• Zalo

'Tử thần' rình rập trên những chiếc cầu qua sông Sài Gòn

Thời sựThứ Bảy, 28/06/2014 11:40:00 +07:00Google News

(VTC News) - "Tử thần" luôn rình rập trên những chiếc cầu không đạt chuẩn bắc qua sông Sài Gòn, nhất là vào mùa mưa.

(VTC News) - "Tử thần" luôn rình rập ở những chiếc cầu không đạt chuẩn bắc qua sông Sài Gòn, nhất là vào mùa mưa. 

TP.HCM hiện có trên 88% cây cầu không đạt yêu cầu quy định về độ tĩnh không (Ho - dưới 3m) và hơn 70% cây cầu không đạt yêu cầu về khẩu độ (Bo – khoảng thông thuyền, dưới 15m). Trong khi thành phố đang bước vào mùa mưa, chế độ thủy triều lên xuống liên tục, khiến cho nguy cơ mất ATGT đường thủy luôn rình rập. 
Ẩn họa tai nạn đường thủy
Theo thống kê của Phòng quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TP.HCM), toàn thành phố hiện có 236 cây cầu các loại bắc qua sông, kênh rạch. Trong đó, có tới 208 cầu có độ Ho dưới 3m (chiếm 88,1%) và 169 cầu có Bo dưới 15m (chiếm 71,6%). Điều đáng lưu tâm là hiện toàn thành phố còn tồn tại 45 cây cầu có độ Ho dưới 2m và 19 cầu chỉ có Bo dưới 10m.

Hình ảnh một chiếc sà lan 'đội' cầu Bình Lợi mới đây khiến người lưu thông trên cầu hốt hoảng
Đây là những cây cầu có độ Ho và Bo dưới quy định cho phép (theo quy định mức 1 cũng phải đạt Ho bằng hoặc lớn hơn 3m và Bo bằng hoặc lớn hơn 15m). Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đường thủy nội địa, đặc biệt khi thành phố đã bước vào mùa mưa, chưa kể chế độ thủy triều lên xuống liên tục cũng là nguy cơ rình rập.
Sở GTVT TP cho biết, hiện có nhiều cầu mới không phù hợp cho giao thông đường thủy (GTĐT). Bên cạnh đó, nhiều cầu cũ dù được nâng cấp, cải tạo, duy tu nhưng vẫn còn ít cầu đạt độ Ho và Bo đúng quy định. 
Đơn cử, các cầu thuộc vùng Nhà Bè, quận 7 (khu đô thị Phú Mỹ Hưng giao đại lộ Nguyễn Văn Linh), có Ho quá thấp như cầu Tư Dinh (1m), cầu Đa Khoa (0,8m), cầu Phước Lộc (1m), cầu Cống Vinh (1m), cầu Thầy Tiêu I,II,III (0,8 – 1m)…
Theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu phát triển GTVT, các cầu xây dựng mới dù có sự tiến hành phối hợp liên ngành thủy – bộ nhưng vẫn còn nhiều cầu đã và đang gây ra những cản trở đáng kể cho GTĐT do không tính đến mục tiêu về hạ tầng giao thông và tiềm năng phát huy đến lợi ích kinh tế. 
Thực tế, GTĐT đã bị chặn lại tại các cây cầu này trong khi điều kiện về đường nước (ví dụ như khu vực quận 7 và huyện Nhà Bè) rất tốt, cho phép thủy vận liên hoàn và khép kín. Từ đó, vô hình chung tự đánh mất tiềm năng và lợi thế đang có. Đặc biệt, chính độ Ho và Bo không đạt yêu cầu cũng là nguyên nhân đưa tới các va chạm của tàu thuyền với cầu.
Điển hình cho sự mất ATGT thủy tại TP.HCM cần phải đề cập đến cầu Bình Lợi (nối quận Bình Thạnh với Thủ Ðức). Cây cầu có tuổi thọ gần 120 năm này hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, trong khi hàng ngày nó phải gồng gánh cả 3 loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt và đường thủy), còn phương án duy tu hay đầu tư xây dựng mới cũng chưa đi đến đâu. 
Theo thống kê của Phòng quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TP), từ đầu năm 2014 đến nay, cả 3 vụ tàu thuyền, sà lan mắc kẹt dưới gầm cầu tại thành phố đều ở cầu Bình Lợi. Điển hình là chiếc sà lan có tải trọng 1.000 tấn, số hiệu KG-47899 lưu thông hướng Đồng Nai về Bình Dương bị mắc kẹt dưới gầm cầu do tài công điều khiển không tính toán được mức nước dưới sông Sài Gòn dâng cao, trong khi độ Ho và Bo lại quá thấp. 
Trong khi đó, theo Phòng CSGT đường thủy TP.HCM, đỉnh triều cường dâng cao ở mức 1,50m thì tĩnh không cho phép chỉ từ 1 đến 1,2m, khiến nhiều phương tiện lưu thông qua đây bị kẹt cứng nhiều giờ liền. 
Vẫn chỉ giải pháp tạm thời
Ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TP) cho biết, để đảm bảo cho các tàu thuyền, sà lan qua lại tại các cây cầu trên thì hiện cơ quan chức năng thành phố đã cắm các biển báo hiệu cảnh báo, đưa các thông tin cảnh báo đến các chủ phương tiện qua lại, hệ thống loa phát thanh thông báo…

 'Tử thần' luôn rình rập ở những chiếc cầu bắc qua sông Sài Gòn vào mùa mưa
Đặc biệt, tại các cây cầu trọng yếu như Bình Lợi, cơ quan chức năng còn bố trí người trực gác 24/24h để đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua lại. Thế nhưng, đây cũng chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài để đảm bảo ATGT thủy thì cần nâng cấp, xây dựng mới các cây cầu đạt độ Ho và Bo đúng quy định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay công tác này gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí nên đang trong giai đoạn chờ…
Mới đây, đơn vị tư vấn là Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT đề xuất với Bộ GTVT về các phương án đầu tư xây dựng cầu Bình Lợi. Nhưng theo lãnh đạo Bộ GTVT, trong điều kiện nguồn vốn khó khăn thì việc nghiên cứu chi tiết và đưa ra phương án phù hợp, hiệu quả rất quan trọng. 
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề nghị Tổng công ty ĐSVN tiếp tục chỉ đạo đơn vị tư vấn dự án nghiên cứu chi tiết để phù hợp với quy hoạch tổng thể trong thời gian tới. 
Trong đó, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đề nghị cần nghiên cứu nâng cấp để đảm bảo khổ tĩnh không từ 1,8m lên 3m đến 3,5m; đồng thời, đề nghị chính thức lập dự án đầu tư nâng cấp cầu và có đánh giá về thời gian, tiến độ để triển khai thực hiện nâng cấp cầu Bình Lợi trong năm 2014.

Tuấn Hưng - Sỹ Hưng
Bình luận
vtcnews.vn