Từ 1/4, than tăng giá 40%

Kinh tếThứ Tư, 06/04/2011 08:10:00 +07:00

(VTC News) – Theo quyết định của Bộ Tài chính, kể từ ngày 1/4/2011, giá bán than sẽ tăng từ 20 - 40%.

(VTC News) – Theo quyết định của Bộ Tài chính, kể từ ngày 1/4/2011, giá bán than cho các hộ nhỏ lẻ trong nước và giá bán than cho xi măng, giấy, phân bón sẽ tăng từ 20 - 40% tuỳ từng chủng loại than.

Trong năm 2010, với mục tiêu kiềm chế lạm phát, giá than cho các hộ xi măng, giấy, phân bón vẫn được giữ nguyên, không điều chỉnh trong khi giá cả đầu vào tăng cao. Theo thông báo số 244/TB-VPCP, giá than bán cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước (trừ than bán cho điện) thấp hơn giá xuất khẩu tối đa là 10%. Trước 31/3/2011, giá than ở thị trường trong nước chỉ bằng khoảng 60% giá than xuất khẩu, trong khi đó, giá than bán cho các hộ xi măng, giấy, phân bón chỉ bằng khoảng 50% giá than xuất khẩu.

Trước sức ép đầu vào tăng cao, ngành than buộc phải nâng giá bán tăng 20 - 40%.
Tuy nhiên, “do giá cả đầu vào tăng cao (xăng dầu tăng 2 lần khoảng 40%, tỷ giá tăng 9,3%, lãi vay tăng cao, thuế xuất khẩu than tăng từ 10% lên 15%,...), chỉ tính 5 yếu tố xăng dầu, sắt thép chống lò, tỷ giá, lãi vay thì đã làm tăng gá thành than khoảng 3.500 tỷ đồng, thuế xuất khẩu làm tăng 1.300 tỷ đồng. Nếu giá than không được điều chỉnh thì tình hình tài chính của Vinacomin sẽ gặp khó khăn. Trong khi giá than bán cho điện mới bằng khoảng 60% giá thành thì lần này chỉ được tăng 5%” – Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản - Vinacomin (Vinacomin)  cho biết.

Khác với những lần tăng giá trước được thông báo rầm rộ với giới truyền thông, lần này, Vinacomin âm thầm tiến hành thủ tục xin tăng giá. Vinacomin đã đệ trình lên Bộ Tài chính về phương án tăng giá than bước 1 điều chỉnh tăng từ 20 - 40%, tùy từng loại than và đã được Bộ Tài chính chấp thuận từ ngày 1/4/2011.

Giải thích cho sự tăng giá này, đại diện của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản chia sẻ: “Thực tế trong nhiều năm qua, để đảm bảo cân đối tài chính, sản xuất kinh doanh có lãi thì nhiều chi phí đầu vào của ngành than vẫn cân đối ở mức hạn chế: như tiền lương công nhân mỏ mới chiếm khoảng dưới 20% giá thành thì vẫn còn thấp, chi phí về an toàn, hạ tầng cơ sở của ngành than cần tiếp tục củng cố và tăng cường, nhất là chi phí cho bảo vệ môi trường cần được bổ sung nhiều hơn nữa để phục hồi môi trường sau khai thác. Nay khi giá than được điều chỉnh thì ngoài việc để bù đắp chi phí thì Vinacomin sẽ tiếp tục cân đối để cải thiện điều kiện ăn ở, đi lại, trang bị an toàn,...nhất là đối với công nhân khai thác hầm lò”.

Theo tính toán của Vinacomin, để tăng sản lượng 1 triệu tấn than thì cần phải đầu tư khoảng 150 triệu USD. Như vậy, với mục tiêu tăng thêm được 20 triệu tấn than hầm lò vào năm 2015, cần khoảng 3 tỷ USD. Trong khi đó, với sản lượng phấn đấu đạt 55 triệu tấn than sạch thì riêng khấu hao và lãi vay đã tăng thêm khoảng: 3 tỷ USD x 20600 đ/USD x 10% khấu hao và cộng với 10% lãi vay = 12400 tỷ đồng/năm, bình quân 225 ngàn đồng/tấn, tương đương tăng giá thành 5%/năm. Cộng thêm chi phí tăng do điều kiện khai thác (tỷ trọng than hầm lò tăng, cung độ vận chuyển tăng, hệ số đất tăng,...) làm tăng chi phí khoảng 3 - 4%/năm. Thêm vào đó, các yếu tố đầu vào khác tăng theo chỉ số giá hàng năm khoảng 6%/năm. Vì vậy, giá thành năm 2015 dự kiến là: 1500 ngàn đồng/tấn.

“Nếu tính theo nguyên tắc, đúng ra theo cơ chế thị trường để đảm bảo hàng hoá lưu thông bình thường, tránh trường hợp mua than với giá rẻ trong nước rồi đem đi xuất khẩu kiếm lời (tức bằng 90% giá xuất khẩu) thì giá than trong nước sẽ tăng cao khoảng 55%. Mặc dù vậy, nhằm mục đích không tăng đột biến, góp phần kiềm chế lạm phát, Vinacomin đã đề nghị giá than mới tăng ở bước 1 (tăng từ 20 - 40%)” – Đại diện Vinacomin phân trần.

Phương Hạ - Phương Hiền


Bình luận
vtcnews.vn