Video: PGS Vũ Hoàng Linh - Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên trực tiếp tư vấn tuyển sinh năm 2018
11h. PGS Vũ Hoàng Linh trả lời
Câu hỏi: Năm 2018, em thấy nhà trường có 1 ngành có tuyển sinh chương trình chất lượng cao như Khoa học Môi trường, Địa lý tự nhiên, Công nghệ sinh học, Công nghệ kĩ thuật Hóa học, Hóa dược, máy tính và khoa học thông tin. Các chương trình chất lượng cao này có giống nhau không? Học phí ở các chương trình này như thế nào?
PGS Vũ Hoàng Linh: Có nhiều chương trình đào tạo có cùng tên nhưng có mở ngoặc chất lượng cao (CLC) và mã khác nhau. Từ năm 2017 nhà trường tổ chức hai chương trình công nghê kĩ thuật hóa học và Công nghệ sinh học CLC theo thông tư 23 nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và cung cấp cho người học những điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo tốt hơn như cơ sở vật chất phục vụ học tập, cơ hội thực hành thực tập và kết nối với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng.
Năm 2018 Nhà trường tuyển sinh thêm 02 chương trình đào tạo (CTĐT) CLC theo TT 23 ngành Hóa dược và ngành Máy tính và khoa học thông tin. Đây là những CTĐT được thiết kế và tổ chức nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm của người học. Sinh viên được học tại các phòng học và phòng thí nghiệm có tiêu chuẩn cao, được đi tham quan, thực tập thực tế tại các doanh nghiệp. Ngoài ra còn có các chương trình tiên tiến ngành Hóa học và ngành Khoa học môi trường là những chương trình đào tạo trước đây thực hiện theo dự án CTĐT tiên tiến của Bộ GD-ĐT, có sự hỗ trợ của đối tác là các trường ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ, từ năm 2018 cũng sẽ được thực hiện theo Thông tư 23. Mức học phí của các CTĐT CLC nói trên là 3-3,5tr/tháng tùy ngành cụ thể.
Câu hỏi: Em rất thích học vật lý và đã đăng ký nguyện vọng 1 vào Ngành Vật lý học - Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên. Thầy có thể cung cấp cho em thông tin về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Vật lý học được không ạ. Em cảm ơn thầy.
Ngành Vật lý của Đại học Khoa học Tự nhiên thì có gì khác với ngành Vật lý của trường Bách Khoa hay Sư phạm?
PGS Vũ Hoàng Linh: Ngành Vật lý học được đào tạo tại trường ĐHKHTN từ năm 1956, có nhiều hướng chuyên sâu như Vật lý lý thuyết, Vật lý chất rắn, Vật lý nhiệt độ thấp, Vật lý hạt nhân, lý sinh…
Người tốt nghiệp có thể làm việc tại các viện nghiên cứu liên quan đến Vật lý, giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ và THPT. Bên cạnh đó, có nhiều vị trí việc làm ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp cần sử dụng kiến thức Vật lý ví dụ như các doanh nghiệp tin học, điện tử viễn thông, máy móc thiết bị y tế...
Ngành Vật lý hoc của trường ĐHKHTN khác với ngành Vật lý học của trường ĐHBK và Vật lý học của ĐHSP vì ĐHSP thiên về đào tạo giáo viên Vật lý, ĐHBK chuyên sâu về Vật lý kĩ thuật.
Ngưỡng điểm xét tuyển vào các chương trình đạo tạo khoa Vật lý là 16 điểm. Dựa vào điểm chuẩn năm 2017 và kết quả thi THPT QG năm 2018, điểm chuẩn dự tính giảm nhẹ so với năm 2017 nhưng không thay đổi nhiều. Các em đạt từ 17, 18 điểm trở lên có thể mạnh dạn đăng kí vào các ngành đào tạo ở khoa Vật lý.
Câu hỏi:Em tên là Trần Thanh Hải (ở Sơn La). Kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua em được tổng 19,25 điểm khối A. Với điểm số này, em có khả năng đỗ vào khoa Toán – Cơ – Tin học của trường hay không? Nếu không đủ điểm, em có thể xét tuyển vào các khoa nào của trường mà phù hợp với điểm thi em đạt được?
PGS Vũ Hoàng Linh: Khoa Toán – Cơ – Tin học hiện có 3 ngành đào tạo: Toán học, Toán Tin, và Máy tính và Khoa học Thông tin (CTĐT chuẩn và CLC). Với kết quả thi THPT Quốc gia nói trên thì em hoàn toàn có thể mạnh dạn đăng kí vào các ngành học của khoa. Em nên tham khảo điểm trúng tuyển năm 2017 của các ngành này. Tùy theo sở thích, năng lực, em có thể đăng kí ngành Toán học, Toán tin, hay Máy tính và khoa học thông tin (CTĐT CLC).
Câu hỏi:Em rất thích học về khí tượng thủy văn tuy nhiên tham khảo các anh chị khóa trước nói xin việc rất khó. Em có tìm hiểu trên thông tin trên mạng thì được biết nhà trường có liên kết với Tổng cục khí tượng thủy văn để phối hợp trong quá trình đào tạo, hỗ trợ sinh viên. Vậy em vào học thì khả năng cơ hội việc làm như thế nào? Cơ hội thực tập ra sao?
Em được 19,5 điểm khối A1 đăng ký nguyện vọng vào ngành Khí tượng và khí hậu học thì cơ hội trúng tuyển có cao không? Nếu vào học ngành này thì có được học hay nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu hay không?
PGS Vũ Hoàng Linh: Đúng là thí sinh đăng kí vào các ngành khoa học trái đất có đôi chút e ngại về vấn đề việc làm. Tổng cục khí tượng thủy văn, Sở tài nguyên môi trường các tỉnh, và các đơn vị, doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực dự báo, tư vấn, quản lý các vấn đề khí tượng-thủy văn luôn có các vị trí việc làm cho những cử nhân có kiến thức vững.
Đây là lĩnh vực rất cần cho đất nước, rất cần các chuyên gia giỏi trong dự báo phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại cho xã hội, doanh nghiệp sản xuất. Tổng cục khí tượng thủy văn quốc gia có chương trình học bổng cho sinh viên các ngành này và ưu tiên vị trsi việc làm sau tốt nghiệp. Hằng năm sinh viên thường phải đi thực tập tại các sở ban ngành, các viện nghiên cứu, các trung tâm khí tượng.
Với kết quả thi như trên, cơ hội trúng tuyển khá cao, em có thể mạnh dạn đăng kí. Trong CTĐT có các học phần liên quan đến biến đổi khí hậu, thời gian qua luôn được nhà trường bổ sung và cập nhật.
Trong quá trình học tập và thực tập, sinh viên được đi thực hành ở các trạm quan trắc khí tượng và thủy văn, sở tài nguyên môi trường, tổng cục khí tượng thủy văn,.... Có những vị trí công việc phải đi công tác và đo đạc, thực nghiệm. Tuy nhiên cũng có những vị trí công việc làm việc trên máy tính, phòng thí nghiệm, không nhất thiết luôn phải đi công tác xa. Việc đi công tác xa hay không phụ thuộc vào vị trí công việc. Có những vị trí công việc ở các lĩnh vực rất cần dự báo chính xác thời tiết như hàng không, hàng hải, giao thông vận tải. Hiện Nhà trường có nhiều dự án hợp tác với nước ngoài, ví dụ với Đan Mạch, Phần Lan, Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản, Hoa Kì. Sinh viên có thể tham gia dự án để nghiên cứu, thực hiện đề tài, khóa luận tốt nghiệp.
Ngành Hải dương học có thể học các kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực như sinh thái biển, môi trường biển, thủy văn và dòng chảy biển... Các em có cơ hội đi thực tập ở các viện nghiên cứu, sở tài nguyên môi trường, thực địa ở các vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Câu hỏi: Cho em hỏi em được 17,8 điểm khối A có nên nộp vào ngành Máy tính và khoa học thông tin không ạ?
Cho em hỏi nếu em học ngành Hóa dược thì có được học thêm Y đa khoa hoặc Dược học bên khoa y dược không ạ?
PGS Vũ Hoàng Linh: Đối với ngành Máy tính và khoa học thông tin, năm 2018, nhà trường tuyển sinh theo hai chương trình đào tạo. Đây là ngành học có cơ hội việc làm cao. Điểm chuẩn MT&KHTT thuộc top đầu trong trường. Với mức điểm như vậy cơ hội không thực sự cao. Tuy nhiên, em có thể đăng kí vào CTĐT CLC theo Thông tư 23. Bên cạnh đó, em có thể đăng kí vào ngành rất gần là Toán Tin. Sau khi ra trường em có thể làm việc tại các công ty tin học, các trung tâm tin công nghệ thông tin, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn…
Ngành Hóa dược là ngành được đào tào tại khoa Hóa học tại nhà trường. Năm 2018 ngành được tổ chức tuyển sinh và đào tạo theo Thông tư 23. Người tốt nghiệp có thể làm việc tại các công ty sản xuất và kinh doanh dược phẩm, các phòng thí nghiệm của các cơ sở y tế. Sau khi tốt nghiệp có thể học văn bằng 2 ngành Dược học tại một số trường. Hiện tại Khoa Y Dược ĐHQG đang xây dựng chương trình học cùng lúc 2 chương trình Hóa dược và Dược học.
Câu hỏi: Nhà trường có liên kết với các công ty công nghệ nước ngoài như Facebook, Google để cho sinh viên thực tập không?
PGS Vũ Hoàng Linh: Nhà trường có các hợp tác với doanh nghiệp trong nước như FPT, Viettel, CMC,… và thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, hướng nghiệp việc làm cho sinh viên Với các tập đoàn đa quốc gia chưa có những thỏa thuận hợp tác chính thức nhưng đã có những suất học bổng và cơ hội thực tập, việc làm từ những công ty đa quốc gia. Nhà trường cũng đã kí thỏa thuận hợp tác với một công ty Hàn quốc trong lĩnh vực Tin học tài chính. Công ty sẽ có các suất học bổng đồng thời đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên giỏi.
10h30. TS Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó trưởng Khoa Địa lý trả lời
Câu hỏi: Cấp 3 em rất thích học Địa lí và dự định thi vào khoa Địa lí của trường. Tuy nhiên em và gia đình cũng rất băn khoăn về cơ hội việc làm sau này. Thầy cô có thể cho em biết thêm thông tin về cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp ở khoa Địa lí không ạ?
TS Nguyễn Thị Thuý Hằng: Các năm qua, điểm chuẩn Khoa Địa lý dao động từ 16-19 điểm. Trong 3 ngành đào tạo, khoa có 40 chỉ tiêu cho ngành Địa lý tự nhiên, 50 cho ngành Khoa học Thông tin địa không gian và 60 cho ngành Quản lý đất đai.Khi vào đại học, ngành Địa lý cung cấp các kiến thức tương đối khác biệt so với học Phổ thông.
Bên cạnh các kiến thức về địa điểm, nơi chốn, các sinh viên còn được trang bị các phương pháp nghiên cứu và mô hình hóa các sự vật hiện tượng trên Trái đất. Đến năm thứ ba, các sinh viên có thể lựa chọn theo hướng muốn nghiên cứu chuyên sâu, bao gồm 4 bộ môn về địa mạo, địa lý – môi trường biển, bản đồ viễn thám và hệ thông tin địa lý, địa nhân văn và quy hoạch, sinh thái cảnh quan và môi trường.
Từ các chuyên ngành này, sinh viên được cung cấp kiến thức chuyên sâu, cụ thể để có thể đảm nhiệm vị trí chuyên gia nghiên cứu tương ứng trong các dự án, viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các Bộ, Sở hoặc đảm nhiệm vai trò giảng viên trong các trường Đại học, Cao đẳng, tư vấn viên trong các tổ chức về quy hoạch, quản lý tài nguyên và môi trường, quản lý đô thị; tư vấn về tài chính bảo hiểm, quản lý tai biến thiên nhiên.
Ngoài ra, sinh viên học bộ môn địa nhân văn và quy hoạch có thể làm các công việc liên quan đến du lịch sinh thái, một số tổ chức nghiên cứu cần chuyên môn sâu, tư vấn về bảo hiểm nông nghiệp.
Câu hỏi: Em dự định theo học ngành Quản lý đất đai của trường mình mà không biết cách học ở đấy như thế nào? Có phải đi đo đạc và thực địa nhiều không? Cơ hội việc làm ra sao? Em quan tâm nhất đến cơ hội việc làm sau này, em sợ ngành học khó xin việc?
Ngành Quản lý đất đai trước đây là ngành Địa chính, được đào tạo từ năm 1997. Ngành này thu hút số lượng lớn sinh viên đăng ký học và là một trong những ngành dẫn đầu về số lượng sinh viên đăng ký tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Thời gian đầu, ngành Quản lý đất đai liên kết với Tổng cục Địa chính, tiền thân của Bộ Tài nguyên Môi trường hiện nay. Vì vậy, một lượng lớn cán bộ của Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai, các Sở Tài nguyên Môi trường đều tốt nghiệp từ ngành này của trường.
TS Nguyễn Thị Thuý Hằng: Quản lý đất đai không chỉ liên quan đến các công việc hành chính như cán bộ địa chính, chuyên viên quản lý đất đai thuộc các Sở Tài nguyên Môi trường, văn phòng quản lý đất đai mà còn liên quan đến việc giao tiếp với người dân.
Khi học ngành Quản lý đất đai, sinh viên có thể lựa chọn các hướng nghiên cứu về pháp luật đất đai, thị trường bất động sản, đo đạc bản đồ địa chính, tư vấn về quy hoạch sử dụng đất…hoặc chọn hướng thiên về công nghệ, công nghệ đo đạc.
Học ngành này, sinh viên không chỉ được học những kiến thức cơ bản về quản lý đất đai, mà còn được trang bị các kỹ năng xử lý vấn đề, kỹ năng giao tiếp.Hiện nay, Khoa có xu hướng giới thiệu sinh viên đã tốt nghiệp vào làm trong các cơ quan ngoài Nhà nước vì vị trí việc làm trong các cơ quan Nhà nước chỉ có hạn.
Một lượng lớn cử nhân Quản lý đất đai hiện nay đang làm cho các công ty bất động sản, các tổ chức tư vấn về quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, công ty về đo đạc, xây dựng bản đồ địa chính cũng như quy hoạch sử dụng đất.
Câu hỏi: Em tìm hiểu trên trang web tuyển sinh của Đại học quốc gia Hà Nội thì thấy ngành Khoa học thông tin địa không gian là ngành học mới tuyển sinh năm 2018. Thầy có thể chia sẻ thêm 1 số thông tin về ngành học này ạ, có thể làm việc ở đâu sau khi tốt nghiệp?
TS Nguyễn Thị Thúy Hằng: Đây là ngành khoa học liên quan đến công nghệ số về xử lý thông tin địa không gian (địa điểm, hoạt động và hiện tượng diễn ra trên bề mặt Trái đất) được lưu trữ trong ảnh và bản đồ.Ngành này có thể liên quan đến các ngành khoa học khác như đo đạc trắc địa bản đồ, hệ thông tin địa lý, hệ thống định vị toàn cầu (GPS), hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GNSS), mô hình hóa không gian.
Chương trình đào tạo được phát triển dựa trên nhu cầu lớn về nguồn nhân lực thông tin địa không gian từ các cơ quan Nhà nước như Cục Viễn thám, Cục Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý – Bộ Tài nguyên Môi trường, Cục bản đồ - Bộ tổng Tham mưu, các phòng bản đồ viễn thám thuộc Sở Tài nguyên Môi trường các tỉnh; các trường đại học và cơ quan nghiên cứu đến các công ty về đo đạc bản đồ, tư vấn về GIS, các tổ chức phi chính phủ…
Các tổ chức nghiên cứu về môi trường đều cần sử dụng thông tin địa không gian. Đây là một trong những ngành thu hút nhiều nhân lực trên thế giới. Tại Việt Nam, các trường đại học đều phát triển ngành liên quan thông tin địa không gian. Đặc biệt là trong thời đại công nghiệp 4.0, các thông tin cần được chia sẻ trên nền tảng dữ liệu địa không gian.
Năm 2018, ngành Khoa học thông tin địa không gian tuyển 50 chỉ tiêu với điểm sàn xét tuyển là 15 điểm. Cơ hội đang rộng mở với các em học sinh yêu thích ngành học này.
Câu hỏi: Ngành Khoa học thông tin địa không gian có trừu tượng quá không ạ? Học ngành này sau có cơ hội làm việc được ở NASA không ạ?
Chương trình đào tạo khttđkg rất cụ thể, liên quan đến công việc về đo đạc, bản đồ, việc xử lý thông tin địa lý, sử dụng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu, xử lý và mô hình hóa các dữ liệu lớn liên quan đến thông tin địa lý.
Tháng 5/2018, 1 đoàn nghiên cứu từ NASA đến làm việc với Khoa Địa lý về việc ứng dụng các thông tin địa không gian trong các nhiệm vụ cụ thể về môi trường, dân số, đô thị hóa. Ví dụ cụ thể, các ứng dụng phổ biến hiện nay như Google Earth, bản đồ trong các ứng dụng Uber, Grab đều sử dụng các thông tin không gian.
10h: PGS Nguyễn Văn Vượng, Trưởng khoa Địa chất trả lời
Câu hỏi: Theo tôi được biết từ trang web thông tin tuyển sinh của Nhà trường, học ngành Địa chất được đi nhiều nơi, được tìm hiểu và khám phá nhiều vùng đất. Cháu nhà tôi rất đam mê khám phá, tìm hiểu thiên nhiên, nhưng cháu cũng thích các loại hình có tính công nghệ, kỹ thuật, sức học của cháu thuộc loại trung bình khá, vậy tôi muốn hỏi liệu ngành Địa chất phù hợp với năng lực và sở thích của cháu không?
PGS Nguyễn Văn Vượng, Trưởng khoa Địa chất: Địa chất học nghiên cứu về cách thức phân bố của các loại đá, quặng, nguyên liệu khoáng, sự sống trên Trái đất từ lúc hình thành đến nay bằng các công cụ hiện đại.
Ngành học này rất phù hợp các em có đam mê khám phá nhưng cũng đòi hỏi sự cẩn thận khi làm việc với các trang thiết bị hiện đại (kính hiển vi điện tử truyền qua, máy đo địa chấn, thiết bị phân tích các nguyên tố hóa học...) Bằng công cụ hiện đại có thể phát hiện và xác định được giá trị của các loại đá, quặng như ruby, saphir, kim cương, dầu mỏ, khí đốt, các quy luật biến đổi của bề mặt trái đất và tác động đến đời sống con người như trượt lở đất đá, động đất, núi lửa...
Ngành này rất phù hợp với những người có đam mê nghiên cứu, khám phá hoặc có khả năng tự khởi nghiệp.
Câu hỏi: Em đã đăng kí dự tuyển vào ngành Quản lí tài nguyên và Môi trường tuy nhiên cũng đang băn khoăn về cơ hội việc làm. Thầy cô có thể cho em biết học ngành Quản lý tài nguyên và môi trường sau khi tốt nghiệp thì có thể làm trong những lịch vực nào? Cơ hội việc làm như thế nào?
PGS Nguyễn Văn Vượng: Tất cả hàng hóa, sản phẩm phục vụ đời sống con người đều phải sử dụng các nguyên liệu do Trái đất cung cấp (tài nguyên Trái đất). Để có thể khai thác các dạng tài nguyên này phục vụ lâu dài cho cuộc sống của con người thì phải biết cách khai thác, sử dụng và quản lý sao cho hiệu quả và bảo vệ được môi trường sống của mình.
Sinh viên học ngành này xong có thể xin việc tại các cơ quan quản lý, nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, cơ sở đào tạo… về Tài nguyên, Môi trường, Xây dựng,… ở các vị trí chuyên viên, cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu, cán bộ tư vấn, giảng dạy, hoặc có năng khiếu kinh doanh thì có thể tự xây dựng các doanh nghiệp do mình làm chủ.
Câu hỏi: Trong câu trả lời trên, thầy vừa đề cập tới khả năng tự khởi nghiệp của các sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Địa chất. Thầy có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
PGS Nguyễn Văn Vượng: Từ khi khái niệm tự khởi nghiệp chưa phổ biến ở Việt Nam như hiện nay, một số sinh viên tốt nghiệp của Khoa cũng đã tự đứng ra xây dựng các doanh nghiệp có quy mô vừa sức.
Các em lập ra công ty khảo sát nền móng phục vụ xây dựng, các công ty chuyên khai thác đá xây dựng, các doanh nghiệp nhỏ chuyên khảo sát nền móng phục vụ cho xây dựng, các trung tâm tư vấn về tài nguyên môi trường.
Tất cả các em đó đều trưởng thành. Khi Khoa tổ chức ngày hội, các em trở lại trường chia sẻ kinh nghiệm với các sinh viên.
Để khởi nghiệp cần nhiều điều kiện như hiểu biết về mặt khuôn khổ pháp lý, cần vốn, con người, tri thức. Với các em sinh viên mới ra trường học nghề này mới được trang bị một phần về chuyên môn, một phần hiểu biết xã hội. Các em thường thiếu vốn. Tuy nhiên, con người là yếu tố quyết định. Tri thức là một loại vốn giúp các em tạo dựng các doanh nghiệp vừa sức.
Câu hỏi: Trong nhóm ngành Tài nguyên Trái đất của Nhà trường tôi thấy có ngành Kỹ thuật Địa chất, xin thầy cho biết học ngành học này là như thế nào? Cơ hội việc làm của ngành này ra sao?
PGS Nguyễn Văn Vượng: Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật địa chất của trường ĐHKHTN là hướng khoa học liên ngành phục vụ cho công tác Quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển bền vững hệ thống CƠ Sở HẠ TẦNG kỹ thuât – kinh tế - xã hội Đô thị, nông thôn và các vùng lãnh thổ.
Môi trường làm việc của ngành này khá rộng, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các cơ viện nghiên cứu: Viện Địa chất, Viện Quy hoạch Xây dựng, Viện KHCN Xây dựng, Viện KHCN Giao thông, ViệnThủy lợi, Viện Tài nguyên và môi trường. Có thẻ làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước: Các sở Xây dựng, Giao thông, Nông nghiệp và PT nông thôn, sở TN và MT, trong cac doanh nghiệp Khảo sát, thiết kế xây dựng, hoặc có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực Khảo sát, thiết kế xây dựng, vật liệu xây dựng, bảo vệ môi trường.
Câu hỏi: Thưa thầy, thầy có thể tiết lộ điểm chuẩn vào Khoa?
PGS Nguyễn Văn Vượng: Điểm chuẩn của Khoa thường cao hơn so với các Khoa tương ứng ở các trường khác và thuộc dạng mặt bằng chung của trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Những em nào có năng lực trung bình - khá trở lên đều có cơ hội được nhận vào học.
9h35: PGS Vũ Hoàng Linh trả lời
Câu hỏi: Em được biết Trường ĐHKHTN có đào tạo các chương trình tài năng. Đó là những ngành nào? Điều kiện để có thể được học ở các lớp tài năng này? Nếu giả sử đầu vào em không đủ điều kiện vào tài năng thì đến các năm học sau có được xét vào các lớp tài năng này không?
Em muốn hỏi nếu vào các lớp tài năng thì có khả năng nhận được các suất học bổng như thế nào? Nhà trường có nhiều suất học bổng cho sinh viên hay không?
PGS Vũ Hoàng Linh: Chương trình đào tạo CNKHTN là chương trình dành cho sinh viên tài năng đầu tiên được đào tạo ở Việt Nam và thực hiện tại trường ĐHKHTN từ năm 1997 Điều kiện được vào học là sinh viên sau khi nhập học vào trường phải nộp đơn đăng kí. Hai tiêu chí để xét tuyển là thành tích thi HSG bậc phổ thông trung học, ưu tiên các em được giải quốc tế quốc gia trong các môn phù hợp ngành học, và kết quả thi THPT QG. Nhà trường xét tuyển 60 chỉ tiêu cho 4 ngành Toán học, Vật lý học, Hóa học, và Sinh học. Đối với các em chưa trúng tuyển vẫn có cơ hội vì sau mỗi năm học và học kì nhà trường tổ chức xét học vụ, các em đạt kết quả học tập giỏi và xuất sắc ở các ngành học tương ứng trong hệ đào tạo chuẩn sẽ được xét tuyển vào các lớp tài năng nếu có nguyện vọng.
- 100% Sinh viên hệ CNKHTN được học bổng 1 triệu/tháng ngay từ học kì đầu tiên, các học kì tiếp theo sẽ nhận mức học bổng tùy theo kết quả học tập. Bên cạnh đó, có nhiều các học bổng từ các quỹ khác nhau và học bổng trao đổi. Các sinh viên CNKHTN cũng có ưu thế rất lớn khi đăng kí các học bổng của đại học nước ngoài nếu muốn học tiếp sau đại học.
9h30. Chương trình Tư vấn Tuyển sinh được chính thức bắt đầu
Chọn trường, chọn ngành học là một quyết định quan trọng đối với mỗi thí sinh vì nếu chọn đúng ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực và có tiềm năng phát triển sẽ không chỉ giúp sinh viên thành công trong cuộc sống mà còn tạo uy tín cho nhà trường.
Vậy làm sao để chọn được ngành nghề phù hợp? Các thí sinh còn băn khoăn về ngành nghề và chương trình đào tạo nào của trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh và lãnh đạo các khoa của trường sẽ có những chia sẻ về thông tin tuyển sinh năm 2018 của nhà trường và phần nào giải đáp các thắc mắc của thí sinh và phụ huynh sau khi có kết quả thi THPT Quốc gia.
Với những thí sinh cần tư vấn cụ thể, lãnh đạo nhà trường và các khoa sẽ trả lời mọi thắc mắc, băn khoăn trên Báo điện tử VTC News (https://vtcnews.vn/) vào 9h30 ngày 18/7/2018, đồng thời tư vấn thí sinh 24/7 qua trang website http:tuyensinh.hus.vnu.edu.vn, đường dây nóng 0967867334 và trang facebook của trường https://www.facebook.com/VNUHUSFanpage/.
Tư vấn cho các thí sinh còn đang băn khoăn trong việc lựa chọn trường đại học, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học tự nhiên (KHTN) cho biết, ngưỡng xét tuyển các ngành học của trường Đại học KHTN có 3 mức, từ 15, 16, 17 điểm tùy theo từng chương trình đào tạo và ngành học.
Các thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian từ ngày 19/7 đến 17h ngày 26/7 (qua cổng thông tin) và đến 17h ngày 28/7 (bằng phiếu đăng ký tại trường THPT hoặc Sở GD-ĐT).
Dựa trên mặt bằng chung điểm thi năm nay, ông Linh cho biết thêm, điểm chuẩn vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên có thể giảm nhẹ đối với một số ngành và chương trình đào tạo.
"Đặc biệt, một số ngành và chương trình đào tạo có sức hút đối với thí sinh và số lượng thí sinh đăng ký tăng cao cũng chỉ giảm chút ít hoặc giữ nguyên như năm ngoái", PGS Vũ Hoàng Linh chia sẻ.
Ông Linh cho hay, thí sinh có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn năm 2017 của ngành/chương trình đào tạo cụ thể có thể mạnh dạn đăng ký xét tuyển ngành/chương trình đào tạo đó.
Về điều chỉnh nguyện vọng, PGS Linh khuyên các thí sinh nên xem xét kỹ các ngành, chương trình đào tạo và 3 tiêu chí chính để quyết định. Đó là sở thích và năng lực của bản thân, kết quả điểm thi THPT Quốc gia 2018 và cơ sở điểm chuẩn chương trình đào tạo đó của năm 2017 để dự báo.
“Các em hãy sắp xếp hợp lý thứ tự các nguyện vọng căn cứ cả ba tiêu chí trên để có cơ hội trở thành sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN)”, ông Linh nói.
Theo TS Linh, các thí sinh có điểm xét tuyển theo các tổ hợp đã thông báo khá tốt (từ 23-24 điểm hoặc cao hơn) có thể chọn những ngành và chương trình đào tạo mà mình cảm thấy ưa thích và phù hợp với năng lực nhất. Từ đó, các em hãy sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên và điểm chuẩn dự kiến từ cao xuống thấp.
"Nếu các em có kết quả ở mức vừa phải (từ 16 đến 22 điểm) thì vẫn có cơ hội trúng tuyển vào một trong các ngành học mà mình yêu thích của trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Tuy nhiên, các em nên cân nhắc cả các ngành gần và liên quan vì trong quá trình học tập nghiên cứu, các em có thể theo các hướng chuyên sâu, thực hiện các đề tài nghiên cứu rất gần với ngành yêu thích nhất của mình và sau đó vẫn tiếp tục đi theo hướng nguyện vọng ban đầu", PGS Linh khuyên.
Vị Hiệu phó Đại học Khoa học Tự nhiên những năm gần đây, tỷ lệ thí sinh đăng ký vào các khoa Toán - Cơ - Tin học, khoa Hóa học, khoa Sinh học của trường Đại học Khoa học Tự nhiên khá đông.
Học những ngành này, ngoài các trường đại học, viện nghiên cứu, sinh viên tốt nghiệp có thể tìm được công việc ở các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đặc biệt, ngành Công nghệ sinh học cùng với máy tính và khoa học thông tin hay Toán - Tin là hai trong những lĩnh vực mũi nhọn trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Năm 2018, Đại học Khoa học Tự nhiên tuyển sinh ngành mới Khoa học thông tin địa không gian với 50 chỉ tiêu. Đây là lĩnh vực ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội cao với chương trình đào tạo mang tính chất liên ngành, kết hợp kiến thức địa lý, công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu, đều là những công cụ quan trọng trong lĩnh vực địa lý hiện nay.
Người sở hữu bằng tốt nghiệp đại học Khoa học thông tin địa không gian (GISc) có thể làm việc trong mọi lĩnh vực, kết nối hài hòa các sở thích cá nhân về quân sự, môi trường, nông nghiệp, mỏ, kinh doanh, quy hoạch đô thị, quản lý tài nguyên, quản lý tai biến thiên nhiên,... với GISc.
Một số vị trí nghề nghiệp phù hợp như: Thiết kế bản đồ, phân tích dữ liệu, mô hình hóa, quản trị cơ sở dữ liệu, quản lý dự án, quản trị hệ thống, lập trình hệ thông tin địa lý,…
Điều đáng chú ý, một số đơn vị đã tuyển dụng nhân lực khoa học thông tin địa không gian như: Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị trực thuộc, các Sở; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công an; Cục Bản đồ Quân đội, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam…
Thời gian qua, Đại học Khoa học Tự nhiên đã ký kết hợp tác với Trung tâm NASA và sinh viên ngành Khoa học thông tin Địa không gian, sinh viên khoa Địa lý nói riêng và sinh viên của trường nói chung có cơ hội sử dụng kho dữ liệu của NASA trong quá trình nghiên cứu và học tập. Ngoài ra, các chương trình đào tạo khác cũng có nhiều đổi mới.
Năm 2018, trường Đại học KHTN tuyển sinh 21 ngành với 26 chương trình đào tạo, 23 mã ngành khác nhau. Như vậy, tổng chỉ tiêu của trường là 1.430, phân bổ cho 21 ngành.
Năm 2017, trường Đại học KHTN là đơn vị đầu tiên ở Đông Nam Á thực hiện kiểm định đánh giá theo bộ tiêu chuẩn của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA).
Trường là một trong 2 trường đại học đầu tiên của Việt Nam được công nhận đạt chuẩn. Mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội lọt vào top 1.000 đại học thế giới trong bảng xếp hạng QS, bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) - Anh Quốc.
Đây là một trong những bảng xếp hạng có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới.
Bình luận