• Zalo

Từ muồng thanh, nứa ngâm đến những chiếc đèn rực phố

Kinh tếChủ Nhật, 11/09/2011 06:19:00 +07:00Google News

(VTC News)–Không một hệ thống máy móc, chỉ có bàn tay với những công đoạn thủ công, tỷ mẩn, cách rách…làm mấy tháng trời mới có được những chiếc đèn ông sao.

(VTC News) – Làng Báo Đáp bây giờ số nhà làm đèn ông sao chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Đến dịp tết Trung Thu mỗi nhà làm tới cả vạn đèn, làm ngốn thời gian mà thu nhập vẫn thấp. Bỏ thì vương, thương thì tội, nghề ông cha mấy đời để lại, giờ sao nỡ…

Chúng tôi về làng Báo Đáp xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, ngôi làng làm đèn ông sao nổi tiếng cả nước vào một ngày nắng nóng, hỏi quanh đi quẩn lại được người dân chỉ cho 3 nhà còn duy trì nghề cũ. Ba nhà không phải là cổ nhất, nhưng là ba nhà còn làm tới số lượng hàng vạn đèn.

Ông Nguyễn Văn Xã, xóm 1 làng Báo Đáp, người đã 30 năm làm đèn cho biết: "Gia đình ông làm từ mấy đời rồi. Đến đời con ông là thứ 5. Năm nay, nhà ông làm khoảng 2 vạn đèn. Tuy nhiên, nghề làm đèn chỉ là nghề phụ bởi nó không tạo nên thu nhập chính cho gia đình trong suốt một năm".

Còn ông Vũ Văn Chủng ở xóm 4 dù làm tới 3 vạn đèn nhưng cũng chỉ coi nghề cha truyền này giống như ông Xã. Ông Chủng nói: "Tôi hiện có 15 nhân công đều là con cháu trong nhà, đến thời vụ thì làm. Mỗi ngày, một người chỉ làm được 20 chiếc đèn trọn vẹn. Giá mỗi chiếc đèn bán tại nhà hiện nay là 6 nghìn đồng/chiếc, tính ra thu nhập rất thấp. Nghề làm đèn rơi vào lúc nông nhàn, nên tôi còn duy trì, hơn nữa là nghề của cha ông, không nỡ bỏ".

Không một hệ thống máy móc, chỉ có người, bàn tay với những công đoạn thủ công tỷ mẩn, cách rách,… làm miết mấy tháng trời mới có được những chiếc đèn ông sao truyền thống để những đứa trẻ khắp cả nước chơi đêm rằm Trung Thu. Nghĩ ra ở làng Báo Đáp đến giờ còn người vẫn làm đèn cũng là may!

Đây là toàn cảnh gia đình ông Nguyễn Văn Xã, xóm 1,  làng Báo Đáp đang ngồi làm đèn ông sao. 

Ông Xã có hơn 30 năm làm đèn và từng chở đèn đi khắp miền Bắc để bán mỗi dịp Trung Thu. Ông đang thực hiện công đoạn cuốn thanh vòng lên các đỉnh cánh của hình ông sao.

Ông Xã cho biết, để làm được một chiếc đèn ông sao, công việc chuẩn bị vật liệu rất mất thời gian. Bao giờ cũng vậy, ăn Tết xong là phải tính chuyện đi mua nứa về ngâm. Đến tháng 7 vớt lên phơi, trước khi trẻ thành nan làm "xương sống" đèn. 

Cán đèn làm bằng thân cây muồng thanh đã tước vỏ, phơi khô, loại cây chỉ có ở vùng trũng, như mạn Xuân Trường, Hải Hậu của Nam Định. 

Đây là ông Vũ Văn Chủng, 53 tuổi, người xóm 4. Ông là một trong số ít người như ông Xã còn làm đèn. Ông Chủng bó chặt thân cây muồn thanh khô lại và bắt đầu cưa chúng thành từng đoạn nhỏ để làm cán đèn. Theo ông Chủng, loại cây này bắt phẩm màu rất nhanh và giữa được màu lâu, khi phơi khô lại rất nhẹ và có thể xuyên dây thép dễ dàng. Vì thế từ lâu nó vật liệ làm cán đèn hợp lý nhất. 

Còn đây là những chiếc nan nứa được tuốt tròn, dùng để cuốn quanh năm đỉnh cánh đèn, tạo nên một vành tròn bên ngoài đèn. Để chiếc đèn thêm sinh động bắt mắt, những thanh cuốn này sẽ được bọc bên ngoài bằng một lớp ni lông bóng với đủ màu sắc.

Đèn ông sao được bọc bên ngoài bởi những túi bóng màu. Những túi bóng này lại được dập in những họa tiết hoa văn bằng phẩm nhũ. Trong ảnh, hai người con của ông Nguyễn Văn Xã đang dập họa tiết lên túi bóng màu.

Tiếp đến đèn được chống xương, tạo nên hình hộp. Sau đó, nó còn được dán đường chỉ lên các đường nan xương sống đèn. Trong ảnh là con gái ông Vũ Văn Chủng đang ngồi dán chỉ đèn.

Chỉ đèn là những sợi giấy được cắt nhỏ với cạnh có hình răng cưa và thường có màu vàng. 

Cuối cùng để thuận tiện cho việc vận chuyển, chống đèn sẽ được rỡ bỏ, cán đèn cũng sẽ không lắp vội.

Từ nuồng nứa ngâm, muồn thanh khô, làng Báo Đáp đèn ông sao tỏa đi khắp nơi, đèn về phố, rực trong nắng chiều theo bước của những người bán đèn rong. 


 
 
 
 
 

Bài và ảnh:Hà Thành


Bình luận
vtcnews.vn