• Zalo

Tử tù Nguyễn Đức Nghĩa tâm sự gì ngày Tết?

Pháp luật Chủ Nhật, 12/02/2012 07:28:00 +07:00Google News

“Mùa đông năm nay là mùa đông giá rét nhất, nhưng khí hậu có lạnh đến thế nào thì cũng không bằng cái lạnh trong lòng cháu”.

“Mùa đông năm nay là mùa đông giá rét nhất, nhưng khí hậu có lạnh đến thế nào thì cũng không bằng cái lạnh trong lòng cháu” - Nguyễn Đức Nghĩa tâm sự với người quản giáo khi anh đến chúc Tết các tử tù.

Nghĩa hoạt ngôn, nói hay và cũng hay nói. Nhưng chỉ là khi cần thiết, khi gặp nhà báo, gặp điều tra viên, và lúc tâm sự với cán bộ trại giam. Nói cách khác là anh ta biết thể hiện mình. Nhưng nếu người đối diện là bạn tù, là những kẻ mà Nghĩa cảm thấy... kém mình, Nghĩa lập tức giở thái độ trịch thượng, kiểu phân biệt đẳng cấp ngay. Tết năm nay, Nghĩa nói anh ta buồn lắm vì bà Chuân - mẹ Nghĩa thì về Hải Phòng để thắp hương cho chồng, còn chị gái Nghĩa lại về quê chồng ở Quảng Ninh ăn Tết.

Tết lạnh lẽo nhất

Đây là cái Tết thứ hai xa nhà của Nguyễn Đức Nghĩa. Năm ngoái, đêm 30 Tết, Nghĩa nằm dỏng tai nghe tiếng pháo hoa từ sân vận động Mỹ Đình. Còn năm nay, sau khi lãnh đạo trại giam xuống chúc Tết các tử tù, Nghĩa cũng như các bạn tù khác đồng loạt hát váng cả khu buồng biệt giam. Họ cứ hát như thế cho đến sáng.

Nhà thi hành án bằng tiêm thuốc độc đang được xây dựng. Không biết kẻ tử tội nào sẽ “xông đất” nhà thi hành án khi khu nhà này được hoàn thành. Đó là câu chuyện ở thì tương lai, và đó cũng là sự “ân xá” cuối cùng mà cuộc đời dành cho những kẻ đã gây ra tội ác tày trời. 
Buổi đêm ở khu biệt giam thường... sôi động, tiếng hát, tiếng khóc, tiếng cãi nhau, tiếng đánh cờ mồm... như một cách để các tử tù đuổi bóng đêm đi thật nhanh với hy vọng còn trông thấy ánh mặt trời. Vì mỗi một lần còn được nhìn thấy ánh sáng, tức là thêm một ngày được sống. Bởi thế, tử tù thường ít ngủ. Và nhiều người thường tắm vào ban đêm. Để nếu sáng sớm có “đi” thì cũng đã sạch sẽ rồi.

Trước đây, Nguyễn Đức Nghĩa ở cùng buồng với một tử tù tên Nguyễn Anh Tuấn, ở Mê Linh. Tử tù này sinh năm 1981, tức là cùng lứa với Nghĩa, hai đứa cãi nhau, chí chóe suốt ngày chỉ vì những mâu thuẫn lặt vặt trong sinh hoạt. Tuấn cũng phạm tội giết người. Nạn nhân của hắn cũng là một cô bạn gái, nhưng là bạn mới quen chứ không phải người yêu cũ như Nguyễn Đức Nghĩa. Tuấn đã cùng một thằng bạn nữa lập kế hoạch giết cô gái này để cướp tài sản.

Chúng hành động vô cùng dã man, đến cùng, có chủ đích chứ không phải bột phát. Ở Nghĩa và Tuấn đều có điểm chung là giết bạn gái, nhưng hai kẻ này không “tìm được tiếng nói chung” trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Mỗi thằng đều bị cùm một chân, nhưng khi cú lên là cũng dùng tay quào sang nhau đấm đá, rồi cầm xô chậu nhựa ném nhau, không kẻ nào chịu nhịn.

Để tránh xung đột, cán bộ trại giam đã phải sắp xếp cho tử tù Nguyễn Anh Tuấn sang buồng khác, và hiện tại, Nguyễn Đức Nghĩa ở cùng buồng với một tử tù tên Vũ Trọng Tâm (SN 1959, ở huyện Văn Yên, Yên Bái), phạm tội giết người. Nạn nhân của Tâm là ông chủ nhà trọ ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.

Ông chủ này đã bị Tâm đâm chết chỉ vì ông khuyên hắn nên từ bỏ thói nghiện ngập cờ bạc và cần phải chí thú làm ăn. Người này cách Nghĩa cả một thế hệ, và nguyên nhân phạm tội cũng không giống Nghĩa nên giữa hai người không có chuyện mâu thuẫn khó xử như trước. Có lần, được mẹ và chị gái đến thăm, Nghĩa đã kể chuyện xích mích với bạn tù Nguyễn Anh Tuấn.

Bà Chuân đã khóc rất nhiều và khuyên con trai, không nên xử sự như vậy vì đã ở chốn này rồi, phải thương nhau, chia sẻ với nhau chứ trong buồng chỉ có hai người mà lại còn đánh nhau, cãi nhau thì cuộc sống càng nặng nề hơn.

Kể cũng lạ! Vào đến buồng biệt giam rồi mà Nghĩa vẫn xích mích với bạn tù từ việc nhỏ nhất trong sinh hoạt thường ngày, thế nên dù có nguỵ biện cho mình bằng rất nhiều thứ hoa văn loằng ngoằng thì Nghĩa vẫn lộ rõ bản chất là một kẻ tiểu nhân, nhỏ nhen.

Nhà tiêm thuốc độc đang được xây dựng tại trại giam Sơn La. 
Rất nhiều lần được chứng kiến Nguyễn Đức Nghĩa “hùng biện”, phải nói là anh ta hoạt ngôn, có khiếu ăn nói, tôi luôn nghĩ rằng, đó là tư chất của một kẻ có học, tự tin với kiến thức của mình, nhưng thực ra đó chỉ là cái biểu hiện bên ngoài của Nghĩa, còn những gì anh ta làm, mới đúng với suy nghĩ thực, nên nói như một cán bộ trại giam nơi đây thì Nghĩa rất... khó lường. Ở cả hai phiên tòa, Nghĩa đều xin được chết, anh ta đều nói rằng, có bắn trăm lần cũng không hết tội nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, Nghĩa lại viết đơn xin Chủ tịch nước tha tội chết.

Có gì đó rất giống kẻ sát nhân cướp vàng Lê Văn Luyện. Ngay khi mới bị bắt và nhiều lần sau nữa gặp nhà báo, khi được hỏi, Luyện đều nói “bắn cháu ngay bây giờ cũng được”, nhưng hôm ra tòa, hắn đã vã mồ hôi khi nghe HĐXX tuyên án dù thời tiết hôm ấy xuống rất thấp trong mùa đông này. (Dù trước đó, Luyện đã được luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình cho biết, tội của hắn, kịch khung cũng chỉ 18 năm, vì đơn giản là khi gây án, hắn chưa đủ 18 tuổi).

Xét cho cùng, đó là bản chất “anh hùng rơm” được núp trong những tâm hồn dối trá, tội lỗi. Những ngày trong biệt giam, Nghĩa đã “sáng tác” một bài thơ và nhanh chóng sau đó, bài thơ này đã được đẩy lên các trang tin điện tử với tốc độ lan truyền chóng mặt. Anh ta không bao giờ nghĩ được rằng, chỉ vì một phút thích “nổ” với nhà báo, mà anh ta đã bị phát hiện đạo thơ bằng cách lắp ghép những câu từ rất hợp với hoàn cảnh của mình vào trong bài thơ “xịn” khác, khi bài báo chỉ vừa lên mạng vài giây.

Chưa biết có bị bác đơn hay không

Khi lãnh đạo trại giam đi chúc Tết, trong khi các tử tù khác nhao nhao trả lởi, cảm ơn “Ban”, thì Nguyễn Đức Nghĩa lại im lặng, lạnh lùng không mảy may đáp lời. Nghĩa gầy hơn rất nhiều so với hôm được dẫn ra phiên tòa phúc thẩm, mặt anh ta ít mụn hơn nhưng đôi mắt thì càng như lồi ra thâm quầng dưới tán lông mày đen, rậm rịt.

Còn nhớ, sau khi Nghĩa gây ra vụ án giết bạn gái và cả sau này, khi Lê Văn Luyện gây ra vụ giết cướp tiệm vàng, trên mạng lập tức có những gã thầy bói tình nguyện “xem tướng” miễn phí cho những sát thủ này. Và đặc điểm chung mà các thầy bói phán, là Nghĩa và Luyện đều có những “quả lông mày” khác người thường.

Đấy chính là “điểm chết” trên gương mặt của những kẻ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng tôi lại nghĩ khác, con người ta hành động như thế nào là do sự chỉ bảo của con tim, khối óc. Khi con tim của những kẻ tử tội ấy rất lạnh và cái đầu của chúng lại rất nóng thì đương nhiên chúng sẽ gây ra những việc xấu xa. Điều đó, hẳn nhiên là đôi lông mày không bao giờ có tội.

Sau Tết vài ngày, có thông tin trên một số trang tin điện tử cho rằng, Nguyễn Đức Nghĩa đã bị bác đơn xin tha tội chết, không biết độ xác thực của các thông tin này đến đâu, và nếu đó là sự thật thì hình như Nguyễn Đức Nghĩa cũng cảm nhận, linh tính được rằng, anh ta không có “cửa” gì để thoát tội chết. Bởi thế, Nghĩa tâm sự, Tết năm nay là một cái Tết lạnh lẽo nhất, đặc biệt là sự lạnh lẽo trong lòng.

Nghĩa cũng biết từ ngày 1.7.2011, tử tù sẽ được thi hành án bằng việc tiêm thuốc độc và thời điểm này, ngay trong trường bắn Cầu Ngà, nhà thi hành án đang được xây dựng. Trước Tết, tâm sự với một cán bộ quản giáo, Nghĩa hỏi, nhà thi hành án được làm sắp xong chưa, anh quản giáo đã khéo léo nói sang chuyện khác để Nghĩa không bị “lăn tăn”, tránh tâm lý tiêu cực mà những kẻ tử tù rất dễ nảy sinh.

Nguyễn Đức Nghĩa là một trong những tử tù thuộc thành phần “gia đình có điều kiện” nên Tết này, Nghĩa nhận được rất nhiều quà từ gia đình gửi vào, dường như không thiếu thứ gì và anh ta cũng chia cho bạn tù cùng buồng ăn Tết. Nhưng dù vật chất có thừa mứa bao nhiêu thì trong hoàn cảnh của Nghĩa, không còn gì buồn và sợ hơn khi con người ta biết cái chết đang treo lơ lửng trước mặt mình.

Nhưng đó là cái giá mà những kẻ phạm tội ác như Nguyễn Đức Nghĩa đang phải chấp nhận. Và niềm an ủi duy nhất đối với Nghĩa cũng như các tử tù chưa bị thi hành án từ thời điểm 1.7.2011 đó là, được... tiêm thuốc độc thì cái chết sẽ đến một cách nhẹ nhàng hơn, đỡ đau đớn hơn. Cả năm 2011 (tính đến trước thời điểm 1.7), Trường bắn Cầu Ngà chứng kiến sự ra đi của 7 tử tù. Tử tù cuối cùng bị bắn tại đây là Nguyễn Văn Hưng, SN 1989, ở Thạch Thất, Hà Nội. Nguyễn Văn Hưng đã gây ra vụ giết người cướp xe ôm và bị bắn vào ngày 23.5.2011.

Nguyễn Đức Nghĩa, ở 112 đường Điện Nước, tổ 7 phường Lãm Hà, Kiến An, TP Hải Phòng. Năm 2002, Nghĩa thi đỗ Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội. Trong quá trình học tại đây, Nghĩa đã yêu chị Nguyễn Phương Linh, ở phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cuối năm 2007, Nghĩa và chị Linh chia tay. Cuối năm 2007, Nghĩa quen và yêu Hoàng Thị Yến (ở phòng 1101, nhà G4 Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Từ ngày 23.4 đến ngày 5.5.2010, Yến cùng bà nội về quê tại xã Đức Chính, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Yến đã đưa chìa khóa phòng 1101, chìa khóa xe máy Yamaha Sirius BKS 14P6-1296 cho Nghĩa. Khoảng 12h30 ngày 4.5.2010, Nghĩa gọi điện rủ chị Linh đến nhà Yến. Tại đây Nghĩa và chị Linh đã chơi game trên mạng internet trong phòng ngủ của Yến.

Với mục đích giết chị Linh để cướp tài sản, lợi dụng lúc chị Linh đang mải chơi, Nghĩa đã lấy con dao đem giấu ở giá sách cạnh giường trong phòng ngủ của chị Yến, chờ cơ hội thực hiện hành vi phạm tội. Khoảng 21h30 ngày 4.5.2010, khi chị Linh đang đứng soi gương, chải đầu để ra về, Nghĩa đã lấy con dao đâm vào người chị Linh khiến nạn nhân tử vong.

Sau đó, Nghĩa lấy chăn cuốn thi thể nạn nhân, vác lên tầng 13 để tại đó. Ngày 5.5, Nghĩa mang các tài sản của chị Linh (máy tính xách tay, điện thoại di động) xuống nhà để xe. Lấy được xe máy Honda SCR màu trắng BKS 30F3-0895 của nạn nhân, Nghĩa đi đến nhiều điểm trong phường Trung Hòa để phi tang các tang vật.

Gần 9h ngày 5.5, Nghĩa đến tiệm cầm đồ ở 240 đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) “cắm” máy tính xách tay của chị Linh lấy 5 triệu đồng. Xe máy SCR của chị Linh bị Nghĩa thế chấp tại 524 đường Láng để rút chiếc xe máy Yamaha Sirius của Yến ra sử dụng (trước đó, Nghĩa “cắm” xe Sirius lấy 11 triệu đồng).

Đến ngày 17.5.2010, khi biết vụ việc đã bị phát hiện. Nghĩa bỏ trốn lên nhà anh họ ở Thái Nguyên và bị cơ quan điều tra bắt giữ vào ngày 18.5.

Theo Cảnh sát toàn cầu
Bình luận
vtcnews.vn