Chiến thắng 1-0 trước Thái Lan không chỉ mang về cho tuyển Việt Nam tấm vé vào chung kết King's Cup 2019 mà thực sự đã đặt thầy trò Park Hang Seo lên vị trí ngang ngửa người Thái ở đấu trường khu vực.
Còn nhớ, 18 tháng trước, Buriram cũng chứng kiến sự góp mặt của thầy Park, của Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn, Hồng Duy, Đức Chinh hay Duy Mạnh. Cách đây 18 tháng, vẫn là một đại diện của bóng đá Việt Nam ở đất Thái Lan, nhưng chúng ta... chẳng là gì cả.
U22 Việt Nam khi ấy thua mất mặt ở SEA Games 29. Đội bóng của HLV Hữu Thắng thảm bại 0-3 trước U22 Thái Lan, trong trận đấu mà chỉ cần hoà, toàn đội cũng ung dung có vé đi tiếp.
Thất bại choáng váng ở "ao làng" của đội tuyển trẻ đến 8 tháng sau thất bại ở AFF Cup. Chưa đến một năm, bóng đá Việt Nam xuống đáy hai lần, lần sau đau hơn lần trước.
Công Phượng bị xem như sản phẩm "bơm thổi" của truyền thông, chỉ toả sáng ở địa hạt bóng đá trẻ. Trở về từ U20 World Cup, Quang Hải là "quân bài" bình thường như bao cầu thủ khác, phải ngồi dự bị cho Hồng Duy. Duy Mạnh là "vật tế thần" sau hàng loạt trận thua đáng quên từ CLB đến tuyển trẻ, nặng nề nhất phải kể đến trận thua 0-5 trước U20 Argentina, cuộc so tài mà Mạnh chuyền hỏng nhiều lần, biếu không bàn thắng cho đối thủ.
HLV Park Hang Seo cũng nhận việc trong ngờ vực. Nhiều người lật lại giả thiết liệu thầy Park là phương án thứ mấy của VFF, hay ông thầy người Hàn Quốc có phải sản phẩm của quá trình chọn lọc, phân tích hồ sơ cặn kẽ? Ông từng là cánh tay phải của Guus Hiddink, song vinh quang ấy đã là câu chuyện xưa cũ.
Đội bóng này, hôm ấy, từng thi đấu trong đơn độc và hoài nghi. Sau trận thua U23 Uzbekistan 1-2, sức ép xuất hiện. HLV Park Hang Seo buộc phải thắng Thái Lan, bằng không, ông có thể phải trả giá bằng chiếc ghế của mình. Và ông cùng các học trò đã thắng. Một chiến thắng giao hữu, phần còn lại với U23 Việt Nam là lịch sử.
Hai lần tham dự giao hữu ở Buriram là hai điểm mốc cho chặng đường 18 tháng vươn lên thần tốc của bóng đá Việt Nam. Hôm nay, tuyển Việt Nam không còn nặng nề với suy nghĩ phải thắng Thái Lan. Chính người Thái mới nóng lòng muốn gặp và đánh bại Việt Nam.
Vòng chung kết U23 châu Á 2018, U23 Việt Nam đoạt ngôi Á quân, Thái Lan bị loại ở vòng bảng. ASIAD, Olympic Việt Nam đoạt hạng Tư, Olympic Thái Lan cũng bị loại ở bảng đấu "dễ thở". AFF Cup 2018, Việt Nam vô địch, còn Thái Lan thua đau đớn ở bán kết.
Asian Cup 2019, nơi "Voi chiến" tập hợp đầy đủ anh hào với 4 cầu thủ đang chơi ở nước ngoài, Thái Lan vẫn bị loại ở vòng 1/8, còn tuyển Việt Nam bước đến tứ kết, chơi sòng phẳng với Á quân Nhật Bản. Vòng loại U23 châu Á 2020, U23 Việt Nam vùi dập U23 Thái Lan 4-0 ở sân Mỹ Đình.
Dẫu từng đó chưa đủ để Việt Nam trả lại tất cả "mối hận" với bóng đá Thái Lan, dẫu chu kỳ thành công của những Công Phượng, Quang Hải,... vẫn quá ít ỏi để phủ lên cái bóng thành công rực rỡ của người Thái trong quá khứ,... thì với những tuyển thủ QG hôm nay từng ở Buriram 18 tháng trước, họ cũng nếm trải đủ các cung bậc đắng cay mặn ngọt mà bóng đá mang lại.
Từng ở dưới đáy tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng có giá trị của nó. Tuyển Việt Nam sa chân xuống tận cùng khó khăn để hiểu được thành công hiện tại, dẫu ở trong phút chốc, cũng đáng để trân trọng, biết ơn. Buriram hôm nay, bóng đá Việt Nam có vị thế mới, tinh thần mới, song động lực vươn lên và khát vọng thi đấu vẫn phải duy trì vẹn nguyên như cũ.
King's Cup 2019 chỉ là bước đệm. Trước mắt bóng đá Việt Nam sẽ là chiến dịch quan trọng nhất: vòng loại World Cup 2022, nơi Quang Hải cùng các đồng đội tham dự với tư cách "vua của Đông Nam Á", ít nhất đến khi AFF Cup 2020 khởi tranh.
"Chúng ta là đương kim vô địch AFF Cup, chúng ta không phải trốn tránh hay sợ hãi đối thủ nào", đó là tinh thần Park Hang Seo - thứ tinh thần cần được thắp lửa để hun đúc những kỳ tích mới.
Video: Việt Nam 1-0 Thái Lan
Bình luận