• Zalo

Tư vấn sức khoẻ online, nhiều bác sĩ 'sập bẫy' ghép hình đồi trụy, tống tiền

Tin tứcThứ Sáu, 12/01/2024 10:49:40 +07:00Google News
(VTC News) -

Sau khi được bác sĩ khám bệnh online qua video, người đóng giả là bệnh nhân đã cắt hình ảnh của bác sĩ ghép vào clip sex rồi gọi điện đe dọa tống tiền.

Bác sĩ Việt Anh (33 tuổi, đang công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội) nhận được tin nhắn của nhiều người xin tư vấn về bệnh. Nghĩ là người bệnh cần giúp đỡ, anh không cảnh giác, nhiệt tình tư vấn như những lần khác.

Những người này còn gọi video nhờ khám bệnh trực tiếp. Bác sĩ Việt Anh không thể ngờ tới các đối tượng này lại cắt hình ảnh của anh rồi ghép vào clip sex, đe dọa tống tiền.

"Lần đầu, các đối tượng lừa đảo đe doạ, yêu cầu chuyển 1 triệu đồng thì sẽ coi như không có chuyện gì. Tôi sợ phiền hà, số tiền không nhiều nên đành chuyển khoản. Đến lần hai, họ đòi 5 triệu, rồi lần 3 là 10 triệu. Số tiền tăng lên theo cấp số nhân khiến tôi không thể chịu được nữa và bắt buộc phải lên tiếng", vị bác sĩ nói.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hai (35 tuổi, làm việc tại phòng khám tư ở Hà Nội) cũng gặp tình cảnh tương tự. Kẻ xấu gửi những clip đã cắt ghép mặt anh đến gia đình, người thân khiến cuộc sống bị đảo lộn. Dù rất bức xúc nhưng anh lại lo ngại, sự việc phiền phức nên chưa dám trình báo cơ quan công an.

Trên đây chỉ hai trong số các bác sĩ phản ánh việc bị đối tượng lừa đảo, tống tiền sau khi được người lạ liên lạc nhờ tư vấn sức khỏe online. Các đối tượng này sử dụng chung thủ đoạn đóng giả làm bệnh nhân sau đó khéo léo lừa các bác sĩ tư vấn qua Facebook, Zalo.

Các đối tượng giả danh bệnh nhân để cắt ghép hình ảnh nhạy cảm tống tiền bác sĩ (Ảnh: Chụp màn hình).

Các đối tượng giả danh bệnh nhân để cắt ghép hình ảnh nhạy cảm tống tiền bác sĩ (Ảnh: Chụp màn hình). 

Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, hành vi dùng hình ảnh bác sĩ cắt ghép vào clip sex nhằm đe dọa uy hiếp tinh thần và chiếm đoạt tài sản là vô đạo đức, không thể chấp nhận.

Hành vi này đã ảnh hưởng lớn đến xã hội, ảnh hưởng đến uy tín, công việc của cá nhân bác sĩ, đến danh dự, bệnh viện nơi bác sĩ công tác, quan trọng là ảnh hưởng đến những người thật sự có nhu cầu khám chữa bệnh.

Với những hành vi như vậy, đòi hỏi không chỉ bác sĩ, các cơ quan ngôn luận mà cả dư luận xã hội, cộng đồng cần phát huy tinh thần trách nhiệm để loại từ hành vi xấu, lành mạnh hoá các hoạt động hỗ trợ người bệnh thông qua tư vấn từ xa.

“Nếu còn để tình trạng tương tự xảy ra, tôi e rằng sắp tới sẽ không còn bác sĩ nào dám tư vấn cho người bệnh qua mạng nữa”, Tiến sĩ Quang nói.

Chuyên gia khuyên, các bác sĩ từng trở thành nạn nhân của những hành vi này cần lưu lại dữ liệu, trình báo cơ quan công an để xác minh làm rõ. Nếu có căn cứ cho thấy đã có hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần nhằm buộc bác sĩ phải chuyển tiền, yêu cầu cơ quan công an xử lý nghiêm để răn đe. Như vậy mới bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người thầy thuốc.

Theo nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế, để tránh được những chiếc bẫy giăng khắp mạng xã hội, bản thân bác sĩ cũng phải trang bị kiến thức để tự bảo vệ cho mình, cẩn trọng hơn khi quyết định lựa chọn tư vấn cho người bệnh trên mạng. “Tốt nhất nên hướng dẫn người bệnh đến thăm khám trực tiếp tại cơ sở khám chữa bệnh”, TS Quang nêu ý kiến.

NHƯ LOAN
Bình luận
vtcnews.vn