1. Những ngày qua, cuốn tự truyện với tựa đề "Phút 89" của Lê Công Vinh đã khiến làng bóng nước nhà một phen rúng động. Ở Việt Nam, sách thể thao có thể coi như "vùng trắng" với rất ít đầu sách chất lượng được sản xuất, song tự truyện của Công Vinh đã tạo ra cơn sốt thực sự. Bằng vỏn vẹn 300 trang sách, cựu tiền đạo SLNA vẽ lại bức tranh bóng đá Việt Nam trong hơn một thập kỷ bằng những đường nét sống động và đầy tranh cãi.
Trong hồi ức của Công Vinh, từ HLV (Lê Thụy Hải, Henrique Calisto, Alfred Riedl), đồng đội đến ông chủ đội bóng đều được hiện lên với những chi tiết đi ngược với tưởng tượng của số đông. Công Vinh tố cầu thủ phải "biếu tiền" để lấy lòng HLV Lê Thụy Hải, nhiều trụ cột Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) chơi "kẹo" và cô lập Vinh vì quá trọng sạch, hay Lê Tấn Tài không chịu chuyền bóng cho Vinh vì bất đồng khi đá ở B.Bình Dương,...
Lần lượt những nhân vật bất đắc dĩ lên tiếng phản bác, khiến cuộc tranh cãi nổ ra với nhiều từ ngữ không hay ho mà những người đồng đội cũ dành cho nhau. Đọc những phát ngôn từ hai phía, điều khó khăn nhất với người hâm mộ là không biết... ai đúng ai sai. Ai là người nói thật, ai là người bức hại đối phương để khuếch trương tên tuổi?
Câu trả lời chỉ những người trong cuộc mới biết.
2. Những tranh cãi xung quanh cuốn tự truyện của Công Vinh cũng giống những tranh cãi hay phát ngôn công kích mà những quan chức VPF, VFF dành cho nhau. Chúng đều vô nghĩa, không đi đến đâu và không có ích gì cho bóng đá Việt Nam.
Cần phải nhắc lại sự cố tai tiếng của Phó Chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng với Phó Ban trọng tài Dương Văn Hiền ít ngày trước đó. Không biết ông Hùng và ông Hiền có xích mích gì, mâu thuẫn bắt nguồn từ đâu, mà vị Chủ tịch của CLB Hải Phòng lại có hành động, ngôn từ thiếu kiềm chế để bị ghi âm và "tung hê" trước bàn dân thiên hạ.
Nguồn cơn giận dữ của ông Hùng là gì, không ai biết (và cũng không ai cần biết), chỉ dám chắc vị Chủ tịch của CLB Hải Phòng đã làm hoen ố hình ảnh bóng đá nước nhà trên cương vị điều hành của mình. Hậu quả thì ai cũng rõ: ông Hùng phải nói lời từ chức Phó Chủ tịch VPF.
Ông Hiền ghi âm để “phòng thủ”, và cuốn băng ấy không phải là sự minh bạch, rõ ràng. 5 phút của những tiếng chửi, tiếng can và cả tiếng đổ vỡ lột trần được bao nhiêu phần sự thật đằng sau câu chuyện của ông Hùng, ông Hiền, đằng sau những vấn đề "lập lờ" của cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam?
Dư luận từ lâu đã đặt dấu hỏi về "liên minh ma quỷ" giữa trọng tài và chủ tịch đội bóng, về tính công tâm, lợi ích đằng sau mỗi tiếng còi. Nhưng sau cùng, dấu hỏi vẫn chỉ là dấu hỏi. Sự hoài nghi ấy không cách nào bị phá bỏ và trở thành bức tường ngăn cách niềm tin.
Cuốn băng ghi âm cũng là bằng chứng tố cáo nội tại VFF, VPF không tin tưởng nhau. Khi những người trong một tổ chức không tin tưởng nhau, luôn đề phòng, thậm chí thủ đoạn để loại nhau thì đừng mong có sự đoàn kết, nhất trí cao, cùng nhìn về một hướng, cùng vì cái chung.
3. VPF, VFF hay những người làm bóng đá luôn hô hào những khẩu hiệu về niềm tin, và cách để bóng đá nước nhà chiếm trọn niềm tin của người hâm mộ.
Nhưng làm sao tin được khi chính những người trong ngôi nhà VPF, VFF không tin nhau? Làm sao tin được khi vẫn còn đó những câu chuyện không tin dùng để tung vào sân, không tin tưởng để chuyền bóng cho nhau như trong "Phút 89" của Lê Công Vinh? Làm sao tin được khi vẫn còn những cuộc khẩu chiến không hồi kết giữa những ông bầu, những cơn “tam bành”, cuốn băng ghi âm với bao điều tiếng phát ra từ thượng tầng ngôi nhà bóng đá Việt Nam?
Bình luận