• Zalo

'Tủ lạnh cộng đồng' ấm tình người ở tâm dịch TP.HCM: Nếu thiếu cứ lấy tự nhiên

Tin nhanh 24hChủ Nhật, 27/06/2021 06:08:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ai thiếu đến lấy, ai đủ góp vào, là hình ảnh chiếc tủ lạnh cộng đồng ấm tình người, đã giúp hàng ngàn lao động nghèo ở TP.HCM thời gian này.

TP.HCM trong những ngày này trở nên yên ắng do đại dịch COVID-19. Với lệnh giãn cách, khắp nơi trên TP đang có nhiều điểm phong tỏa.

Đằng sau vẻ đìu hiu với những hàng quán cửa đóng then cài, dòng người thưa thớt là hàng trăm, hàng ngàn người lao động nghèo đang phải vật lộn mưu sinh. Công việc không có, buôn bán chẳng ai mua, nguồn thu nhập cũng vì thế mà mất đi khiến họ đang điêu đứng.

Thấu hiểu những khó khăn đó, nhiều người Sài Gòn đã sẻ chia, giúp đỡ những người có hoàn cảnh sống khó khăn trong cơn đại dịch. 

'Tủ lạnh cộng đồng' ấm tình người ở tâm dịch TP.HCM: Nếu thiếu cứ lấy tự nhiên - 1

"Tủ lạnh cộng đồng" được đặt tại số 100, Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh.

"Nếu bạn thiếu, hãy lấy tự nhiên, nếu bạn đủ hãy góp một chút nhé"

Chiếc tủ lạnh cộng đồng được đặt ở số 100 Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh với dòng chữ ấm áp tình người: "Nếu bạn thiếu, hãy lấy tự nhiên, nếu bạn đủ hãy góp một chút nhé".

Chiếc tủ lạnh đặc biệt này những ngày qua đã là địa chỉ quen thuộc của nhiều lao động nghèo trên địa bàn thành phố. Họ đến đây để nhận những phần thực phẩm đem về chuẩn bị những bữa ăn cho gia đình trong mùa dịch.

Đến nhận túi rau xanh, 10 quả trứng, ít trái cây, chị H. ngụ phường 25, quận Bình Thạnh cho biết, những ngày này đi bán vé số ế ẩm, nguồn thu chẳng có nên không có tiền đi chợ hàng ngày. "Cũng may mà mình biết ở đây phát thực phẩm miễn phí nên hàng ngày tới nhận đem về nấu ăn cho gia đình chứ nếu không thì không biết xoay sở thế nào", chị H. nói.

Chiếc tủ lạnh cộng đồng xuất phát từ ý tưởng của anh Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc Food Bank Việt Nam nhằm chia sẻ, khuyến khích người lao động khó khăn tự nhận thực phẩm được hỗ trợ về nấu ăn, giảm thiểu việc tụ tập đông người trong mùa dịch.

'Tủ lạnh cộng đồng' ấm tình người ở tâm dịch TP.HCM: Nếu thiếu cứ lấy tự nhiên - 2

Thực phẩm trong tủ lạnh.

Anh Khởi cho biết, mô hình này được triển khai từ đợt dịch năm 2020, đến nay khi cao điểm dịch bùng lại anh Khởi tiếp tục thực hiện để giúp đỡ mọi người. Mỗi ngày có hàng trăm người lao động đến đây và nhận được hỗ trợ. "Đây là giải pháp giúp tránh lãng phí lương thực, người dân có thể trao đổi thực phẩm với nhau thay vì bỏ phí không dùng tới", anh Khởi nói. 

Theo anh Khởi, nguồn thực phẩm cung cấp cho "Tủ lạnh cộng đồng" đến từ nhiều địa chỉ khác nhau nhưng chủ yếu từ những đơn vị ủng hộ cho chương trình hoạt động "Bếp yêu thương" trước đó của Food Bank như: C.P. Việt Nam, GC Food, Lương Gia Food... Gần đây nhất có thêm Bếp Tiền Phương (Nhà hàng Mãn Tự, Quận 1), Bếp yêu thương The Love Kitchen (Nhà hàng Bốc, Quận Bình Thạnh) cũng tham gia cung cấp thực phẩm. Ngoài ra còn đến từ nhiều người dư thực phẩm đem đến chung tay hỗ trợ.

Ngoài mô hình "Tủ lạnh cộng đồng", nhóm anh Khởi còn đang duy trì 4 bếp ăn theo chương trình "Bếp yêu thương" để thường xuyên phục vụ các khu vực phong tỏa, cách ly với khoảng 10.000 suất ăn mỗi ngày. 

Mở thêm 10 điểm "Tủ lạnh cộng đồng" hỗ trợ người dân

Anh Khởi cho biết, mô hình “Tủ lạnh cộng đồng” là mô hình đã có mặt nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Pháp, Thái Lan... nhưng ở Việt Nam còn khá mới mẻ.

Những chiếc "Tủ lạnh cộng đồng" sẽ được đặt trên vỉa hè các quán cà phê, nhà hàng hay một khu vực nào đó đảm bảo đủ nguồn điện, an ninh tốt để giữ cho thực phẩm tươi sạch. Người cần thực phẩm có thể đến lấy, người muốn trao thực phẩm cũng có thể gửi tại đây.

"Chúng tôi dự định sẽ phát triển thêm 10 "Tủ lạnh cộng đồng" tại 10 điểm nữa trên toàn thành phố nhằm chia sẻ, giúp đỡ bà con trong lúc khó khăn, hoạn nạn, đặc biệt là trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay", anh Khởi cho biết.

'Tủ lạnh cộng đồng' ấm tình người ở tâm dịch TP.HCM: Nếu thiếu cứ lấy tự nhiên - 3

Anh Khởi phát thực phẩm cho người lao động nghèo.

Hiện mô hình "Tủ lạnh cộng đồng" tại số 100 Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh đang hoạt động từ 15h chiều mỗi ngày để phục vụ người dân, riêng cơm sẽ phát cho người dân từ 11h trưa mỗi ngày.

Để duy trì hoạt động của mô hình này, anh Khởi mong muốn nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân cùng chung tay san sẻ, hỗ trợ những người lao động nghèo vượt qua khó khăn, đồng thời để mở rộng mô hình "Tủ lạnh cộng đồng" ra nhiều địa điểm khác trên địa bàn thành phố.

Thế Quang
Bình luận
vtcnews.vn