Pin sử dụng trong Galaxy Note 7 được kiểm tra hoàn toàn bởi phòng thí nghiệm thuộc chính Samsung. Đây có thể là nguyên nhân khiến Samsung gặp khó trong việc kiểm soát chất lượng cũng như chìm sâu vào khủng hoảng với mẫu di động này, theo The Wall Street Journal.
Để bán được điện thoại thông qua các nhà mạng lớn tại Mỹ, nhà sản xuất điện thoại thông thường được yêu cầu kiểm tra pin ở một trong 28 phòng thí nghiệm của Tổ chức thương mại không dây Mỹ (CTIA). Điều này nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn của Viện kỹ thuật điện và điện tử của nước này.
Một phát ngôn viên của Samsung cho biết, phòng thử nghiệm nội bộ của hãng đã không tiết lộ bất kỳ nguyên nhân nào dẫn đến sự cố với Galaxy Note 7 bao gồm cả bản gốc lẫn phiên bản được đổi trả sau đó. Máy bị thu hồi từ tháng 9 và sau đó chính thức bị khai tử vào tuần trước.
Trong tuyên bố ngày 14/10, Samsung cho biết, đang có kế hoạch nâng cấp quy trình chất lượng đảm bảo không mắc lại cuộc khủng hoảng như Note 7. Tuy nhiên, hãng lại từ chối bình luận về việc có kế hoạch sử dụng phòng thí nghiệm pin của bên thứ 3 hay không.
Apple đang sử dụng phòng thí nghiệm của bên thứ 3 có chứng nhận CTIA để kiểm tra pin trên các thiết bị của mình. Một nhà sản xuất khác là Motorola kiểm tra trong phòng thí nghiệm của riêng mình nhưng vẫn có các công đoạn cuối tại một phòng thí nghiệm của bên thứ 3.
Phòng thí nghiệm của Samsung cũng đạt tiêu chuẩn CTIA (cấp chứng chỉ năm 2009) nhưng do chính hãng quản lý và vận hành.
Theo John Copeland, người từng làm việc cho phòng thí nghiệm của Motorola, động thái của Samsung là bình thường đối với nhiều nhà sản xuất điện thoại di động.
Việc sử dụng phòng thí nghiệm riêng sẽ giúp công ty bảo vệ các bí mật thương mại. "Hầu hết các nhà sản xuất đều lo ngại về thông tin độc quyền của họ có thể bị rò rỉ ra ngoài", ông Copeland nói và không quên nhấn mạnh các cuộc kiểm toán là đủ để đảm bảo không có xung đột về lợi ích.
Samsung đã ghi nhận khoảng 92 trường hợp cháy nổ hoặc pin quá nóng của Galaxy Note 7.
Trong những năm 2000, điện thoại di động lên ngôi kéo theo ngành công nghiệp pin cũng phát triển nóng. Các nhà sản xuất dù có nhiều kinh nghiệm nhưng việc chạy đua tạo ra các sản phẩm giá rẻ khiến chất lượng không được đảm bảo. Các trường hợp cháy, nổ pin tăng cao khiến CTIA và Ủy ban An toàn sản phầm tiêu dùng Mỹ (IEEE) đã cùng nghiên cứu, tạo ra quy trình thử nghiệm pin trong năm 2005.
Các phòng thí nghiệm của CTIA được xây dựng ở các cơ sở riêng biệt và cũng được kiểm soát riêng rẽ. Hiện tổ chức này đã kiểm định khoảng 1.500 loại pin khác nhau.
Bình luận