(VTC News) – Câu chuyện “cụ rùa” hồ Gươm đã nóng càng trở nên nóng hơn bao giờ hết, khi gần đây xuất hiện những ý kiến được coi là “trái chiều” gây tranh cãi trong dư luận.
Một trong những tiêu điểm tranh cãi là bài trả lời phỏng vấn của Tiến sĩ khảo cổ học Vũ Thế Long trên báo Vietnam+: Chuyện “cụ” rùa: Đừng thực tế hóa truyền thuyết và được Sài Gòn Tiếp thị đăng tải lại dưới title “Cụ” rùa già, cụ chết là chuyện bình thường.”
Tiêu đề của SGTT như một cú đá móc bất ngờ vào tâm lý lo lắng cho Cụ Rùa của đông đảo cư dân mạng. Và với những nhận định thẳng thắn như “Vật chất tồn tại theo quy luật của tự nhiên. Sinh vật có sinh có tử là chuyện thường tình. Có gì mà phải làm rùm beng lên! Đừng tự huyễn hoặc mình và chớ thổi to những chuyện mê tín dị đoan lên.” hay “Rùa chết thì chôn hay đem cho bảo tàng lưu giữ để mọi nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu. Đó là chuyện bình thường. Có gì mà phải sợ?”, bài phỏng vấn đã gặp phải sự phản ứng khá gay gắt từ phía dư luận.
Mới đây, độc giả Vũ Thảo Nguyên chia sẻ trên VTC News những ý kiến phản biện: “Cái chết của cụ Rùa – lạy trời đừng xảy ra bây giờ - không đơn thuần là cái chết của một sinh vật. Và nhất là cách mà người ta nhìn về cái chết của cụ mới là cái để mọi người quan tâm.”
Phản hồi cho bài viết trên, TS Vũ Thế Long phân trần:
"Tôi cảm ơn mọi đóng góp khen chê của các bạn qua đọc bài phỏng vấn của TTXVN với tôi. Bởi là người có nghiên cứu về Khảo cổ học động vật và đã có trong tay nhiều mẫu vật tương tự như rùa ở hồ Hoàn Kiếm thu được trong nhiều di chỉ khảo cổ học ở đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta, nên phóng viên hỏi, tôi trả lời chân thực chứ không tự viết ra.
Có nhiều bạn bất bình, thậm chí phê bình tôi rất nặng lời, có thể vì cái đầu đề của báo SGTT gây cho bạn một ấn tượng thật khó chịu: rằng tôi báng bổ lịch sử, cha ông. Thậm chí coi tôi như bắn súng vào quá khứ.
Tôi không giận mà rất thông cảm.”
Giải thích rõ về quan điểm của mình, ông cho biết, dường như đã có một sự hiểu lầm nhất định giữa cách hiểu của dư luận với những phát biểu của ông: “Tôi hiểu rằng hiện tại có biết bao nhiêu người Việt Nam ta luôn vô cùng tôn kính giá trị lịch sử của dân tộc. Tôn thờ Lê Lợi, vị anh hùng của dân tộc ta đã có công lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mà đời đời ghi nhớ và tôn vinh. Tôi cũng như các bạn, xin kính cẩn nhớ ơn người anh hùng Lê Lợi đã lãnh đạo dân ta giải phóng dân tộc.”
Vẫn trên tinh thần cuộc trả lời phỏng vấn lần trước, ông nhấn mạnh khoảng cách cần được nhìn nhận rạch ròi giữa tôn trọng lịch sử, truyền thuyết với việc đưa nó vào những nghiên cứu mang tính khoa học, giữa “Cụ Rùa” huyền thoại và cá thể rùa thực đang sống ở hồ Gươm: “Chuyện gì ra chuyện ấy. Xin các bạn hãy đọc lại một lần nữa những lời phỏng vấn và trả lời của tôi nguyên gốc trên Vietnam+ (bỏ qua cái tít hơi hấp dẫn của SGTT) và bạn sẽ thấy chúng ta chẳng có gì khác nhau đến nỗi phải ‘bắn súng lục vào hiện tại’ cả."
Ông bày tỏ, cá nhân mình cũng như mọi người đều mong muốn “thần tượng” rùa cũng như sinh vật rùa Hồ Gươm luôn sống mãi.
Rõ ràng, qua những ồn ào quanh việc giải cứu rùa hồ Gươm những ngày qua, người ta không khỏi nhận ra có quá nhiều điều còn mập mờ, từ hiểu biết của chúng ta về việc “cụ Rùa” thực sự là giống loài nào, tập quán sinh hoạt, đặc tính sinh học ra sao, cho đến sự hoang mang của dư luận khi phải đối diện với một vấn đề bị bỏ quên mặc định, mà qua đó, bộc lộ sự lúng túng trong cách ứng xử của người đương đại với quá khứ. Thiết nghĩ, vượt trên chuyện một “cụ rùa” cụ thể, tranh luận và mổ xẻ chính là tín hiệu đáng mừng trong dịch chuyển nhận thức và ý thức của mỗi chúng ta.
Bình luận