Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội đã gửi VTC News bài viết liên quan đến gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang. Trong đó, ông đã nêu việc cần thiết phải xử lý tình trạng gian lận thi cử ở Việt Nam và các biện pháp cần thực hiện.
Nền giáo dục của chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề từ bạo lực học đường đến quấy rối tình dục học sinh, thêm gian lận thi cử nữa là quá nhiều. Không bảo vệ được nền giáo dục, chúng ta không bảo vệ được tương lai của chính mình.
Xử lý tình trạng gian lận ở các tỉnh nói trên để làm gì?
Thứ nhất, bảo vệ nền giáo dục của nước nhà. Nền giáo dục của chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề từ bạo lực học đường đến quấy rối tình dục học sinh, thêm gian lận thi cử nữa là quá nhiều. Không bảo vệ được nền giáo dục, chúng ta không bảo vệ được tương lai của chính mình.
Thứ hai, áp đặt các chuẩn mực cao hơn cho giáo dục. Hạ thấp các chuẩn mực trong giáo dục là hạ thấp ước vọng về tương lai. Vẫn biết chuẩn mực về sự trung thực đang bị hạ thấp ở nhiều nơi, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta buộc lòng phải hạ thấp nó cả trong giáo dục. Làm như thế là đánh mất hy vọng về tương lai.
Không bảo vệ được nền giáo dục, chúng ta không bảo vệ được tương lai của chính mình.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm VPQH
Thứ ba, bảo đảm công bằng xã hội. Các em học sinh học thật, thi thật đã bị sự gian lận trong thi cử tước mất cơ hội học tập, cho dù nhiều em có kết quả thi đạt đến 26-27 điểm. Hãy trả lại sự công bằng cho các em!
Thứ tư, hoàn thiện thêm quy trình thi cử và dạy học. Một kỳ thi quốc gia lại giao cho địa phương đảm nhiệm là hoàn toàn không ổn về mặt lý thuyết. Phân quyền cho địa phương chỉ có nghĩa khi chế độ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm trước dân đối với các quan chức địa phương được xác lập và vận hành trên thực tế.
Ngoài ra, tình trạng trúng tuyển nhờ gian lận nhưng lại vẫn cứ học tốt là rất đáng băn khoăn. Ở đây, hoặc là cách thức thi cử như hiện nay có vấn đề, hoặc là cách thức dạy học như hiện nay có vấn đề.
Xử lý như thế nào?
Xử lý như thế nào thì cứ phải theo pháp luật. Việc gian lận trong thi cử đã rõ thì phải khởi tố để điều tra. Nếu điều tra có đủ căn cứ để truy tố thì phải truy tố. Tòa án sẽ phán quyết về việc những người có liên quan có phạm tội hay không phạm tội và hình phạt là như thế nào.
Trước khi có phán quyết của tòa, những người có liên quan có thể bị coi là bị can, bị cáo, nhưng không thể bị coi là tội phạm.
Có nên công khai danh sách phụ huynh và học sinh được sửa điểm hay không?
Công khai danh sách phụ huynh và học sinh được sửa điểm là một chuyện. Công khai danh sách tội phạm trong gian lận thi cử là một chuyện khác. Chuyện thứ nhất nên áp dụng các quy phạm đạo đức để xử lý. Và nhiều người thấy là chưa nên công khai. Chuyện thứ hai thì nên công khai vì đó cũng là cách để bảo đảm tính răn đe của pháp luật.
Bình luận