• Zalo

Truyền thông phương Tây: Nga-Mỹ chỉ có thể nhất trí với nhau rằng không thể đạt được sự đồng thuận

Thế giớiThứ Tư, 15/05/2019 18:50:00 +07:00Google News

Truyền thông phương Tây không nhìn ra được một điều gì cụ thể khi tổng kết chuyến thăm đầu tiên của ông Pompeo đến Nga trong vai trò Ngoại trưởng Mỹ.

Bất chấp một loạt tuyên bố của cả hai bên về “những bước đi tích cực” và “một cuộc đàm thoại thực chất”, giới truyền thông phương Tây vẫn không thể nhìn ra được một điều gì đó cụ thể khi tổng kết chuyến thăm đầu tiên của ông Mike Pompeo đến Nga trong vai trò là Ngoại trưởng Mỹ.

“Ông Pompeo đã đến gặp Tổng thống Putin để thiết lập lại mối quan hệ. Hai bên chỉ có thể nhất trí với nhau rằng không thể đạt được sự đồng thuận”, tờ The Washington Post viết.

Ấn phẩm này cho biết ông Trump đã nhiều lần tuyên bố về ý định cải thiện mối quan hệ với Matxcơva, nhưng ông không thể biến điều mình muốn thành hiện thực “bởi sóng gió trên chính trường nội bộ”.

1

 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TASS)

The Washington Post lưu ý rằng Nga cũng không quá thể hiện sự sẵn sàng cho việc tái lập mối quan hệ. Tổng thống Vladimir Putin chỉ đi đến cuộc gặp bàn về việc kiểm soát vũ khí sau khi ghé qua Akhtubinsk để kiểm tra các loại tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Bên cạnh đó, báo chí phương Tây cũng có những đánh giá không mấy lạc quan hơn về cuộc gặp của Ngoại trưởng Mike Pompeo với người đồng cấp Sergei Lavrov.

Theo tờ Politico, hai nhà ngoại giao đã vấp phải những căng thẳng trong chủ đề can thiệp vào bầu cử. Politico chỉ ra rằng người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga đã cắt ngang một câu hỏi về chủ đề này do ông Pompeo đặt ra, đồng thời đưa ra một “đoạn độc thoại” kéo dài 6 phút, trong đó cáo buộc Mỹ có liên quan đến phần lớn các vụ tấn công nhằm vào các nhà cung cấp dịch vụ internet của Nga.

Politico cũng chú ý đến tình tiết Tổng thống Vladimir Putin gọi cuộc điều tra của ông Muller “về tổng thể là khách quan”. Politico nhắc lại rằng mặc dù vị Công tố viên đặc biệt không thể chứng minh được sự thông đồng của ông Trump với Matxcơva, nhưng bản báo cáo cũng có nhắc đến một chiến dịch can thiệp “có quy mô và mang tính hệ thống” từ phía Matxcơva.

Trong khi đó, trong bài phân tích “Ông Trump nghĩ cách qua mặt Putin” trên tờ The Atlantic, tác giả cho rằng trong bối cảnh có những phát ngôn cứng rắn của đội ngũ cố vấn, người đứng đầu Nhà Trắng lại tỏ ra mình khác biệt giữa chính quyền đó.

The Atlantic tin rằng ông Trump đang hy vọng có thể sử dụng chiến lược “cảnh sát tốt, cảnh sát xấu”: để cho các ông Bolton và Pompeo đưa ra những tuyên bố cứng rắn – đã, đang và sẽ như thế, còn ông Trump sẽ đảm bảo rằng mối quan hệ ở cấp cao nhất vẫn là rất thân thiện.

Tuy nhiên, theo ý kiến của The Atlantic, cách tiếp cận vấn đề của Tổng thống Mỹ có nguy cơ “vận hành như một chiếc boomerang”: các đồng minh của Mỹ sẽ không biết phải nghe theo ai, còn ông Putin - “chắc chắn không phải người chơi ngây thơ trên trường thế giới”, sẽ có thể lợi dụng ông Trump để giành được những thuận lợi về cho Matxcơva.

Tường Nguyễn
Bình luận
vtcnews.vn