp.
Bên cạnh đó, theo ông Trình, Công ty Vinaconex sẵn sàng đặt hàng về đào tạo với Khoa, tạo điều kiện thực tập để khi ra trường, sinh viên có thể tiếp cận ngay với công việc.
PGS.TS. Chu Thị Bình - Phó Trưởng khoa Khoa Xây dựng cho biết thêm, hiện Khoa hợp tác với nhiều doanh nghiệp, viện nghiên cứu trong nước và cả các công ty ở Nhật Bản. Hàng năm, các doanh nghiệp bên Nhật có các chuyến tuyển dụng nhân sự, thậm chí tài trợ chi phí học tiếng Nhật cho sinh viên trước khi sang Nhật.
Làm sao để nâng cao cơ hội trúng tuyển
Trả lời thắc mắc này của bạn Hải Nam (Hải Dương), PGS.TS. Nguyễn Duy Hiếu khuyên, thí sinh nên tận dụng tính linh hoạt của 02 hình thức xét tuyển. Đăng ký nguyện vọng 1 là nguyện vọng yêu thích, đăng ký càng sớm càng tốt để có cơ hội nhận ưu đãi tuyển sinh đại học của Trường và Khoa.
TS. Nguyễn Công Giang - Trưởng bộ môn Công trình ngầm đô thị nói, xét học bạ trong 5 kỳ đầu bậc THPT thì thí sinh nên chọn những tổ hợp có điểm trung bình cao nhất để tăng khả năng trúng tuyển. Cơ hội việc làm với chuyên ngành Công trình ngầm đô thị và các ngành khác của Khoa rất phong phú.
Chuyên ngành mới Quản lý dự án xây dựng được quan tâm
Bạn Thành Đạt (Nghệ An) muốn các chuyên gia của Chương trình giải đáp Quản lý dự án xây dựng là quản lý gì? PGS.TS. Chu Thị Bình nói: “Quản lý dự án xây dựng là một quá trình từ bước đầu lập kế hoạch, lập tiến độ, tổ chức và quản lý, giám sát… để dự án hoàn thành đúng thời gian, trong phạm vi ngân sách đã được duyệt, đảm bảo chất lượng và đạt được các mục tiêu, mục đích dự án đã đề ra. Chúng tôi đào tạo chuyên về Quản lý dự án xây dựng, tuy là chuyên ngành mới nhưng Khoa hoàn toàn tự tin vì đã có nhiều kinh nghiệm giảng dạy các ngành liên quan. Nhiều Giảng viên của Khoa cũng đã và đang tham gia, phụ trách nhiều ban quản lý dự án lớn trong thực tế”.
“Là con gái nhưng mê ngành xây dựng, có nên không?” bà Bình chia sẻ, bà là cựu sinh viên Khoa Xây dựng, riêng Khoa tỷ lệ nữ không nhiều nhưng cả trường thì không hề ít nữ. Có nhiều vị trí công việc phù hợp với nữ, được ưu tiên hơn vì nữ chăm chỉ, cẩn thận… Nếu đã thích nghề này, hãy mạnh dạn nộp hồ sơ.
Còn với thắc mắc “học Xây dựng hay phải đi công trường?” của bạn Minh Phạm, TS. Nguyễn Công Giang cho rằng, không phải 100% nhân lực xây dựng là ra công trường, tùy vị trí công việc và năng lực, sở thích của mỗi cá nhân. Cá nhân ông Giang chia sẻ, được ra công trường là hạnh phúc, vì có cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt nhờ bám sát công trình thực và giải quyết các yêu cầu từ thực tế.
Lịch Giao lưu trực tuyến tư vấn tuyển sinh đại học các Khoa/Ngành Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội sẽ được thực hiện vào các buổi tối Chủ nhật hàng tuần vào lúc 20h trên kênh Youtube và Facebook của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Số tiếp theo sẽ là Giao lưu tư vấn tuyển sinh số 04 vào lúc 20h ngày 18/4 cùng tìm hiểu các chuyên ngành khối V00: Kiến Trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Kiến Trúc Cảnh quan, Thiết kế đô thị.
KÊNH TUYỂN SINH CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC HÀ NỘI:
Website: hau.edu.vn hoặc tuyensinh.hau.edu.vn
Xem giao lưu trực tuyến tư vấn tuyển sinh tại:
Facebook: https://bit.ly/3mBKnPl
Youtube: https://bit.ly/3236ULk
Hotline: 02438542391 - 0982619900
Địa chỉ: Km 10, Đường Nguyễn Trãi, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam
Bình luận