Liên quan chỉ số GDP 6 tháng đầu năm của cả nước tăng ở mức cao nhất kể từ 2011 đến nay, sáng 29/6, trao đổi với PV VTC News, TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ) cho biết, ông không bất ngờ trước chỉ số này của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra.
“Tôi không bị bất ngờ trước chỉ số tăng GDP mà Tổng cục Thống kê công bố. Bởi, chỉ số GDP tăng là hoàn toàn có cơ sở. Ngay từ cuối Quý 1, khi tổng kết thì nhiều người dự báo là mức tăng trưởng Quý 2 và các quý tiếp theo có thể giảm do những lý do này kia, song ngay từ khi đó, tôi vẫn cho rằng, GDP của Quý 2 và của 6 tháng đầu năm 2018 nói chung sẽ vẫn tăng”, TS Nguyễn Đình Cung nói.
Về lý do khiến chỉ số GDP trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, đó là do chính sách cải cách mạnh mẽ và đồng bộ của Chính phủ.
“Có được chỉ số GDP tăng cao là nhờ những cải cách mạnh mẽ của Chính phủ. Trong 2 năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực cải cách, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong chính sách, thực hiện các giải pháp đồng bộ nên đã tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng và thuận lợi hơn”, TS Cung nhận xét.
Trước đó, sáng 29/6, tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước (Quý 1 tăng 7,45%, Quý 2 tăng 6,79%), là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây.
Cụ thể, trong mức tăng trưởng của toàn ngành kinh tế, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực nông nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9%. Khu vực dịch vụ tăng 6,9%, đóng góp 41,4%.
Đáng chú ý, khu vục nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 6 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2018. Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 3,28%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn nhiều mức tăng 7,01% và 5,42% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017, đóng góp 3,05 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây), đóng góp 2,63 điểm phần trăm.
Trong khi đó, công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,3%), giảm 0,1 điểm phần trăm, nhưng mức giảm đã thu hẹp đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Video: 15 thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng có điểm gì đặc biệt?
Mức tăng của khu vực dịch vụ là mức tăng trưởng cao nhất 7 năm gần đây. Bán buôn, bán lẻ tăng 8,21% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,86 điểm phần trăm).
Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,15% GDP. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,78%; khu vực dịch vụ chiếm 41,82%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,25%.
Xét về góc độ sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,13% so với cùng kỳ năm 2017; tích lũy tài sản tăng 7,06%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,72%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,83%.
Bình luận