Phóng sự

Từ chống cộng cực đoan thành Sứ giả hòa bình của Trường Sa

Thứ Tư, 28/06/2023 17:02:00 +07:00

(VTC News) - Nhà báo hải ngoại Trường Nguyễn được mệnh danh là Sứ giả Hòa bình của Trường Sa và luôn muốn mang những hình ảnh đó đến với Việt kiều khắp 5 châu.

Nhà báo Etcetera Nguyễn (hay còn gọi là Trường Nguyễn, tên đầy đủ Nguyễn Quang Trường), được nhiều người nhớ với mái tóc dài đậm chất nghệ sỹ và những phóng sự chân thực về cuộc sống và con người Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Từ chống Cộng cực đoan, nhà báo Nguyễn Quang Trường đã thay đổi suy nghĩ và cách nhìn về Việt Nam sau những quan sát, chiêm nghiệm khi về thăm, tác nghiệp tại Trường Sa.

PV VTC News trò chuyện cùng nhà báo Nguyễn Quang Trường, người đã 5 lần ra Trường Sa và được gọi với cái tên thân thuộc: Sứ giả Hòa bình của Trường Sa.

- Năm 2022, lần thứ 5 ra thăm Trường Sa, cảm xúc của anh khác những lần trước thế nào, anh Trường Nguyễn?

Tôi là một người làm báo may mắn khi được ra thăm Trường Sa 5 lần, vào năm 2012, 2014, 2015, 2019 và 2022.

Năm 2022 là dịp kỉ niệm 10 năm của chuyến đi dành riêng cho kiều bào do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam tổ chức. Nhiều đại biểu kiều bào từ khắp nơi trên thế giới hội tụ về Việt Nam để tham gia Hải trình Trường Sa 2022. Ở góc độ của một người làm báo, tôi đã ghi nhận được nhiều câu chuyện và cũng là tình cảm đặc biệt của các kiều bào trong chuyến đi lần này.

Chuyến đi thăm Trường Sa nào đối với tôi cũng đều mới mẻ, khác biệt. Sự thay đổi ở nơi đây luôn đem đến cho tôi những cảm nhận mới mẻ. Đảo dường như xanh hơn, nhận được sự quan tâm nhiều hơn.

Chúng tôi đã đến thăm các ngôi chùa, đến trường học, gặp những người dân, người lính, và qua những câu chuyện, hình ảnh ghi nhận được, tôi thêm tin tưởng vào cuộc sống ngày càng phát triển trên những hòn đảo thân yêu của đất nước.

- Trong chuyến đi, anh sáng tác rất nhiều bức tranh gửi tặng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo Trường Sa?

Cùng với trách nhiệm của một người làm báo, ghi lại những hình ảnh, câu chuyện, thực hiện các cuộc phỏng vấn, tôi còn là một họa sĩ nên luôn mang theo họa phẩm để vẽ. Đây là một trong những điều mà tôi luôn mong muốn thực hiện, bởi không phải họa sĩ nào cũng có điều kiện ra thăm Trường Sa và ghi nhận sự khác biệt.

Niềm vui của tôi là ký họa chân dung các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Tôi có cơ hội tâm tình, lắng nghe những câu chuyện của họ và ghi nhận được nhiều tư liệu quý bằng trực quan.

Từ chống cộng cực đoan thành Sứ giả hòa bình của Trường Sa - 1
 

Sự bận rộn làm tôi có cảm giác 9 ngày trôi qua nhanh quá. Tôi cần nhiều thời gian hơn. Tôi mong khoảng thời gian tuy ngắn ngủi đó nhưng cũng giúp những chiến sĩ, người dân cảm nhận được tình cảm ấm áp và đặc biệt của kiều bào khi trở về thăm Trường Sa.

Sau chuyến công tác ra Trường Sa năm 2012, khi trở về đất liền, tôi cộng tác với Nhà xuất bản Kim Đồng vẽ minh họa cho một cuốn sách nói về biển đảo, và khi trở về Hoa Kỳ, tôi thực hiện một số triển lãm cá nhân về những gì ghi nhận được ở Quần đảo Trường Sa.

-  Hình ảnh sâu sắc nhất đọng lại trong anh khi tham gia Hải trình Trường Sa 2022?

Đó là những buổi chào cờ trên Quần đảo Trường Sa. Lần đầu tiên tôi được nghe những lời thề của các chiến sĩ trên quảng trường rộng lớn. Giữa không gian như vậy, hình ảnh một người lính trẻ rắn rỏi, dõng dạc đọc 10 lời thề làm cho tôi vô cùng xúc động. Tôi cảm nhận được trách nhiệm lớn lao của những người con đang ngày đêm cầm súng bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Điều đó ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của tôi.

Bên cạnh đó, buổi tưởng niệm các chiến sĩ tại khu vực nhà giàn DK1 diễn ra trên boong tàu cũng để lại trong tôi nhiều cảm xúc đặc biệt. Những cánh hoa, những con hạc giấy và có cả những giọt nước mắt đã rơi. Tôi thấy nhiều kiều bào xúc động rơi nước mắt khi nghe đọc diễn văn nói về sự hy sinh của các chiến sĩ. Chúng ta phải đến tận nơi, nghe từng câu chuyện mới thấy được sự hy sinh cụ thể như thế nào.

Từ chống cộng cực đoan thành Sứ giả hòa bình của Trường Sa - 2
 

Với góc nhìn của một người làm báo đi tìm sự thật, những trải nghiệm trong chuyến đi rất quý giá đối với tôi. Những người ở xa Tổ quốc, nhất là ở Hoa Kỳ - nơi tôi từng sinh sống nhiều năm - vẫn chưa hình dung được sự hy sinh của các chiến sĩ như thế nào.

Tôi mong có thêm nhiều kiều bào ở Hoa Kỳ được ra thăm Trường Sa, để có thể thấy được trọng trách cũng như sự khó khăn của các cán bộ chiến sĩ và nhân dân nơi đây, đồng thời cảm nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tấm lòng của người dân trong nước dành cho các chiến sĩ ở biển đảo lớn đến như thế nào.

-  Anh vừa nói ở Hoa Kỳ có nhiều kiều bào chưa được tiếp cận thông tin chính thống về chủ quyền biển đảo của Việt Nam và cuộc sống ở các quần đảo?

Đúng thế! Vì vậy, cùng với tôi, mỗi kiều bào, mỗi đại biểu sẽ là những nhân chứng sống để có thể đưa ra những nhận định đánh giá. Ở Hoa Kỳ, một số người chưa thực sự có thiện chí với quê hương đất nước, mặc dù họ luôn nói rằng cần nêu cao tinh thần yêu nước.

Nếu chỉ vì những sự khác biệt, định kiến nào đó mà họ không đồng lòng với Mẹ Việt Nam, không cảm nhận được sự hy sinh của các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ quê hương thì tôi cho rằng đó là một điều đáng tiếc.

Do đó, tôi sẽ cố gắng tiếp tục dùng những câu chuyện, những hình ảnh chân thực mình ghi nhận được để làm rõ những điều còn mơ hồ của những người bất đồng chính kiến.

Sự thật là một chân lí, sự thật không bao giờ thay đổi. Sự thật ấy thể hiện qua những hình ảnh hiện trường, những câu chuyện thực tế mà tôi đã ghi lại được. Tôi vẫn sẽ tiếp tục làm công việc đưa sự thật đó đến với nhiều người hơn nữa.

- Tuy nhiên, sự thật hiển nhiên đó không phải ai cũng dễ dàng đón nhận…

Ở hải ngoại, không phải ai cũng tiếp nhận thông tin về chủ quyền biển đảo quê hương, mặc dù chỉ cần một cái click là đã có rất nhiều thông tin. Tuy nhiên, vì những định kiến, vì lòng hận thù mù quáng, vì những động cơ chính trị khác nữa nên có người đã khép chặt lương tâm, trái tim của bản thân.

Tôi tin rằng sự thật vẫn hiển hiện, giống như mặt trời vẫn luôn luôn mọc ở phía Đông. Sự thật đó sẽ xua tan đi hoài nghi về tình hình đất nước của một số người ở hải ngoại.

Do đó, tôi tin tưởng rằng, những chuyến ra thăm Trường Sa dành cho kiều bào Việt Nam trên khắp thế giới sẽ ngày càng thuyết phục được họ thay đổi tư duy và có cái nhìn thiện chí với quê hương.

Chúng ta sẽ tiếp tục tình yêu hướng về quê hương, Tổ quốc với một mẫu số chung, đó là Mẹ Việt Nam.

Từ chống cộng cực đoan thành Sứ giả hòa bình của Trường Sa - 3
 

- Trong chuyến Hải trình Trường Sa 2022, anh cảm nhận được tình cảm của Việt kiều khắp nơi trên thế giới thế nào?

Tôi đã thấy những giọt nước mắt xúc động của kiều bào. Hầu hết kiều bào đều lần đầu tiên ra thăm Trường Sa, nhưng tôi thấy được tình cảm của họ. Hải trình Trường Sa 2022 mang lại cho họ những trải nghiệm quý báu.

Ai cũng mong muốn được đi lần thứ hai, họ sẽ chuẩn bị tốt hơn, mang ra nhiều món quà thể hiện tình cảm dành cho các cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo.

Khi trở về đất liền, mọi người đều cảm thấy mình thực sự rất may mắn, được sống một cuộc sống bình yên. Họ sẽ nhớ, tri ân sự hy sinh của các chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo quê hương.

Chúng ta có hậu phương vững chắc, không chỉ là gần 100 triệu người Việt ở trong nước mà còn có cả những kiều bào trên khắp thế giới.

Tôi thấy những chuyến đi thăm Trường Sa do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức như thế này rất hữu ích, ý nghĩa và mang tinh thần hòa hợp, đoàn kết dân tộc.

Tôi hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những chuyến đi như này để kiều bào gắn kết với người dân ở trong nước, để chúng ta cùng hướng về Trường Sa, hướng về biển đảo quê hương.

Từ chống cộng cực đoan thành Sứ giả hòa bình của Trường Sa - 4
 

- Kế hoạch sắp tới của anh sau chuyến Hải trình Trường Sa 2022 đầy ý nghĩa?

Tôi vẫn tiếp tục lắng nghe suy nghĩ, tâm tư của cán bộ, chiến sĩ, người dân trên các điểm đảo và truyền đạt những tình cảm đó để nhân rộng hơn, để lan tỏa tình yêu quê hương Tổ quốc.

Không riêng gì kiều bào ở nước ngoài mà ngay chính những đại biểu trong nước cũng rất xúc động khi được ra thăm Trường Sa. Không phải ai cũng có cơ hội được ra thăm các cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Do vậy, tất cả mọi người đều mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn, được biết nhiều hơn nữa về biển đảo qua những chuyến đi như thế này.

Xin cảm ơn anh!

Trường Nguyễn sinh năm 1968, quê gốc ở Nam Định, nhưng gia đình anh đã di cư vào Nam từ năm 1954. Anh là Tổng Thư ký của báo Việt Weekly tại Mỹ và nay là chủ nhiệm kiêm phóng viên kênh Vietnam Today TV.

Trường Nguyễn vinh dự được đón nhận nhiều giải thưởng về báo chí như: Giải Khuyến khích Giải thưởng báo chí về Thông tin đối ngoại toàn quốc năm 2015, Giải xuất sắc Búa Liềm Vàng năm 2019, Giải A Báo Nhân Dân, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tỉnh ủy Yên Bái, Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái, Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Yên Bái.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn