• Zalo

TS Nguyễn Đình Cung: ‘Chính sách kinh tế của Việt Nam cứ tiến một bước lại lùi một bước’

Kinh tếThứ Bảy, 30/06/2018 07:24:00 +07:00Google News

“Hiện nay, chính sách của Việt Nam cứ tiến một bước lại lùi một bước, mà nói thẳng là chúng ta đi giật lùi, mà cứ giật lùi mãi thế này thì rất không ổn. Chúng ta cần phải thay đổi nhiều...", TS Nguyễn Đình Cung nhận định.

‘Phải cải cách ở mức mạnh hơn nữa’

Phát biểu tại Hội thảo “Quốc gia số: Các đòn bẩy chính sách cho đầu tư và tăng trưởng” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức tại Hà Nội, TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng CIEM, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Chính phủ kiêm Tổ trưởng Tổ thư ký Ban Chỉ đạo cơ cấu lại nền kinh tế) cho biết, Việt Nam có nhiều thế mạnh để xây dựng thành công một nền kinh tế số và trở thành một quốc gia số thực sự.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, Việt Nam cần phải có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa, phải khắc phục và sửa chữa được những bất cập đã và đang trở thành “điểm nghẽn” trong chính sách hiện nay.

TSNguyenDinhCung1

TS Nguyễn Đình Cung: “Phải cải cách ở mức phá hủy cái cũ đi thì mới phát triển được”.

“Hiện nay, chính sách của Việt Nam cứ tiến một bước lại lùi một bước, mà nói thẳng là chúng ta đi giật lùi, mà cứ giật lùi mãi thế này thì rất không ổn. Chúng ta cần phải thay đổi nhiều hơn vai trò cũng như cách thức quản lý của nhà nước, phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa để có một nền kinh tế thị trường đầy đủ, phải chuyển sang một nền kinh tế số thực sự”, TS Cung nói.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, cải cách ở đây phải thực sự mang tính đột phá, không thể nói chung chung, mà phải có sự nhảy vọt về tầm mức.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, để xây dựng nền kinh tế số thì cần chú ý đến các doanh nghiệp thương mại điện tử, các doanh nghiệp startup, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, hiện nay chính sách của nhà nước dành cho các doanh nghiệp này là chưa thực sự phù hợp.

“Bên cạnh khó khăn về chính sách chưa thực sự phù hợp, thiếu đồng bộ thì khó khăn mà các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại điện tử gặp phải chính là nguồn vốn nhân lực.

Các doanh nghiệp đang đối mặt với việc không thể tìm kiếm được nhân tài. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp dù có ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp nhưng đã phải bỏ môi trường đầu tư trong nước để ra nước ngoài đầu tư ”, ông Hưng nêu thực trạng.

Tuy nhiên, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF), nguyên Trưởng cơ quan đại diện Thương mại Việt Nam tại WTO (trụ sở tại Thụy Sĩ) lại cho rằng, ông không đồng ý với ý kiến mà ông Hưng nêu.

“Tôi cho rằng, các doanh nghiệp khi có ý tưởng thì cứ tự vươn ra bên ngoài. Nên có chính sách các doanh nghiệp startup vươn ra ngoài, bởi chỉ có môi trường bên ngoài thì mới đem lại cho họ những bài học kinh nghiệm và cơ hội để phát triển.

Kinh nghiệm của cá nhân tôi trong những năm công tác ở cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, để cho doanh nghiệp khởi nghiệp vươn ra bên ngoài là cần thiết, nhiều nước họ cũng đều làm như thế”, ông Đào Huy Giám nói.

Liên quan đến vấn đề trên, TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng nên tự tìm tòi để tìm hướng đi, và đến lượt mình, sẽ kiến nghị những chính sách, những giải pháp cho nhà nước để nhà nước điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp.

“Rất khó để có một chính sách đồng bộ, phải nói là để có một chính sách đồng bộ từ các bộ là không thể có ngay được. Nên chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp không thể ngồi chờ mà phải tìm tòi sáng tạo, từ đó phát hiện ra nhiều cái mới để kiến nghị nhiều hơn, thúc đẩy đổi mới cải cách nhiều hơn”, TS Cung nhận xét.

Việt Nam có đầy đủ cơ sở để phát triển thành một quốc gia số

Tại hội thảo, TS Konstantin Matthies, Chuyên gia Kinh tế vi mô, Giám đốc đối ngoại Công ty AnphaBeta cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có đẩy đủ cơ sở nền tảng để xây dựng một nền kinh tế số và trở thành một quốc gia số, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế thực sự.

“Cơ hội cho Việt Nam rất nhiều. Ví dụ như năm 2015, doanh thu nền kinh tế ứng dụng của Việt Nam ước tính đạt 500 triệu USD. Trong giai đoạn 2015 – 2020, doanh thu của Việt Nam có thể tăng thêm 5 tỷ USD đến từ sự tăng trưởng của thị trường Internet di động. Ngoài ra, các nhà lập trình Việt Nam có thể tận dụng được đến 1,4 triệu USD từ việc tận dụng nguồn mở...”, TS Konstantin Matthies nói.

Theo TS Konstantin Matthies, có 4 yếu tố để cấu thành sự thành công của quốc gia số, gồm có vốn tài chính, sản phẩm số, vốn con người và cộng đồng số.

TS Konstantin Matthies phân tích: Có rất nhiều việc mà một quốc gia có thể làm, tuy nhiên, mỗi nền kinh tế đều rất khác nhau, và dĩ nhiên không có một giải pháp chung. 

Để khuyến khích tài năng, điều quan trọng là Chính phủ phải chuyển đổi từ tư duy về nghề nghiệp trở thành tư duy kỹ năng. Báo cáo cho thấy, nếu một người được đào tạo cho một nghề nào đó, họ thực chất đã nắm được các kỹ năng cần thiết của trung bình 13 nghề nghiệp khác.

Thế nhưng, nếu chỉ nghĩ về nghề nghiệp hoặc ngành nhất định, hầu hết mọi người sẽ chỉ cân nhắc một phần trong số các việc đó. Bằng chứng từ Ấn Độ cho thấy, việc có các kỹ năng có thể giúp tăng thu nhập trung bình lên tới 300% áp dụng cho tất cả các ngành. Với những thành công to lớn mà Việt Nam đạt được trong giáo dục những năm vừa qua, việc phát triển tư duy về kỹ năng và thị trường lao động sẽ là bước tiếp theo cần phải làm.

Video: 15 thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng có điểm gì đặc biệt?

Về môi trường đầu tư, các nước có thể tận dụng các công ty đa quốc gia trong việc định hướng và chuyển giao công nghệ, hoặc kêu gọi họ trở thành “người đỡ đầu”. Các công ty này có năng lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân tài và doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và có thể gửi tín hiệu tới các nhà đầu tư rằng thị trường đã sẵn sàng cho giai đoạn phát triển số tiếp theo.

Về lĩnh vực thuế, sự thống nhất và minh bạch là các vấn đề cốt lõi và quan trọng hơn rất nhiều so với tỷ lệ thuế suất. Những thay đổi đột ngột về loại thuế hay thuế suất hoặc phân biệt đối xử với một số doanh nghiệp hoặc ngành nhất định sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư bởi nó mang lại sự khó đoán và những rủi ro cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí có thể khiến các doanh nghiệp trong nước phải thành lập công ty ở các quốc gia khác.

“Cuối cùng, điều quan trọng là Chính phủ cần hiểu được những tác động của các quy định thương mại đối với môi trường đầu tư và năng lực của các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ trong việc tận dụng các cơ hội thương mại mà nền kinh tế số mang lại.

Những quốc gia được các nhà đầu tư ưa thích nhất đều xây dựng hệ thống pháp luật theo hướng cố gắng giảm thiểu các rào cản đối với thương mại số”, TS Konstantin Matthies cho hay.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn