• Zalo

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tổng thống Donald Trump phạm cùng lúc hai sai lầm

Thế giớiThứ Tư, 08/02/2017 06:54:00 +07:00Google News

TS Nguyễn Sĩ Dũng nói Tổng thống Donald Trump đã phạm phải một lúc 2 sai lầm khi phản ứng lại phán quyết của thẩm phán liên bang James Robart.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng Tổng thống Donald Trump đã phạm 'sai lầm khó gỡ' khi phản ứng lại phán quyết của thẩm phán liên bang James Robart.

Tong-thong-donal -trump

 Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Phản ứng với phán quyết của thẩm phán liên bang James Robart đình chỉ sắc lệnh hạn chế nhập cư, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận xét: “Không thể tin được một thẩm phán có thể đặt nước ta vào tình trạng nguy hiểm như vậy. Nếu có chuyện gì xảy ra thì là lỗi của ông ta và hệ thống tòa án”.

Bằng nhận xét trên, ông Trump đã phạm phải một lúc hai lỗi lầm. Lỗi lầm thứ nhất là đưa ra một nhận xét mang tính chính trị đối với một phán quyết mang tính pháp lý là không nên và không chuyên nghiệp. Lỗi lầm thứ hai là bày tỏ một sự bất kính đối với quyền lực tư pháp là không đúng đắn (politically incorrect) và hoàn toàn bất lợi.

Xin được phân tích cụ thể hơn về những lỗi lầm này như sau.

Trước hết, quyền lực tư pháp là quyền lực xét xử. Không có đơn kiếu kiện, quyền lực tư pháp không thể tự mình hành động được. Thẩm phán James Robart đình chỉ sắc lệnh hạn chế nhập cư của ông Trump vì có đơn kiện về tính hợp pháp và hợp hiến của sắc lệnh này.

Căn cứ để thẩm phán Robart đình chỉ sắc lệnh là: phải có thời gian để xem xét về tính hợp pháp và hợp hiến của sắc lệnh.

Như vậy, đáng ra Tổng thống Trump cần phải lập luận xem thẩm phán Robart có thẩm quyền đình chỉ sắc lệnh của Tổng thống hay không; sắc lệnh hạn chế nhập cư của ông có hợp pháp và hợp hiến hay không, chứ không phải là đưa ra một nhận xét mang tính chính trị như trên.

Thực ra, giữa hành vi gây thù, chuốc oán với các nước đạo Hồi với hành vi đình chỉ sắc lệnh hạn chế nhập cư từ các nước đạo Hồi chưa biết hành vi nào sẽ đặt nước Mỹ vào tình thế nguy hiểm hơn.

Tuy nhiên, đây là vấn đề chính trị, không phải là vấn đề pháp lý.

Để chứng minh rằng chính sách hạn chế nhập cư bảo đảm an ninh tốt hơn cho nước Mỹ, Tổng thổng Trump sẽ phải đương đầu với quyền lực lập pháp, chứ không phải quyền lực tư pháp.

Và cuộc đấu với quyền lực lập pháp khi sắc lệnh hết hiệu lực sau 6 tháng sẽ không hề đơn giản. Cho dù phe Cộng hòa của Tổng thống đang có đa số trong Quốc hội, thì kỷ luật đảng ở trong Quốc hội và ở Mỹ nói chung là khá lỏng lẻo.

Video: Tổng thống Trump phản pháo người biểu tình về lệnh chống người nhập cảnh

Không có gì bảo đảm là tất cả các nghị sĩ của Đảng Cộng hòa sẽ nghe theo Tổng thống trong một chính sách đầy nhạy cảm và đầy bất đồng như vậy.

Ngoài ra, phe thiểu số trong Quốc hội còn có thể dùng thủ tục để trì hoãn vô tận việc thông qua chính sách nói trên.

Hai là, quyền lực tư pháp không gắn với chính trị, nên về cơ bản không gây ra chuyện yêu - ghét, ủng hộ - phản đối trong xã hội. Đây cũng là lý do giải thích tại sao người dân thường tin tưởng vào các vị thẩm phán nhiều hơn.

Và để xứng đáng với niềm tin đó, các vị thẩm phán bao giờ cũng hết lòng, hết sức phụng sự công lý, đồng thời giữ gìn phẩm giá và tính độc lập của mình. Công kích vào các vị thẩm phán và quyền lực tư pháp vì vậy khó lòng nhận được sự ủng hộ của xã hội.

image-0928png-1013

 

Sự bất kính đối với tư pháp không sớm thì muộn sẽ làm cho thể chế không vận hành được.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Ngoài ra, sự tôn kính đối với quyền lực tư pháp là điều kiện quan trọng hàng đầu để vận hành thể chế trong mô hình tổ chức nhà nước theo nguyên tắc phân quyền (Ta còn gọi là mô hình tam quyền phân lập).

Sự bất kính đối với tư pháp không sớm thì muộn sẽ làm cho thể chế không vận hành được. Tổng thổng của nước Mỹ, một nước được tổ chức theo nguyên tắc phân quyền cứng, càng phải thấu hiểu điều này hơn ai hết.

Muốn hay không muốn quyền phán xử vẫn thuộc về các thẩm phán. Mọi chính sách gây bất bình xã hội đều có thể bị khiếu kiện và đều có thể bị các thẩm phán đình chỉ.

Ngoài ra, nếu mỗi cuộc tranh chấp pháp lý đều có thể kéo dài hàng năm, thậm chí nhiều năm, thì Tổng thống sẽ chẳng còn thời gian để làm gì nhiều trong nhiệm kỳ 4 năm của mình.

Sự anh minh của một Tổng thống Mỹ vì vậy không chỉ nằm ở khả năng đề ra những chính sách tài giỏi, mà còn nằm ở khả năng thúc đẩy chúng qua một hệ thống đầy rẫy những cơ chế kiểm soát và cân bằng mà các vị lập quốc đã đề ra.

Cuối cùng, cơ chế kiểm soát và cân bằng được thiết kế không chỉ theo chiều ngang giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, mà còn theo chiều dọc giữa chính quyền liên bang, chính quyền các tiểu bang và chính quyền của các địa phương.

Có vẻ như không chỉ tiểu bang Washington, mà cả tiểu bang California đang bơ lốc kê sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Trump.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Bình luận
vtcnews.vn