• Zalo

Tử hình vợ Bí thư xã giết người, đốt xác

Pháp luậtThứ Sáu, 07/03/2014 09:11:00 +07:00Google News

Dụ vợ chồng chủ nợ vào “bẫy” giăng sẵn, Lê Thị Hường (SN 1975, ngụ xã Xà Bang, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) ra tay chém nạn nhân tổng cộng 19 nhát dao chí mạng.



TRẢ NỢ BẰNG 19 NHÁT DAO

Ngày 6-3-2014, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở phiên sơ thẩm xét xử Lê Thị Hường, vợ ông Võ Thanh Mỹ (nguyên Bí thư xã Kim Long, huyện Châu Đức), về tội “giết người”. Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm không chỉ vì mức độ dã man của bị cáo, mà còn bởi Lê Thị Hường có liên quan trực tiếp đến vụ mất tích bí ẩn của bà Dương Thị Thủy Bình Hà (thủ quỹ, kiêm Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Kim Long), mà Hường khai nhận đã đốt xác bà Hà ngay trong vườn nhà. Vụ án này đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ, nên tạm thời được tách ra xử riêng.


Lê Thị Hường trước vành móng ngựa

Từ sáng sớm, hàng trăm người dân đã đến theo dõi phiên tòa. Lực lượng cảnh sát phải lập hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt để phiên xử được diễn ra an toàn. Đúng 8 giờ 30, phiên tòa khai mạc. Sau phần thủ tục ban đầu, đại diện viện kiểm sát tỉnh đã công bố cáo trạng, theo đó Lê Thị Hường bị truy tố về tội danh “giết người” theo qui định Khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự. Theo cáo trạng, do quen biết nên Hường có vay của vợ chồng ông Nguyễn Chí Hùng (SN 1961), bà Phan Ngọc Nga (SN 1960) 80 triệu đồng.
Bị chủ nợ liên tục hối thúc nhưng không có tiền trả, sáng 15-1-2013, Hường gọi điện “mời” bà Nga đến nhà để giải quyết chuyện nợ nần. Chiều cùng ngày, vợ chồng bà Nga đến nhà Hường. Tại đây, Hường dựng lên màn kịch để đánh lừa rồi ra tay sát hại cả hai vợ chồng chủ nợ. Theo đó, khi thấy bà Nga có vẻ mệt mỏi, Hường bảo bà vào nhà nằm nghỉ đợi đến chiều chồng thị là ông Võ Thanh Mỹ (lúc ấy đang là Bí thư xã Kim Long, huyện Châu Đức, BR-VT) đi làm về rồi tính toán và trả nợ. Hường quay lại nói với ông Hùng ra sau vườn chặt buồng chuối và lấy trứng gà về “tẩm bổ” cho vợ.

Cùng lúc, Hường vào bếp lấy con rựa dài khoảng 50cm mang theo. Ra đến chuồng gà, Hường đưa cho ông Hùng cái rổ bảo nhặt trứng. Không chút mảy may nghi ngờ, ông Hùng vừa cúi xuống, lập tức bị Hường vung dao chém tới tấp. Nghe tiếng kêu cứu của chồng, bà Nga từ trong nhà chạy ra cũng bị Hường quay sang truy sát. Rất may, hàng xóm phát hiện sự việc đã chạy sang ngăn cản kịp thời, đưa vợ chồng nạn nhân đi cấp cứu. Theo kết quả giám định, bà Nga bị chém hai nhát rựa vào đầu, tỷ lệ thương tật 26,43%; ông Hùng bị chém tổng cộng 17 nhát vào đầu, tay, tỷ lệ thương tật 78,88%.

QUANH CO CHỐI TỘI

Xuống tay gây án tàn độc là thế, song đứng trước vành móng ngựa, đối diện với khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình, Lê Thị Hường vẫn dửng dưng đến mức lạnh lùng. Thái độ của Hường khiến cả Hội đồng xét xử lẫn hàng trăm người dân theo dõi phiên tòa không khỏi kinh ngạc. Cả hai vị thẩm phán của phiên tòa đã phải thốt lên: “Bị cáo dửng dưng như đang kể về vụ án của ai đó chứ không phải là mình!”.

Trong suốt phần xét hỏi, Hường trả lời một cách rành rọt, thậm chí đôi co chối cãi. Hường cho rằng do bị vợ chồng chủ nợ liên tục thúc ép trả tiền và ép ký giấy xác nhận số nợ quá lớn, nên mới bỏ ra ngoài vườn. Do bị ông Hùng đuổi theo níu áo làm té ngã nên Hường vớ dao “chém cho hả giận”. Cùng lúc thấy bà Nga chạy ra giằng co nên mới “vô tình” chém, khiến bà này bị thương.
Sự quanh co của Hường ngay lập tức đã bị vị đại diện VKS phản bác. Bởi theo lời khai của Hường thì con dao nằm ở phía đống củi trong sân, trong khi đó vị trí thị xuống tay chém nạn nhân nằm cạnh bếp lò bên gốc điều. Điều này chứng tỏ Hường đã cầm sẵn con dao trong tay rồi đi ra vườn cùng ông Hùng.
Trong một diễn biến khác, tại một biên bản hỏi cung, Hường từng chối bay chối biến rằng nhà mình không nuôi gà, không có gà và cũng không có trứng. Thế nhưng tại phiên tòa, Hường lại cho rằng “gà đẻ lung tung”.


Vợ chồng nạn nhân - ông Hùng, bà Nga tại phiên tòa

Một nhân chứng có mặt tại tòa đã xác nhận, họ thấy ổ trứng gà dưới đất cạnh gốc cây điều - nơi vợ chồng nạn nhân bị chém. Chỉ bằng một suy luận đơn giản cũng đủ hiểu sự gian dối của Hường, bởi gà có lót ổ ngay trên lối đi bao giờ. Thậm chí, suốt buổi xét xử, Hường luôn miệng nói mình không biết chữ, không biết số nên mới “bị lừa”. Tuy nhiên khi nghe nạn nhân yêu cầu bồi thường khoản trợ cấp mỗi tháng 5 triệu đồng tổn hao sức khỏe (ông Hùng bị chém liệt cả hai tay), lập tức Hường phản đối và “nhẩm nhanh” khoản bồi thường 3,6 triệu đồng/tháng... Sự tráo trở đến lạnh lùng của Hường khiến Hội đồng xét xử lẫn nhiều người dự khán không ít lần lắc đầu ngao ngán.

Trong buổi chiều cùng ngày, sau khi kết thúc phần tranh luận đại diện viện kiểm sát nhân dân đọc bản luận tội: xét bị cáo gây tội ác khiến dư luận phẫn nộ, trước tòa lại tỏ ra không thành khẩn, quanh co chối tội, Viện kiểm sát đề nghị mức án cao nhất: tử hình. Ngay sau khi Viện kiểm sát dứt lời, hàng trăm người dân vỗ tay tán thành, lúc này Hường vẫn lạnh lùng. Chỉ khi được dẫn xuống ngồi vào hàng ghế, Hường mới sụt sùi khóc. Được nói lời sau cùng, Hường mếu máo vài câu gọn lỏn: “Bị cáo còn hai con nhỏ, mong được Hội đồng xét xử tuyên mức án nhẹ để còn cơ hội về nuôi con”.

Xét hành vi côn đồ và đê hèn của bị cáo Lê Thị Hường, tòa tuyên mức án tử hình. Ngay lập tức Hường khụy xuống. Các chiến sĩ cảnh sát bảo vệ phiên tòa phải xốc nách giữ cho thị không ngã quỵ. Phía dưới khán phòng một lần nữa những tràng vỗ tay của người dân lại vang lên...

Bình luận
vtcnews.vn