Thời gian gần đây, mạng xã hội facebook đang xuất hiện trào lưu "nói là làm" với nhiều hành động dại dột, ngông cuồng của giới trẻ.
Những sự việc xảy ra gần đây như việc một nam thanh niên tẩm xăng tự đốt mình khi có đủ 40.000 like, tẩm xăng đốt trường khi có đủ 1.000 like của nữ sinh 13 tuổi ở Khánh Hòa khiến dư luận rất bức xúc.
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Trưởng Bộ môn Tâm lý học Ứng dụng, ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng bản chất trào lưu giới trẻ Việt Nam "nói là làm” là tốt. Nhưng một số bạn trẻ thích thể hiện đã biến tướng và tạo nên hậu quả xấu trong xã hội.
"Vì vậy, những lời nói hay hành động dại dột của các bạn trẻ mới chính là điều nên lên án", TS Hiếu bày tỏ.
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu lý giải lứa tuổi mới lớn dễ bị lôi kéo do hưng phấn thần kinh cao, chưa đủ kinh nghiệm sống và chưa đủ lập trường. Thế nên, các em rất dễ bị kích động khi bị đông đảo bạn bè hoặc những người xung quanh lôi kéo.
Mặt khác, mạng xã hội cũng là chất xúc tác, là con dao hai lưỡi dễ khiến những em chưa đủ chín chắn và trưởng thành gây nên những hành động dại dột trên.
"Các sự việc đau lòng nói trên xảy ra ngay trong trường học, gia đình nhưng không thấy phụ huynh, nhà trường nói gì. Chúng ta nên xem lại cách giáo dục. Không có trẻ hư mà chỉ có một nền giáo dục tồi", TS Hiếu bày tỏ.
“Sử dụng facebook để không lỗi nhịp với thế giới và còn là cách giúp cha mẹ dạy con biết tự bảo vệ mình, miễn nhiễm trước các trào lưu xấu. Cha mẹ phải là người thức tỉnh trước nhất, để không phó mặc con cái trên mạng khiến chúng dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy của trào lưu”, TS Hiếu chia sẻ thêm.
Ngoài ra, nhà trường cần quan tâm giáo dục văn hoá sử dụng facebook cho học sinh. Giáo dục như thế nào cho phù hợp với từng hoàn cảnh là điều cần được chú trọng.
Với các bạn trẻ, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đưa ra lời khuyên: “Giữa số like và trí tuệ thì trí tuệ mới chính là thứ giúp bạn nổi tiếng hoặc thành công thật sự và lâu dài. Thay vì bỏ thời gian và công sức để thu thập like thì hãy tích lũy kiến thức, hình thành kỹ năng để tạo ra thành quả. Còn mạo hiểm tính mạng, bạn có thể có số like cao nhất thời nhưng nếu gặp sự cố sẽ mất mạng, tổn thương hoặc để lại di chứng đến suốt đời. Điều đó có nghĩa là bạn tàn phá cơ thể, tàn phá công lao nuôi dưỡng của gia đình, tàn phá cả tương lai”.
TS Hiếu nói: "Không ai khuyến khích hành động đốt trường của bé gái Khánh Hòa, việc nhảy cầu Tân Hóa của chàng trai nick name N.T và rất nhiều hành động dại dột khác. Những hành động ấy đáng bị lên án.
Nhưng xét cho cùng tất cả họ thực chất chỉ là nạn nhân. Nạn nhân của sự thiếu giáo dục trong gia đình, nhà trường. Nạn nhân của những kẻ like vô trách nhiệm trên facebook. Chính những kẻ cuồng like mới là thủ phạm đẩy người khác vào chỗ chết".
Video: Thách đố trên Facebook, nữ sinh đốt trường
TS Hiếu mong muốn trào lưu Việt Nam nói là làm ấy thực hiện đúng việc như có đủ like sẽ học tiếng Anh, học thêm một kỹ năng, thể dục thể thao… thì mọi chuyện sẽ khác.
Ở nước ngoài, giáo dục rất khuyến khích việc “nói là làm”, vì đó không phải là trào lưu mà là một thói quen tốt.
Video: Khánh Hòa: Nữ sinh bị bỏng nặng do măng xăng đốt trường
Bình luận