• Zalo

Từ 10/11, lái xe uống rượu bia bị phạt 15 triệu đồng

Thời sựChủ Nhật, 23/09/2012 08:45:00 +07:00Google News

Từ 10/11 tới, người điều khiển xe ô tô trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quy định sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.

Theo Nghị định do Chính phủ vừa ban hành, từ 10/11 tới, người điều khiển xe ô tô trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định mới sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định cũ theo hướng nâng mức phạt đối với hành vi chở quá số người cho phép, điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định, chạy quá tốc độ… nhằm răn đe với những hành vi vi phạm về an toàn giao thông đường bộ.

Cụ thể, trong nghị định vừa được ban hành, Chính phủ tăng phạt với xe ô tô chở quá số người quy định từ 300 - 500 nghìn đồng (hiện nay mức phạt là từ 200 - 300 nghìn đồng) tính theo số người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện đối với người điều khiển ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) vi phạm hành vi: Chở quá từ 2 người trở lên trên xe đến 9 chỗ ngồi, chở quá từ 3 người trở lên trên xe 10-15 chỗ ngồi, chở quá từ 4 người trở lên trên xe 16-30 chỗ ngồi, chở quá từ 5 người trở lên trên xe trên 30 chỗ ngồi.

Đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly hơn 300 km, sẽ bị phạt từ 800 nghìn - 1 triệu đồng (hiện nay từ 300- 500 nghìn đồng) trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nếu chở quá từ 2 người trở lên trên xe đến 9 chỗ ngồi, chở quá từ 3 người trở lên trên xe 10-15 chỗ ngồi, chở quá từ 4 người trở lên trên xe 16-30 chỗ ngồi, chở quá từ 5 người trở lên trên xe trên 30 chỗ ngồi.

Ảnh minh họa 

Theo quy định mới của Chính phủ, từ 10/11, tài xế ô tô uống rượu lái xe có thể bị phạt tới 15 triệu đồng.

Nâng mức phạt với hành vi điều khiển xe uống rượu, bia lên 4-5 lần


Nghị định mới cũng nâng mức phạt với lỗi điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định từ 8-15 triệu đồng. Cụ thể, người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá  50 - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/1 lít khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 8-10 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với mức phạt hiện nay từ 2-3 triệu đồng.  

Hành vi này đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy thì bị phạt từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng (mức phạt hiện nay từ 200 - 400 nghìn đồng).

Trường hợp người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 10- 15 triệu đồng (mức phạt hiện nay từ 4 - 6 triệu đồng).

Với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, hành vi vi phạm này bị phạt từ 2- 3 triệu đồng, thay cho mức phạt hiện nay là từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng.

Điều khiển xe chạy quá tốc độ sẽ bị phạt cao gấp 3 lần hiện nay

Với hành vi chạy xe quá tốc độ, Nghị định của Chính phủ cũng nâng mức phạt cao gấp 2-3 lần hiện nay. Cụ thể, phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng (thay cho mức phạt hiện nay 300 - 500 nghìn đồng) đồng đối với người điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h.

Trường hợp điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 10-20 km/h sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng - 3.000.000 đồng (mức phạt hiện nay là từ 800 nghìn đồng - 1,2 triệu đồng). Phạt tiền từ 8 -10 triệu đồng (hiện nay 4- 6 triệu đồng) đối với người điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h, ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 ngày.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chạy quá tốc độ quy định từ 10 -20 km/h (hiện nay trên 20km/h) sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng. Trường hợp người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h sẽ bị phạt tiền từ 2- 3 triệu đồng (mức hiện nay là 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng).

Nghị định cũng quy định, phạt tiền từ 100- 200 nghìn đồng với các hành vi người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường; chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ; xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho xe thô sơ.

Về quy định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm, Nghị định mới cho phép người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến 10 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm đã được quy định.

Nghị định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 10/11/2012.

Theo VnMedia
Bình luận
vtcnews.vn