• Zalo

Từ 1/1/2015, không đóng phí đường bộ tại TP.HCM sẽ bị phạt

Thời sựThứ Năm, 25/12/2014 12:00:00 +07:00Google News

Nếu được HĐND TP.HCM thông qua vào cuối năm nay, bắt đầu từ ngày 1/1/2015, người dân nếu không nộp phí đường bộ tại TP có thể bị xem xét xử phạt.

(VTC News) – Nếu được HĐND TP.HCM thông qua vào cuối năm nay, bắt đầu từ ngày 1/1/2015, người dân nếu không nộp phí đường bộ tại TP có thể bị xem xét xử phạt.

UBND TP.HCM vừa hoàn tất tờ trình về việc tổ chức thu phí đường bộ đối với xe gắn máy. Dự kiến, tờ trình này sẽ được đọc, trình các đại biểu HĐND TP.HCM thông qua vào kỳ họp chuyên đề được tổ chức vào ngày 30/12 sắp tới.

Theo tờ trình này, chỉ ngoại trừ xe đạp điện, xe máy điện thì tất cả các phương tiện xe gắn máy thuộc thẩm quyền quản lý của TP.HCM, cả những phương tiện ở các tỉnh chưa nộp phí đường bộ thì đều phải nộp phí đường bộ tại TP.HCM. Trong trường hợp phương tiện đã nộp phí tại tỉnh, TP khác thì không phải nộp ở TP.HCM nữa.

Về mức thu, thấp nhất là 50.000 đồng/xe/năm áp dụng cho các loại phương tiện có dung tích đến 100 phân khối, từ 100 đến 175 phân khối sẽ phải đóng 100.000 đồng/xe/năm, trên 175 phân khối sẽ áp dụng 150.000 đồng/xe/năm.

Khác với toàn bộ các địa phương còn lại của cả nước đã thực hiện từ rất lâu, TP.HCM là địa phương cuối cùng dự kiến áp dụng thu phí đường bộ từ 1/1/2015. Đơn vị dự kiến sẽ thu phí này là cấp độ phường xã, thị trấn.

Từ 1/1/2015, nếu không đóng phí đường bộ tại TP.HCM sẽ bị phạt
TP.HCM dự kiến sẽ thu phí sử dụng đường bộ cho xe gắn máy bắt đầu từ ngày 1/1/2015 sắp tới - ảnh minh họa: P.L

UBND TP.HCM cho rằng, phường xã, thị trấn hiện nay cũng đang được ủy nhiệm thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp do địa bàn mình quản lý, nên nếu được giao kiêm thêm thu phí sử dụng đường bộ dành cho xe gắn máy, thì cũng sẽ không làm tăng thêm biên chế.

Hình thức nộp, UBND phường xã, thị trấn sẽ phát phiếu kê khai nộp phí đến tận từng hộ dân. Sau đó, người dân có thể đến đóng tại UBND phường xã, thị trấn hay cơ quan này sẽ cử cán bộ đến thu tận nhà của người dân.

Sau khi thu, kinh phí sẽ trích lại 10% dành cho phường, thị trấn, 20% dành cho xã để dành tổ chức kinh phí thực hiện. Phần tiền còn lại trích cho các quận, huyện để dành duy tu các tuyến đường thuộc sự quản lý của quận huyện. UBND TP.HCM sẽ có các thông báo kế tiếp về tỷ lệ số phí để lại cho từng quận huyện.

Video: Khó khăn trong việc thu phí đường bộ ở Hà Nội

Các trường hợp được miễn thu phí sử dụng đường bộ gồm: Xe của quân đội, Công an, xe của các hộ thuộc diện nghèo tại TP.HCM, xe của học sinh – sinh viên là chủ trong giấy đăng ký xe, hiện đang học tại các trường đóng trên địa bàn TP.HCM, xe của người có công và thân nhân của người có công với cách mạng.

Khác với tờ trình trước đây, trong tờ trình lần này, UBND TP.HCM đã đưa thêm phần chế tài nếu trốn tránh nộp phí sử dụng đường bộ áp dụng cho xe gắn máy.

Lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh: Nếu không nộp phí này sẽ bị xem xét xử phạt theo điều 6 – thông tư 186/2013/TT – BTC, trong đó người trốn tránh, không nộp phí đúng thời hạn có thể bị phạt cảnh cáo, hoặc bị phạt số tiền gấp từ 1 – 3 lần mức phí đường bộ cần phải nộp. Mức phạt tối đa có thể lên đến  50 triệu đồng.

Để đảm bảo việc thu phí đủ với lượng xe gắn máy có mặt trên địa bàn, TP.HCM kiến nghị HĐND TP giao cho UBND các phường xã, thị trấn kiểm tra nghiêm việc thu phí đường bộ áp dụng cho xe gắn máy trên địa bàn do mình quản lý.

Tính đến hết tháng 10/2014, chỉ tính riêng xe gắn máy do TP.HCM quản lý có trong hồ sơ đã có đến hơn 6 triệu phương tiện, chưa kể các loại phương tiện do tỉnh, TP khác quản lý, hiện đang lưu thông trên địa bàn TP.HCM.

Phương Linh

Bình luận
vtcnews.vn