• Zalo

Tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin luôn được đảm bảo tại Việt Nam

Tin nhanh 24hChủ Nhật, 15/11/2020 15:29:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tự do báo chí ở nước ta luôn được xây dựng trên cơ sở thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của nhân dân.

Tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền căn bản của con người được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo đảm, được thể hiện sinh động trong đời sống xã hội.

Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” và khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng”.

Luật Báo chí 2016 quy định mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền đăng tải nội dung thông tin có tính chất báo chí trên truyền thông xã hội. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động.

Báo chí ở Việt Nam đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân; là lực lượng quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin luôn được đảm bảo tại Việt Nam - 1

Ảnh minh hoạ.

Báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong phát hiện, đưa tin nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, góp phần vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội, xây dựng bộ máy công quyền trong sạch, vững mạnh. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả các vấn đề  chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Người dân Việt Nam ngày càng được tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là Internet. Chính phủ Việt Nam chủ trương khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận, khai thác và sử dụng rộng rãi thông tin trên mạng Internet.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh tự do báo chí không có nghĩa là vô tổ chức, là tự do thay trắng đổi đen, tự do “làm báo” trái pháp luật.

Lợi dụng tự do báo chí, tự do Internet để gây mất ổn định, chống lại Tổ quốc, nhân dân và dân tộc, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là hành động không thể chấp nhận; thực chất đó là kiểu tự do vô chính phủ, trái với dân chủ.

Những năm qua, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng quyền tự do báo chí để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với nước ta. Chúng lợi dụng một vài sơ hở, thiếu sót của ta trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc khi Nhà nước xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật về báo chí để vu cáo Nhà nước Việt Nam: “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”; “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”; “bắt bớ nhiều blogger”…

Chúng cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam để vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do báo chí; hòng hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Các thế lực thù địch cũng ra sức tuyên truyền, cổ vũ, cường điệu hóa “các giá trị” dân chủ tư sản, các quan điểm của phương Tây về tự do báo chí. Viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về quyền tự do báo chí, nhưng cố tình tảng lờ những điều khoản nghĩa vụ kèm theo để thực hiện các quy định đó rồi phát tán qua internet, mạng xã hội, làm cho con người hiểu lầm rằng “tự do báo chí” là một quyền tuyệt đối; từ đó cổ súy các phần tử bất mãn, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị lợi dụng quyền tự do báo chí hoạt động tích cực, quyết liệt hơn.

Các thể lực thù địch cũng tác động, lôi kéo, mua chuộc các phần tử chống đối, cơ hội chính trị, số phóng viên báo chí tha hóa, biến chất tăng cường viết bài xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, vu cáo Việt Nam vi phạm “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” rồi tán phát trên mạng xã hội, internet.

Thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã xử lý các đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí vi phạm quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân theo pháp luật, điều này phù hợp với luật pháp quốc tế quy định trên lĩnh vực này. 

Việc Nhà nước Việt Nam xử lý hành động lợi dụng báo chí, lợi dụng Internet chống Tổ quốc và nhân dân là việc làm bình thường, cần thiết để bảo vệ pháp luật, đảm bảo quyền tự do báo chí đúng với nghĩa đích thực của nó, thực sự có ích đối với Tổ quốc và dân tộc, tránh bị lợi dụng, không bị hoen ố bởi những hành động trái pháp luật.

Không thể vì thế mà quy chụp cho rằng, Việt Nam “vi phạm” tự do báo chí, tự do Internet. Không có nhà nước nào lại cho phép báo chí lợi dụng tự do để chống đối nhà nước, để gây “bất ổn xã hội”. Tự do báo chí đúng nghĩa luôn được xây dựng trên cơ sở thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của nhân dân.

Thiếu Huyền
Bình luận
vtcnews.vn