Vừa qua, Văn phòng Quốc hội chỉ cho phép báo chí tham dự 5 phút đầu của phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khiến cử tri, nhân dân và phóng viên rất băn khoăn, lo lắng.
Bình luận về vấn đề này, TS Nguyễn Sĩ Dũng (Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho rằng Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, vì vậy Ủy ban thường vụ Quốc hội đương nhiên cũng phải họp công khai.
Đây là lý do tại sao Điều 4 Quy chế làm việc của UBTVQH quy định: “1. Hoạt động của UBTVQH được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng; 2. Các cơ quan báo chí được tham dự, đưa tin về các hoạt động của UBTVQH tại khu vực dành riêng cho báo chí…”.
- Việc Văn phòng Quốc hội chỉ cho phép báo chí tham dự 5 phút đầu của phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có khiến ông băn khoăn?
Tôi thấy hơi bất ngờ. Có thể là tôi không còn làm việc ở Văn phòng Quốc hội nên không biết nguyên nhân đằng sau vụ việc này. Nhưng thực sự vấn đề này là hơi bất ngờ.
Ở nước ta, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Còn Quốc hội thì chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước cử tri. Như vậy, Quốc hội phải công khai hoạt động của mình cho cử tri.
Chịu trách nhiệm trước nhân dân trước hết nghĩa là phải chịu sự giám sát của nhân dân. Để nhân dân có thể giám sát, Điều 90 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “Quốc hội họp công khai”.
- Thủ tục họp kín là thế nào, thưa ông?
Tất nhiên, Quốc hội và UBTVQH hoàn toàn có thể họp kín khi cần thiết (liên quan đến bí mật quốc gia chẳng hạn). Tuy nhiên, muốn họp kín, thì vẫn phải tuân theo các thủ tục do pháp luật quy định.
Ví dụ, Quốc hội chỉ có thể họp kín “theo đề nghị của Chủ tịch nước, UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội” (Điều 90, Luật Tổ chức QH). Thủ tục họp kín cho UBTVQH có vẻ như chưa được quy định ở đâu cả. Thế nhưng, về nguyên tắc, những gì áp dụng cho QH thì đương nhiên phải được áp dụng cho cơ quan thường trực của Quốc hội.
Video: Quốc hội nên 'đóng cửa' hay 'mở cửa' với báo chí?
- Việc hạn chế như vậy thì có phải là cử tri đang bị hạn chế vai trò giám sát Quốc hội hay không, thưa ông?
Nếu như vậy thì thông tin không đến được với cử tri. Quy định Quốc hội họp công khai có nghĩa là không chỉ có báo chí vào được mà người dân cũng có thể theo dõi được.
Người dân có thể theo dõi bằng hai cách là tường thuật trực tiếp hoặc đến theo dõi ở Quốc hội.
Hạ viện của Mỹ từ năm 1825 đến hiện nay thì chỉ họp kín có 6 lần và như vậy, trong gần 200 năm người ta họp kín có 6 lần
TS Nguyễn Sĩ Dũng
Tôi ví dụ: Hạ viện của Mỹ từ năm 1825 đến hiện nay thì chỉ họp kín có 6 lần và như vậy, trong gần 200 năm người ta họp kín có 6 lần. Lần gần đây nhất người ta họp kín là năm 2008.
Quốc hội chịu trách nhiệm trước dân thì không cho phép họp kín được. Họp kín phải có thủ tục để họp chứ không phải muốn là họp, không muốn là không họp.
Điều 4, Quy chế làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định là báo chí được phép đưa tin vì vậy nếu muốn họp kín thì thì phải sửa điều này đã.
- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng việc “đóng cửa hay mở cửa” với báo chí là do quan điểm cá nhân của lãnh đạo theo từng thời kỳ?
Tôi nghĩ điều này chỉ đúng một phần thôi. Lãnh đạo Quốc hội cũng phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc hiến định. Nếu Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội thì Chính phủ có thể công khai trước dân ít hơn. Nhưng Quốc hội chịu trách nhiệm trước dân nên Quốc hội phải công khai trước nhân dân nhiều hơn. Đó là nguyên tắc hiến định.
Còn những quy định của pháp luật thì phải như nhau cho tất cả mọi lãnh đạo. Cũng có lãnh đạo tạo điều kiện nhiều hơn, có lãnh đạo tạo điều kiện ít hơn nhưng mức tối thiểu các lãnh đạo phải tuân thủ đó là quy định của pháp luật.
- Dưới thời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã có bước đột phá là cho phép báo chí tường thuật trực tiếp các phiên họp của Quốc hội. Là người cũng tham gia vào quá trình xây dựng quy định đó, ông thấy rằng đổi mới gặp những khó khăn gì?
Đổi mới là một quá trình và quá trình đó cũng không hề đơn giản. Đó là bước đi rất là dài. Người có công nhất không phải là tôi mà là anh Vũ Mão (Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội).
Đó là lần đầu tiên chúng ta cho phép truyền hình, phát thành trực tiếp các phiên họp Quốc hội. Điều đó làm cho hoạt động của Quốc hội có sức hấp dẫn rất lớn. Quốc hội trở nên năng động, tương tác với xã hội, cử tri. Việc mở cửa cho báo chí là thúc đẩy sự phát triển của Quốc hội. Quốc hội sát dân hơn, gần dân hơn.
- Liệu việc tiếp cận thông tin cho người dân có bị hạn chế không?
Nếu sửa thì sửa quy chế hoạt động thậm chí là Luật Tổ chức Quốc hội. Tôi nghĩ những cái đó không phải là dễ.
Theo ý kiến cá nhân của tôi thì việc hạn chế báo chí như vậy chỉ áp dụng cho phiên họp thứ 12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội từ nay báo chí không được dự nghe thảo luận.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội từ nay báo chí được dự 5 phút đầu buổi làm việc.
Vì vậy, mỗi ngày sẽ có 2 bản thông cáo báo chí thể hiện đầy đủ nội dung và kết luận về vấn đề được thảo luận gửi cơ quan báo chí.
Đề cập lý do phóng viên không được nghe thảo luận như các phiên họp như trước đây, ông Nguyễn Hạnh Phúc lý giải: “Nhiều khi anh em báo chí vào thì cũng ngại, phát biểu không hết. Có vấn đề tối mật không được nói với báo chí mà nói ra thì lại phải đề nghị báo chí không đăng tải”.
Vì vậy, Tổng Thư ký quốc hội cho biết sẽ chuẩn bị thông cáo báo chí về các nội dung họp để thông tin cho báo chí.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận