(VTC News) – “Xét cho cùng đến lúc này, vụ án Nguyễn Đức Nghĩa đã có đến hai người vô tội không còn. Sao phải giết thêm người khi ta có thể cứu người?” – Góc nhìn không phải không có lý lẽ riêng của một độc giả.
Vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, báo chí và dư luận đã đề cập quá nhiều, đủ mọi góc nhìn, đủ quan điểm... Riêng tôi, đến thời điểm này, tôi chợt nhớ về một nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung – không chỉ bởi tôi là fan của nhà văn này.
Trong tiểu thuyết võ hiệp Ỷ Thiên Đồ Long Ký (độc giả và khán giả Việt Nam chắc quá quen với tác phẩm này) có một nhân vật là Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn. Bởi muốn tìm tông tích của sư phụ và cũng chính là kẻ thù sát hại toàn gia thủ Thành Khôn, Tạ Tốn đã giết biết bao người vô tội, và bởi vậy gây thù chuốc oán với rất nhiều môn phái, gia tộc trên giang hồ. Ai cũng muốn giết Tạ Tốn để tạ vong linh người thân. Cuối cùng, sau bao biến cố, cũng đến lúc Tạ Tốn phải đối mặt với tất cả những món nợ mà mình đã gây ra...
Thế nhưng, Tạ Tốn đã không chết, tất cả những người trước đó chỉ có tâm nguyện là giết Tạ Tốn đã thay đổi, chỉ trả thù bằng cách nhổ lên mặt Tạ Tốn bãi nước bọt. Sau đó, Tạ Tốn đi tu, sám hối cả đời nơi cửa Phật.
So với chuyện Nguyễn Đức Nghĩa, tất nhiên hoàn cảnh, câu chuyện và rất nhiều thứ không giống nhau, song có một điểm chung, đó là trừng phạt kẻ giết người như thế nào? Trước khi bố Nghĩa mất, khi biết Nghĩa kháng cáo, tôi cũng kiên quyết lập trường không thể để Nghĩa sống. Nhưng rồi ông Hùng đột ngột ra đi, tôi lại thấy giết Nghĩa bây giờ có quá cứng nhắc hay không?
Tôi không thương xót Nghĩa, mà người tôi thương cảm ở đây là bà Chuân - mẹ Nghĩa. Bà Chuân đang phải chịu đựng những nỗi đau tột cùng, không chỉ nỗi đau mất người thân thôi đâu, mà cả mặc cảm tội lỗi vì có con là kẻ giết người trước xã hội. Nếu trước đây, nỗi đau đó còn ông Hùng gánh cùng, và nếu Nghĩa chết đi vẫn còn ông Hùng để bà nương tựa, thì nay, bà không còn gì cả. Cô con gái không thể thay thế được.
Chúng ta cứ bàn nhiều đến việc phải giết bỏ một con người, sao không tìm cách để cứu một con người. Con người cần cứu ở đây chính là bà Chuân - mẹ Nghĩa. Với Nghĩa, không bị xử bắn chưa hẳn đã là điều may mắn. Phải đối diện với quá khứ, đối diện với tội lỗi của mình, phải chứng kiến hậu quả mình gây ra hiện hữu suốt quãng đời còn lại có khi còn kinh khủng hơn là chết. Cho Nghĩa sống (thể xác thôi- vì thực ra với xã hội, nhân cách và tâm hồn Nghĩa đã chết) là để bà Chuân sống.
Xét cho cùng đến lúc này, vụ án Nguyễn Đức Nghĩa đã có đến hai người vô tội không còn. Sao phải giết thêm người khi ta có thể cứu người?
Ngô Quang Vũ
Bình luận