Khi tôi còn nhỏ tuổi, các cử nhân đại học hiếm như kỳ lân vậy, giờ thì họ nhiều như bắp rang bơ: rẻ và cả đống. Nhưng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, nếu nhìn vào hơn 3 triệu người mới mỗi năm lại gia nhập hàng ngũ đông lúc nhúc hàng triệu người hiện có.
Họ đều chen chân cho các công việc “cổ cồn trắng” không dễ kiếm trong một nền kinh tế gia công như của Trung Quốc. Vấn đề tìm việc cho các cử nhân tốt nghiệp đã tranh cãi ít nhất cả thập kỷ nay nhưng đó là một vấn đề xã hội nan giải và không bao giờ được cải thiện.
Khung cảnh một lớp học ở Trung Quốc
Cha tôi là một người quét dọn ở nhà máy giấy địa phương. Ở độ tuổi ngoài 50 không có kỹ năng nghề nghiệp gì, ông kiếm được 50 tệ mỗi ngày. 50 tệ thì mua được gì? Hai tách café rẻ tiền ở một quán ở Bắc Kinh nơi mà tôi đang gõ những dòng chữ này. Nhưng nếu như bạn là một cử nhân đại học và muốn tìm việc ở quê tôi, thì khởi điểm cho bạn là mức lương còn thấp hơn thế.
Hồi đầu năm ngoái tôi về làng, bố mẹ tôi kể về một cô gái trong làng bị điên. Tại sao? Vì cô ta đi học đại học, học tiếng Anh suốt 4 năm, và công việc tốt nhất mà cô ấy kiếm được là lột vỏ tôm với công nhân, những công nhân đó chỉ tốt nghiệp phổ thông và kém cô ta ít nhất 4 tuổi.
Vậy thì tại sao, một tấm bằng đại học từng là “chén nước thánh” mà ai cũng thèm khát, một tấm hộ chiếu vẻ vang để bước vào một cuộc đời sung túc lại mất đi ánh hào quang của nó? Phải chăng con người đang theo đuổi hạnh phúc theo các con đường khác? Thực tế là bất chấp các viễn cảnh tài chính u ám và các lợi thế đang èo uột dần sau khi cầm tấm bằng đại học, cuộc đua tranh để trở thành ‘ông bà cử’ vẫn khắc nghiệt hơn bao giờ hết.
Thời gian học phổ thông của tôi cũng không cách đây bao lâu có thể giúp cho bạn có cái nhìn sơ bộ về tình hình thực tế: Sự ganh đua đã đầu độc các mối quan hệ của con người tới nhường nào, và cảm giác của bạn khi gã bạn học ngồi sát sườn lại là kẻ thù tiềm năng của mình, người có thể cướp đi hạnh phúc cuộc đời bạn, lòng vị tha không còn dẫn lối cho tâm hồn bạn nữa.
Những học sinh chỉ chăm chăm lo cho bản thân và miễn cưỡng giúp người khác. Nếu như bạn có câu hỏi toán không thể giải nổi, bạn giữ nó cho riêng mình, bởi vì mọi học sinh đều coi những gì họ học được là “tài sản riêng”. Việc cung cấp kiến thức cho người khác hoặc thậm chí đưa câu hỏi của bạn một cách ‘miễn phí’ không chỉ là việc mất thời gian, mà còn là tiếp tay cho kẻ thù của bạn.
Tôi phải nói rằng trường phổ thông y hệt như tu viện cộng với một trại lính. 11 lớp học mỗi ngày. Chúng tôi phải dậy trước bình minh và lên giường ngủ sau 11 giờ đêm. Sau giờ học, chúng tôi được khuyến khích là cố gắng học thêm nữa nếu có thể. Một học sinh vẫn còn có thể học tiếp bài vào mỗi đêm ở trong toilet, bởi vì đó là nơi duy nhất mà đèn có thể thắp suốt 24 giờ. Ai cũng ghét anh ta, bởi anh ta đã vi phạm ranh giới vô tư mong manh mang tính sống còn cho chúng tôi để có thể sống với nhau trong hòa bình – đơn giản là anh ta đã học hơi bị chăm quá. Trường học động viên chúng tôi tận dụng mọi thời gian với câu khẩu hiệu: “Thời gian cũng như bọt nước; nếu khuấy mạnh hơn, sẽ có nhiều bọt hơn nữa”.
Giáo viên vừa là sĩ quan huấn luyện trong quân đội, vừa kiêm chức năng của người bán hàng cho hãng thực phẩm chức năng Amway. Lúc trước lạm dụng, sau đó lại hứa hẹn. Một giáo viên không chỉ dạy học, mà còn cần phải động viên. Tôi nhớ rằng một giáo viên từng cảnh báo là nếu như không chăm chỉ, chúng tôi sẽ chỉ có thể kết thúc cuộc đời trong sự nghiệp ăn mày hoặc lang thang.
Không chỉ có học sinh mới bị căng thẳng, mà giáo viên cũng vậy. Lương của giáo viên tương đương với số lượng học sinh thi đỗ vào trường đại học. Thậm chí hiệu trưởng cũng bị đánh giá theo các con số thống kê đó. Hồi tôi học sơ cấp, có một cô bé đã tự tử. Không quá ngạc nhiên về điều này. Những người yếu kém không thể tiếp tục học. Đó là sự chọn lọc tự nhiên.
Nguyên nhân tự tử chỉ vì giáo viên chủ nhiệm yêu cầu cô bé từ bỏ kỳ thi vào đại học. Không phải vì giáo viên đó ghét bỏ cô bé này. Ông ấy chỉ đơn thuần không muốn học lực hầu như vô vọng của cô bé có thể làm loãng kết quả trung bình của cả lớp. Cô bé đã từ chối. Giáo viên đã nói điều gì đó hẳn là khiến cô bé bẽ mặt, và quyết định tự tử vào chiều hôm đó.
Ba năm cho cuộc đua marathon trường kỳ gian khổ này. Cao điểm không thể tránh khỏi lại là một sự thoái trào cùng cực. Bài kiểm tra không như những gì tôi hình dung – một cuộc chiến lớn. Tôi đã nhìn lại bản thân qua từng giai đoạn. Tôi từng nghĩ mình như một người lính đang luồn qua các tuyến hào và sẵn sàng với lưỡi lê trên tay, giành lấy số mệnh của mình bằng họng súng. Nhưng hỡi ôi thực tế đến thê lương.
Một căn phòng nhét chật 40 học sinh trước một cái bàn nhỏ xíu, dưới sự giám sát kỹ lưỡng của hai giám thị. Chúng tôi chẳng phải là chiến binh gì hết, chỉ là một lũ tù binh. Nếu như có thể nghĩ là chúng tôi chiến đấu vì cái gì, thì đó chỉ là vì sự tồn tại của chính bản thân mà thôi.
Buổi sáng trước khi kỳ thi bắt đầu, tôi chen qua đám đông phụ huynh học sinh. Họ đều rất lo lắng và nhìn chằm chằm vào các con của mình, cầu nguyện cho con có thể vượt qua kỳ thi. Cha tôi cũng vậy.
Kỳ thi ba ngày diễn ra suôn sẻ, trừ việc một đứa khác nhìn trộm bài viết của tôi và giáo viên thì giả vờ như không biết. Nhưng tất nhiên làm sao tôi có thể để cho công sức học hành suốt ba năm qua của mình bị một đứa mắt la mày lét “nẫng” hết được? Tôi đáp trả nó bằng ánh mắt cứng rắn, sắc lạnh và đầy căm phẫn, rồi lấy tay che bài lại. “Kẻ cắp” liền quay đi.
Rồi kỳ thi cũng xong. Tôi bước ra khỏi phòng mà cảm giác không khác một chiếc bao cao su dùng rồi, bị vứt đi và trống rỗng. Tất cả những gì tôi muốn là lao vào ngủ như chưa từng được ngủ suốt 3 năm qua. Không chỉ vì tôi quá buồn ngủ, mà vì tôi muốn ngủ để vùi lấp suốt 3 năm kinh hoàng thời trung học, và quên chúng đi như thể một cơn ác mộng. Và khi tỉnh dậy, tôi hy vọng rằng mình có thể là một người mới, với một cuộc đời mới.
Một tháng sau đó, tôi có lá thư báo kết quả trúng tuyển của trường đại học. Gia đình tôi thì vui mừng khôn xiết. Còn tôi thì hiểu những gì sẽ đến với mình ở đại học cũng sẽ chẳng vui đến thế. So với 3 năm trước, tôi giờ có lớn hơn, nhưng lại chẳng khôn hơn chút nào.
Cảm giác của tôi đã đúng, trường đại học cũng chỉ là một chu trình khác. Chúng tôi lại phải vượt qua một chuỗi các cơn lo âu, ăn năn, buồn chán và vỡ mộng, chỉ là với các mục tiêu khác nhau mà thôi: trước kia là phải vượt qua kỳ thi đại học, giờ là phải trở thành đảng viên, tìm được bạn gái và có một công việc.
Theo Lê Thu/VNN
Bình luận