Thời điểm Ngô Quang Huy, cựu sinh viên Khoa Quốc tế, Trường ĐH FPT bắt đầu sự nghiệp cũng là lúc thị trường ứng dụng di động bùng nổ.Nhưng khác với số đông, Huy chọn lập trình website bởi suy nghĩ: “Doanh nghiệp nào cũng cần có ít nhất 1 website, mình sẽ có một thị trường đầy tiềm năng”.
Khởi đầu với mối quan hệ khách hàng gần như bằng 0, tìm đến hàng trăm khách hàng thứ ông chủ trẻ nhận được chỉ là cái lắc đầu.
Non kinh nghiệm, Huy hoang mang không biết khách hàng muốn gì, cũng không biết thay đổi sản phẩm ra sao cho phù hợp. Áp lực về vốn và lương nhân viên đè nặng lên vai khiến Huy stress nặng.
Sau 4-5 tháng chật vật, Huy quyết định thay đổi góc nhìn, cải tiến sản phẩm và các lợi thế cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu khách hàng. “Khách hàng cần gì, mình cho họ điều đó”, Huy chia sẻ về bài học tưởng đơn giản nhưng là xương máu của giai đoạn đầu lao đao.
Cựu sinh viên Khoa Quốc tế, Trường ĐH FPT mạnh dạn triển khai dịch vụ bảo hành website miễn phí cho khách hàng trong vòng 1 năm, theo các chức năng đã cam kết.
Cùng với tư vấn thiết kế và lập trình, dịch vụ này hoàn thiện toàn bộ quá trình từ khi cho ra đời đến vận hành sử dụng website, “đánh trúng” nhu cầu của nhiều khách hàng doanh nghiệp. Ngay khi quyết định thay đổi chiến lược sản phẩm, công ty của Huy bất ngờ nhận được hợp đồng đầu tiên.
“Khách hàng cảm thấy hài lòng lại giới thiệu cho bạn bè, đối tác của họ. Đến nay, khoảng 300 doanh nghiệp lớn nhỏ đã và đang sử dụng dịch vụ của công ty mình. Doanh thu năm vừa rồi đạt 2 tỷ đồng và mình đặt mục tiêu 5 tỷ đồng trong năm nay (2016).” Huy hào hứng chia sẻ.
Từ nhóm 5 người khi khởi nghiệp, số lượng nhân viên công ty hiện tăng lên gấp gần 4 lần nhưng đi cùng với đó là độ khó của “bài toán” quản lý ngày càng tăng.
Nhiều lần, Huy phải họp toàn bộ nhân sự để thống nhất những vấn đề nhỏ như giờ giấc làm việc đến chính sách quan trọng như lương thưởng, cách đánh giá hiệu suất công việc.
Từ một người chỉ chuyên trách mảng công nghệ, Huy phải tìm đọc nhiều sách về quản trị kinh doanh.
Huy chia sẻ: “Nhiều lúc, cần biết thể hiện cái uy của sếp; nhưng rất nhiều lúc sếp cũng phải “nhịn” nhân viên. Tất cả vì công việc chung.”
Anh xây dựng văn hoá tranh luận bình đẳng ở công ty. Cả cấp trên và nhân viên đều có thể cùng tranh luận về một vấn đề. Nếu nhân viên chứng minh được ý kiến của mình là hợp lý, ý kiến sẽ được tiếp nhận và thay đổi.
Ngược lại, nếu yêu cầu của nhân viên không phù hợp, Huy sẽ trực tiếp trao đổi, giải thích với từng cá nhân.
Chàng giám đốc trẻ: “Phải làm cho nhân viên cảm thấy có thể học hỏi được từ công việc, đồng nghiệp, cảm thấy có tương lai thì họ mới muốn gắn bó lâu dài.”
Vậy nên, Huy là người đi đầu trong việc kêu gọi nhân viên tham gia các hoạt động tập thể, chia sẻ về cuộc sống, sở thích cá nhân để hiểu thêm về con người bên ngoài công ty của nhau.
“Hoạt động này phát huy hiệu quả khá tốt. Hiểu về nhau, thông cảm cho hoàn cảnh, cá tính của nhau, các bạn làm việc cũng ăn ý hơn. Còn mình, mình có thêm cơ hội lắng nghe nguyện vọng của nhân viên một cách thoải mái, không có sức ép nào từ vai trò sếp đối với họ.” Huy chia sẻ.
Với đội ngũ nhân sự trẻ và có kiến thức như hiện nay, Huy không muốn công ty tự hạn chế bằng việc chỉ cung cấp sản phẩm và dịch vụ theo nhu cầu khách hàng. Anh cùng đồng sự đang tích cực hoàn thiện hệ thống tích hợp website, phần mềm bán hàng, quản lý kho hàng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ ra mắt vào tháng 10 năm nay. Đồng thời, Huy cũng lên kế hoạch đưa dịch vụ của công ty lấn sân sang thị trường nước ngoài vào năm tới.
Bình luận