• Zalo

TS Đặng Hoàng Giang: ‘Bạn nói điều gì đó họ không ưa, họ sẽ trừng phạt bạn’

Giáo dụcThứ Tư, 13/07/2016 18:53:00 +07:00Google News

TS Đặng Hoàng Giang cho rằng khi cá nhân có một phát ngôn không “hợp tai” với cộng đồng thì người đó sẵn sàng bị trừng phạt trên mạng xã hội bằng những ngôn từ xấu xí nhất.

Trong thời đại công nghệ số, khi nhà nhà người người hiện nay đều có smartphone, bên cạnh cuộc sống thực tại, hầu như ai cũng có một cuộc sống khác: cuộc sống ảo trên mạng xã hội. Và tất nhiên, nơi nào có cuộc sống, có con người, nơi đó có “Thiện” và “Ác”.

Con người trong thế giới ảo có cách nhìn nhận về “Thiện”, “Ác” rất khác nhau và khác cả với chính họ trong cuộc sống thực. Mạng xã hội cho phép con người dễ dàng, thoải mái hơn trong việc thể hiện thái độ, cảm xúc trước một sự việc, hiện tượng, dễ dàng quy cho nó thuộc điều “Thiện” hay “Ác”.

dang hoang giang-1

TS Đặng Hoàng Giang chia sẻ chủ đề “Thiện”, “Ác” và Smartphone trong chương trình FE Talk 

Chia sẻ với các bạn sinh viên, TS Đặng Hoàng Giang cho biết:“Thiện”, “Ác” và Smartphone là những hiện tượng đương đại của mạng xã hội, và rộng hơn, của xã hội, khiến chúng ta phải suy nghĩ và mổ xẻ”.

“Sự phục sinh của hiện tượng làm nhục công cộng, sự trỗi dậy của những dân phòng trên mạng, những nghi lễ hạ nhục, vai trò của truyền thông trong một văn hoá làm nhục mua vui, sự tàn nhẫn tới từ cái thiện cuồng tín và cái tôi bị tổn thương”, ông Giang chia sẻ.

TS Giang cho rằng chúng ta đang chứng kiến sự phục sinh đáng kinh ngạc của việc làm nhục cộng đồng. Mặt khác, mạng xã hội hiện nay được coi là môi trường để lăng nhục lẫn nhau, trên phạm vi toàn cầu.

Video: "Thiện, Ác và Smartphone" qua góc nhìn của TS Đặng Hoàng Giang

Trong 3 năm gần đây, TS Đặng Hoàng Giang cũng đã nhiều lần bị “đẩy vào tâm bão bị làm nhục”.

Ông Giang cũng lấy ví dụ về việc 2 người Việt Nam trong chuyến du lịch ở nước ngoài đã ăn cắp 3 cặp kính giá vài nghìn USD. Sự việc này không quá nghiêm trọng nhưng đã bị “cộng đồng mạng”đẩy lên, lên án rất mạnh mẽ.

Câu chuyện là việc 2 bảo mẫu ở TP.HCM  đã bạo hành trẻ em, dọa nhét các em vào thùng nước cũng bị cộng đồng mạng lên án mạnh mẽ.

 “Họ bị đưa lên mạng và bị coi như cầm thú, ác thú. Báo chí đưa máy ảnh như những cái súng dí họ vào tường và như bắn họ”, ông Giang dẫn thêm ví dụ.

thien -ac

 Nhiều bạn trẻ đã đặt những câu hỏi thú vị cho các diễn giả

Ông Giang cho rằng,  xã hội càng hiện đại , việc làm nhục người khác nhân danh công lý càng tàn ác.

“Xã hội thế kỷ 19, làm nhục người khác bằng cách xăm chữ lên trên mặt, xăm 1, 6, 10 chữ tùy tội nặng hay nhẹ. Đi đâu người ta cũng thấy đây là người phạm tội. Bây giờ Google cũng làm những “vết thích” trên mặt, lưu lại rất lâu đến hàng chục năm. Mỗi lần search kết quả về họ đều hiện ra”, TS Đặng Hoàng Giang so sánh.

Clip: Những trường hợp đau xót bị làm nhục trên mạng xã hội

Vì vậy, không gian công cộng lớn nhất hiện nay là Internet, mạng xã hội. Nếu như ngày xưa người phạm tội chỉ phải đối mặt với khoảng trăm người thì nay nạn nhân phải đối mặt với hàng chục triệu con người trên mạng internet.

Với môi trường mạng xã hội ngày càng phát triển, ông Giang cho rằng trong tương lai, lực lượng kiểm duyệt văn hóa lớn nhất có thể là “dân phòng trên mạng”.

“Bạn nói điều gì đó họ không ưa, họ sẽ trừng phạt bạn trên mạng xã hội”, TS Giang phân tích.

Trên mạng Internet, tính trầm trọng của sự việc sẽ bị đẩy lên  rất lớn bởi phạm vi, quy mô, số lượng người tiếp cận thông tin rất lớn. Ngoài ra, thông tin về người đó còn lưu lại hàng chục năm sau trên internet.

dang hoang giang-2

TS Đặng Hoàng Giang đưa ra nhiều lý giải về việc "làm nhục người khác" trên mạng xã hội

Lý giải về việc “làm nhục trên mạng xã hội”, TS Đặng Hoàng Giang đã đưa ra nhiều kiến giải rất thú vị.

“Những người đó, họ nghĩ đang theo cái thiện nhưng thực ra là cuồng tin. Đó là cái ác mang tính lý tưởng, ác để phục vụ lý tưởng nào đấy, nó khác với cái ác mang tính phương tiện”, ông Giang phân tích.

Ngày nay cái tôi có thể bị tổn thương bởi bất cứ thứ gì. Bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra “thánh chiến”  trên mạng của các bà mẹ bỉm sữa.

“Nhiều người thích thú khi người khác bị làm nhục, bị khổ sở. Nhiều chương trình Truyền hình thực tế đang đi vào con đường như thế để câu view, sử dụng các pha khó đỡ, các câu nói sỉ nhục, làm trò cười…”, TS Giang phân tích.

Ông Giang cũng cho rằng nhiều trường hợp làm nhục người khác để giải khuây. “Câu chuyện cô bé bị người yêu cũ tung clip sex lên mạng khiến dân mạng bình luận vô cùng độc ác. Clip đó đã hơn 3 triệu lượt xem. Gia đình cô bé đã lên xin nhưng cộng đồng mạng vẫn bình luận ác ý. Sau đó cô bé uống thuốc diệt cỏ chết. Cộng đồn mạng sau đó lại quay lưng hạ nhục chàng trai đã quay clip”, TS Giang dẫn chứng.

dang hoang giang-3

TS Đặng Hoàng Giang

Trước những vấn đề nhức nhối trong xã hội, TS Giang cho rằng đã đến lúc chúng ta phải dừng văn hóa làm nhục, không tham gia cuộc chơi, cuộc đua làm nhục người khác.

“Phản đối hành vi làm nhục người khác bằng ngôn ngữ”, TS Giang đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Giang cho rằng cần tôn trọng quyền tự do biểu đạt của người khác, đặt mình vào vị trí của người khác để thông cảm với họ.

Ông Giang kể bản thân sau khi nhận được những chỉ trích vì những phát ngôn của mình về vấn đề từ thiện, ông đã bình tĩnh tìm hiểu họ chứ không chỉ đánh giá người khác qua những lời bình luận trên mạng.

Điều đó khiến ông Giang nhận ra ngoài những lời nói cay độc trên mạng xã hội, những người đó cũng có những trái tim rất nhân hậu, thường xuyên tham gia từ thiện, chăm lo cho gia đình.

“Tôi và những người đó gặp nhau thậm chí còn có thể ngồi với nhau uống mấy cốc bia”, TS Đặng Hoàng Giang hài hước chia sẻ.

Talkshow với TS.Đặng Hoàng Giang là sự kiện đầu tiên trong chuỗi FE Talk do ĐH FPT tổ chức. Dự kiến các sự kiện tiếp theo trong chuỗi FE Talk sẽ diễn ra 3 tuần/lần luân phiên tại Hà Nội và TP.HCM với diễn giả là những nhân vật có ảnh hưởng đến cộng đồng.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang (sinh năm 1962) có bằng ThS. Công nghệ Thông tin và TS. Kinh tế tại châu Âu, TS Đặng Hoàng Giang quay về Việt Nam sau 20 năm sống và làm việc tại Châu Âu.

Là nhân vật nổi bật với vai trò nhà nghiên cứu và phản biện xã hội, nhà báo, diễn giả với những bình luận sâu sắc về các vấn đề "nóng" của xã hội Việt Nam như từ thiện câu like, phẫu thuật thẩm mỹ, phát triển và môi trường…

Tác giả cuốn "Bức xúc không làm ta vô can" được bà Tôn Nữ Thị Ninh gọi là tác phẩm phê bình xã hội "kết hợp một cách sống động và hấp dẫn hơi thở cuộc sống với tia sáng của học thuật" và kêu gọi mọi người cùng đọc, bất kể tuổi tác, giới tính, ngành nghề.

Gần đây nhất, là nhân vật gây "bão" dư luận bởi những tranh luận sắc sảo trong chương trình "60 phút mở" trên VTV.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn