(VTC News) - Một số loại thuốc sau bạn nên có trong tủ thuốc gia đình dịp Tết Ất Mùi để cấp cứu khi cần thiết.
1. Thuốc cảm sốt
Cảm sốt là rối loạn thường gặp và thường do cảm cúm với các triệu chứng như sốt và đau nhức (nhức đầu, nhức mình mẩy, chân tay). Để giảm đau, hạ sốt, đặc biệt trị nhức đầu, nên dùng thuốc paracetamol.
Cảm sốt là rối loạn thường gặp và thường do cảm cúm với các triệu chứng như sốt và đau nhức. |
Bạn nên lưu ý, trong những ngày Tết, nhiều người chúc rượu, việc uống rượu quá nhiều và dài ngày có thể làm tăng nguy cơ paracetamol gây độc cho gan. Khi phải dùng đến thuốc hạ nhiệt giảm đau paracetamol thì bạn không được uống rượu.
2. Thuốc dùng cho bệnh mãn tính
Thuốc dùng cho bệnh mãn tính là thuốc mà bác sĩ đã kê đơn và đã được dùng hằng ngày, ví dụ bệnh tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành, hen suyễn, bệnh đái tháo đường, bệnh viêm đại tràng mãn tính, bệnh xương khớp, bệnh gút...
Trong những ngày Tết, với các bệnh mạn tính có liên quan đến chế độ ăn uống, càng cần có thuốc để uống một cách đều đặn, tuyệt đối không được bỏ hoặc dùng không thường xuyên do thiếu thuốc.
Với các bệnh mạn tính, bạn tuyệt đối không được bỏ thuốc. |
3. Thuốc hỗ trợ dạ dày
Tình trạng viêm dạ dày thường sẽ nặng hơn vào dịp Tết nếu chế độ ăn uống thiếu khoa học. Gia đình nào có bệnh nhân đau dạ dày nên dự trữ thuốc Phosphalugel dạng gói giúp trung hòa a-xít dạ dày, giảm đau nhanh. Liều dùng một gói cho ba lần mỗi ngày. Ngoài ra, có thể dùng Maalox dạng viên để nhai từ 2-3 viên/ngày.
4. Thuốc về hô hấp
Vào dịp Tết, khí hậu miền Bắc nước ta thường lạnh và ẩm ướt, lại hay thay đổi đột ngột, trời đang nồm, bất chợt gió mùa Đông Bắc gây nên rét buốt làm rối loạn khả năng chống đỡ với bệnh tật, nhất là ở trẻ em và người cao tuổi. Các triệu chứng như ngạt mũi, ho dễ xảy ra.
Bạn nên chuẩn bị ít thuốc nhỏ mũi để đề phòng các chứng bệnh về hô hấp. |
Một số thuốc thường dùng để giảm ho như terpin, codein… Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị ít thuốc nhỏ mũi như nước muối sinh lý 0,9% và thuốc nhỏ mũi loại co mạch như sulfarin (chống ngạt mũi). Tuy nhiên, đối với loại thuốc nhỏ mũi co mạch, không nên dùng kéo dài quá 1 tuần.
5. Thuốc chống dị ứng
Dị ứng ngày Tết có thể do thời tiết, phấn hoa, thức ăn, côn trùng… Cần chuẩn bị thuốc Fexofenadine 60mg trong nhà, dùng từ 2-3 viên/ngày khi cần.
Bạn cần dự phòng oresol để đề phòng trong nhà có người bị tiêu chảy. |
6. Thuốc trị tiêu chảy
Bạn cần dự phòng oresol để đề phòng trong nhà có người bị tiêu chảy cần được bù lượng nước đã mất bằng oresol. Khi pha oresol phải theo đúng tỷ lệ hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc, tránh tình trạng pha đặc hay loãng đều làm mất tác dụng của thuốc.
7. Thuốc trị táo bón
Dự trữ thuốc dạng bơm vào hậu môn hoặc thuốc chứa hợp chất cao phân tử macrogol, thuốc nhuận tràng… nên chú ý thuốc dùng cho người lớn và thuốc dùng cho trẻ em.
Thuốc chống say tàu xe nếu gia đình bạn có kế hoạch đi chơi bằng ô-tô, tàu. |
8. Thuốc chống say tàu xe
Rất cần thiết nếu gia đình bạn có kế hoạch đi chơi bằng ô-tô, tàu. Có thể lưu ý dùng Diphenylhydramin, Cinnarizine, hoặc Promethazine trước khi lên xe ít nhất 30 phút. Nếu thời gian di chuyển lâu, kéo dài nhiều giờ thì có thể uống thêm theo hướng dẫn của thầy thuốc.
9. Thuốc trị khó tiêu đầy bụng
Có thể trữ thuốc kháng acid có chứa chất chống đầy hơi thuốc làm tăng nhu động dạ dày. Nên chú ý thuốc dùng cho người lớn và thuốc dùng cho trẻ em.
Bạn nên dự trữ một vài miếng urgo phòng khi bị đứt tay. |
10. Dụng cụ y tế khác
Ngoài những thuốc kể trên, bạn cũng nên dự trữ một vài miếng urgo phòng khi chế biến thức ăn bị đứt tay; bông băng, dung dịch muối loãng, povidine (bôi ngoài da sát trùng), nước oxy giá, cồn 70 độ, bông băng, một số dụng cụ y tế (kéo, nhiệt kế), thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi, trà gừng…
Thu Hằng (tổng hợp)
Bình luận