Chia sẻ với các bạn sinh viên, TS Lê Thẩm Dương cho rằng trong cuộc đời này có tất cả 5 người thầy.
Đó là người thầy trên bục giảng của trường học, thứ hai là chính mình, thứ ba là người thầy thần tượng, người thầy thứ tư là bạn bè, anh em và người thầy thứ năm là mạng internet.
Trong đó, người thầy trên bục giảng được xem như là một phần của nền giáo dục sẽ giúp bạn có được những kiến thức cơ bản về cuộc sống. Theo TS Lê Thẩm Dương, người thầy trên bục giảng vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao kiến thức bản thân.
Người thầy thứ hai mà TS Lê Thẩm Dương nhắc đến chính là chính mình. Bản thân mỗi con người muốn khá lên phải tự học hỏi, tìm kiếm, trải nghiệm để nâng cao kiến thức, khả năng. Đồng thời, bản thân cũng phải chấp nhận để từ đó rút kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại của bản thân.
Người thầy thứ ba theo TS Lê Thẩm Dương là thần tượng. Bởi thần tượng của mỗi người được xem là hình mẫu, là tấm gương để hướng đến, học tập và nâng cao kiến thức của mình.
“Thần tượng của tôi chính là Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, TS Lê Thẩm Dương chia sẻ.
Người thầy thứ tư là bạn bè bởi qua đó chúng ta có thể học hỏi, tìm hiểu và biết thêm được nhiều kiến thức hơn.
Cuối cùng, người thầy mà TS Lê Thẩm Dương cho rằng là số 1 và vĩ đại nhất đối với ông đó chính là mạng internet và sách.
“Internet được xem là kho dữ liệu lớn nhất nhưng cần phải biết cách khai thác sao cho hiệu quả. Bởi mặt trái của nó có thể giết chết chúng ta. Nhưng đây vẫn là ông thầy số 1. Còn đọc sách thì có thể hiểu là giúp chúng ta đang đứng trên vai của người khổng lồ”, TS Lê Thẩm Dương nói.
Tuy nhiên, cũng vì vậy mà TS Lê Thẩm Dương cảm thấy lo lắng trước thực trạng của Việt Nam.
Video: TS Lê Thẩm Dương nói "Không vượt sướng, các bạn sinh viên sẽ thua"
“Tôi buồn kinh khủng khi thống kê của thế giới cho thấy Việt Nam là một trong những nước mà đọc sách thuộc loại thấp nhất thế giới. Ở các nước khác người ta tranh thủ đọc sách ở mọi nơi mọi lúc, ở sân bay, tàu điện ngầm, hay thậm chí cả lúc đi tắm biển”, vị diễn giả chia sẻ.
Qua đó, TS Lê Thẩm Dương cũng hy vọng những người trẻ, các bạn sinh viên hãy đọc sách nhiều hơn.
Liên quan đến định hướng nghề nghiệp, TS Lê Thẩm Dương nhìn nhận học sinh Việt Nam đang chọn nghề theo những tiêu chí như nhiều người chọn, nghề nào nhiều tiền hay vì áp lực từ phụ huynh chứ không phải theo hứng thú và phù hợp.
Khi ra trường, khoảng 50% lại không sử dụng đến tấm bằng đại học về ngành mình đang học.
Như vậy, các bạn trẻ không chỉ lãng phí 4 năm đào tạo mà phí nhất là chi phí nguồn lực của tuổi trẻ. Nếu nhìn ở tầm quốc gia đó là những nguồn lực nhân sự.
“Không tìm được đam mê, không tìm được sở trường thì chỉ có thể chấp nhận thua cuộc”, TS Lê Thẩm Dương nói.
Do đó, theo ông, các bạn trẻ cần xác định rõ ràng những đặc điểm cá nhân, sở thích và đam mê, điểm mạnh, điểm yếu và cả nghề nghiệp mình muốn theo để làm cơ sở lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
Điều này được Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM chia sẻ với các bạn sinh viên tại tọa đàm hướng nghiệp “Khám phá tính cách và tối ưu hóa năng lực bản thân cùng Enneagram” do Báo sinh viên Việt Nam và Trung tâm Anh ngữ Langmaster tổ chức.
Video: Tiến sĩ Lê Thẩm Dương nói chuyện về phụ nữ
Bình luận