Sáng 25/4, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa xác nhận, ông Võ Kim Cự đã có đơn xin thôi Đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Sau khi có kết luận của Ban Bí thư về những sai phạm và hình thức kỷ luật, ông Võ Kim Cự đã có đơn xin thôi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vì lí do sức khỏe.
Trả lời VTC News, TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng việc có cho ông Võ Kim Cự thôi tư cách đại biểu hay không thì phải đưa ra báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.
TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích nếu quy trình miễn nhiệm chưa bắt đầu, tức là chưa có kiến nghị ở nơi này, nơi kia thì ông Cự xin từ chức thì tốt hơn.
Trong khi đó, TS Dũng cũng băn khoăn khi quy trình đã bắt đầu rồi thì ông Cự có “vớt vát” được danh dự hay không.
"Chẳng qua, ông Cự xin từ chức là vớt vát danh dự của mình", nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.
Vị chuyên gia này phân tích rằng ở Việt Nam, việc miễn nhiệm đại biểu Quốc hội phải đưa ra Quốc hội quyết định với việc quá 2/3 số phiếu đồng ý miễn nhiệm. Thủ tục này cũng tương đối phức tạp.
“Muốn miễn nhiệm đại biểu Quốc hội thì phải có 2/3 số phiếu đồng ý miễn nhiệm”, TS Dũng cho hay.
Bên cạnh đó, dưới góc độ phân tích của cá nhân thì ông Dũng lại cho rằng ông Cự khó có thể được xin rút tư cách đại biểu Quốc hội mà sẽ bị Quốc hội miễn nhiệm.
Dù ông Võ Kim Cự có đơn xin rút tư cách đại biểu Quốc hội nhưng theo ý kiến chủ quan của tôi thì việc xin rút vào lúc này là khó bởi vì đơn gửi muộn quá.
TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên PCN Văn phòng Quốc hội
“Dù ông Võ Kim Cự có đơn xin rút tư cách đại biểu Quốc hội nhưng theo ý kiến chủ quan của tôi thì việc xin rút vào lúc này là khó bởi vì đơn gửi muộn quá. Thủ tục miễn nhiệm đã bắt đầu rồi thì anh mới có đơn xin rút”, TS Dũng phân tích.
Vị chuyên gia này nói thêm khi có vụ “lình xình” ở trong Hà Tĩnh để khiến người dân, dư luận bức xúc thì nếu khi đó ông Võ Kim Cự thấy trách nhiệm của mình trong đó mà xin rút thì lúc đó lại là vấn đề khác.
"Nếu lúc đó ông Võ Kim Cự xin rút tư cách đại biểu Quốc hội thì đó là việc tốt và có thể bảo vệ được danh dự", TS Nguyễn Sĩ Dũng cho hay.
Tuy nhiên, đến thời điểm sau khi Ban bí thư công bố quyết định kỷ luật đối với ông Võ Kim Cự thì quy trình miễn nhiệm đã được bắt đầu.
“ Tuy nhiên, đây là ý kiến cá nhân của tôi”, TS Nguyễn Sĩ Dũng bày tỏ.
Hiện nay, ông Dũng cho rằng cũng chưa có quy định cụ thể để xử lý trong trường hợp của ông Võ Kim Cự. Việc xem xét đưa ra trường hợp của ông Võ Kim Cự như thế nào sẽ do Thường vụ Quốc hội quyết định.
Sáng 25/4, trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết vẫn chưa nhận thông tin ông Võ Kim Cự xin rút tư cách đại biểu Quốc hội.
“Có lẽ anh Võ Kim Cự mới chỉ gửi đơn lên Ban công tác Đại biểu Quốc hội”, ông Sơn dự đoán.
Ông Sơn cũng chỉ xác nhận đã đọc trên báo chí việc Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét tư cách đại biểu của ông Võ Kim Cự vào kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV.
Vị Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh cho biết đang đi tiếp xúc cử tri ở Hà Tĩnh. Theo lịch, ông Võ Kim Cự sẽ đi tiếp xúc cử tri cùng với ông Sơn tại Hà Tĩnh.
Trước đợt tiếp xúc cử tri lần này, ông Cự nói sẽ về nhưng sau đó lại gọi điện báo cáo không sắp xếp được công việc. Vì vậy, trong đợt tiếp xúc cử tri lần này, ông Cự không có mặt ở Hà Tĩnh.
Trả lời báo chí mới đây, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thời điểm xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, tháng 4/2016, cả nước cũng đang tiến hành chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV.
Ông Võ Kim Cự khi đó được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử với tư cách là đại diện của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Sau sự cố Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, ngay Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XIV, cũng đã có nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội cần xem xét tư cách ĐBQH của ông Võ Kim Cự.
Video: Ông Võ Kim Cự nói có trách nhiệm liên đới trong sai phạm của Formosa
Sau khi Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở để báo cáo Quốc hội xem xét tư cách ĐBQH khóa XIV đối với ông Võ Kim Cự.
"Khuyết điểm của ông Võ Kim Cự là nghiêm trọng, không còn đủ uy tín để làm ĐBQH nữa. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở để báo cáo Quốc hội xem xét tư cách ĐBQH khóa 14 đối với ông Võ Kim Cự", Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ.
Ông Phúc cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Quyết định cuối cùng sẽ do Quốc hội đưa ra tại kỳ họp thứ 3.
Ngày 21/4, Ban Bí thư thống nhất 100% bằng phiếu kín, quyết định thi hành kỷ luật cách chức Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Võ Kim Cự (bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh theo quy định).
Đồng thời, Ban Bí thư yêu cầu Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thi hành kỷ luật về hành chính tương ứng theo quy định.
Ban Bí thư kết luận, ông Võ Kim Cự, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân tỉnh giai đoạn 2008 - 2016 và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2010.
Ông Cự đã trực tiếp ký nhiều văn bản không đúng quy định trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư; giao và cho thuê mặt nước biển; đồng ý chủ trương cho Công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải không đúng quy định...; thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện Dự án. Những vi phạm, khuyết điểm trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Bình luận