Trực thăng chở Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina rời khỏi Thủ đô Dhaka ngày 5/8. (Nguồn: NDTV)
NDTV cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina rời khỏi Bangladesh, quân đội Bangladesh tuyên bố tiếp quản chính quyền và thành lập chính phủ lâm thời.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, chiều 5/8, Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh, Đại tướng Waker-Us-Zaman xác nhận Thủ tướng Sheikh Hasina đã rời khỏi đất nước, một chính phủ lâm thời sẽ được quân đội thành lập tại nước này. Tướng Waker-Us-Zaman cũng kêu gọi người dân giữ vững niềm tin vào quân đội.
"Đất nước đang khủng hoảng. Tôi đã gặp các nhà lãnh đạo phe đối lập và chúng tôi đã quyết định thành lập một chính phủ lâm thời để điều hành đất nước này. Tôi chịu mọi trách nhiệm và hứa sẽ bảo vệ tính mạng và tài sản của các bạn. Các yêu cầu của các bạn sẽ được đáp ứng. Xin hãy ủng hộ chúng tôi và chấm dứt bạo lực", tướng Waker-Us-Zaman nhấn mạnh.
Tướng Waker-Us-Zaman nhấn mạnh sẽ tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng trong tối 5/8. Ông cũng cho rằng không cần áp đặt giới nghiêm hay ban bố tình trạng khẩn cấp.
Trong một tuyên bố chính thức ngày 3/8, tướng Waker tuyên bố quân đội Bangladesh luôn sát cánh cùng nhân dân.
Trước đó, Prothom Alo dẫn nguồn tin cho biết Thủ tướng Hasina và em gái Rehana đã rời đi bằng trực thăng quân sự và đang trên đường đến Tây Bengal.
Ngay sau khi có tin bà Hasina ra nước ngoài, người biểu tình xông vào dinh thủ tướng Bangladesh ở Dhaka, hãng thông tấn AFP đưa tin. Kênh 24 của Bangladesh phát sóng hình ảnh đám đông chạy vào dinh thự, vẫy tay và ăn mừng trước máy quay.
Ít nhất 91 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc đụng độ ở Bangladesh, khi cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su để giải tán hàng chục nghìn người biểu tình kêu gọi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức.
Đây là ngày có số người chết cao nhất trong các cuộc biểu tình từ trước đến nay ở Bangladesh, vượt qua con số 67 người chết được báo cáo vào ngày 19/7 khi sinh viên xuống đường yêu cầu bãi bỏ hạn ngạch tuyển dụng vào các vị trí trong chính phủ.
Chính phủ Bangladesh tuyên bố lệnh giới nghiêm toàn quốc vô thời hạn bắt đầu từ 18h ngày 4/8 (giờ địa phương). Đây cũng là lần đầu tiên chính phủ thực hiện động thái như vậy để đối phó với các cuộc biểu tình vừa qua. Chính phủ cũng tuyên bố một kỳ nghỉ chung kéo dài ba ngày bắt đầu từ 5/8.
Tình trạng bất ổn hiện tại là thử thách lớn nhất đối với Thủ tướng Hasina trong 20 năm cầm quyền sau khi bà giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp trong cuộc bầu cử bị đảng Dân tộc Bangladesh đối lập tẩy chay.
Những người chỉ trích Thủ tướng Hasina cáo buộc chính phủ của bà sử dụng vũ lực quá mức đối với người biểu tình, bà và các bộ trưởng của bà đã phủ nhận cáo buộc trên.
Bình luận