Nhờ phim ảnh và sự lan truyền chóng mặt của các video hướng dẫn nấu ăn hay review đồ ăn, các món ngâm tương có nguồn gốc Hàn Quốc ngày càng phổ biến ở Việt Nam, được nhiều tín đồ ăn uống mê mẩn.
Nguyên liệu để ngâm tương khá đa dạng, đơn giản và dễ ăn nhất chính là trứng luộc lòng đào. Ở cấp độ cao hơn, bạn có thể thử qua các loại hải sản ngâm tương như tôm, ghẹ, cá hồi, bào ngư. Điều đặc biệt của những món này là tất cả các nguyên liệu vẫn còn tươi sống, chưa qua quá trình đun nấu trước khi ngâm vào hỗn hợp tương và các loại gia vị khác. Vậy liệu những món này có kén người ăn và hương vị của chúng ra sao?
Công thức chung của phần nước tương cơ bản gồm nước tương, syrup ngô, rượu trắng, hành tây, hành lá, ớt, vừng rang... Sau khi pha theo một tỉ lệ nhất định, phần hỗn hợp này được đun sôi, sau đó để thật nguội để khi ngâm, các loại hải sản không bị tái.
Đa phần các loại hải sản ngâm tương đều còn sống. Vì thế, muốn món ăn được thành công, hải sản phải thật tươi và ngon. Cua và ghẹ được chọn thường là những con có nhiều thịt và gạch để khi ngâm lên men với nước tương món ăn có vị mặn, ngọt, béo ngậy hoà quyện với nhau.
Nếu muốn làm tôm ngâm tương, bạn nên chọn tôm sú, chắc và dày mình. Sau khi lột vỏ và rút chỉ sống lưng, tôm cần được ngâm trước với rượu để khử mùi tanh và sạch nhớt. Nhờ đó, thành phẩm thường không quá tanh như nhiều người từng nghĩ.
Riêng món bào ngư thì có chút khác biệt trong quá trình chế biến. Thay vì ngâm sống, bào ngư thường được đem đi hấp cách thủy trong vòng 4-5 phút, sau đó mới ngâm với tương và bảo quản trong tủ lạnh.
Nhìn chung, các món hải sản ngâm tương đều giữ lại nhiều chất dinh dưỡng và bảo quản được 3-4 ngày. Khi ăn, bạn nên kèm với cơm nóng, rong biển, lá vừng hay kim chi. Món ăn này có vị béo, ngọt đặc trưng của hải sản, pha chút vị mặn ngọt hài hòa của nước tương, ngoài ra còn có mùi thơm của hành, tỏi,... xứng đáng là món ăn bạn nên thử một lần.
Bình luận