• Zalo

Truyền thông không đầy đủ, thiếu chính xác, chính sách sẽ bị 'bóp méo'

Chính trịThứ Năm, 24/11/2022 18:41:56 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ, khi truyền thông không đầy đủ, không đi trước, thiếu chính xác sẽ dẫn đến chính sách bị "bóp méo", xuyên tạc.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực" chiều 24/11, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh, khi chủ trương của Đảng đã có thì phải cụ thể hoá qua các chính sách, pháp luật của Nhà nước và hoạt động của chính quyền các cấp.

Bởi vậy, truyền thông chính sách được nhìn nhận là một phần nội dung quan trọng trong hoạt động của Chính phủ, nhằm đưa thông tin về chính sách đến người thực hiện và người dân - đối tượng thụ hưởng chính sách cũng chịu sự tác động của chính sách.

Truyền thông không đầy đủ, thiếu chính xác, chính sách sẽ bị 'bóp méo' - 1

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ.

Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện truyền thông chính sách vừa là cắt nghĩa, giải thích chính sách với nội dung được chi tiết hóa, gắn với ví dụ điển hình tạo sự hiểu biết, có sức hấp dẫn, thuyết phục, trước hết là tạo sự đồng thuận với chính sách mới của Chính phủ, chính quyền các cấp, từ đó tạo ra sự lôi cuốn trong thực hiện những chính sách đó.

Ông Đỗ Tiến Sỹ nhận định, khi công tác truyền thông chính sách không đầy đủ, không đi trước, thiếu chính xác sẽ dẫn đến chính sách bị "bóp méo", xuyên tạc, hiểu sai…, khiến sự đồng thuận của Nhân dân, nỗ lực của Chính phủ sẽ không được như kỳ vọng.

Nhận thức như vậy, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát huy vai trò của mình và tổ chức truyền thông chính sách ở 3 điểm chủ yếu.

Với đặc điểm là cơ quan báo chí chủ lực đa loại hình, Đài Tiếng nói Việt Nam xác định đối tượng chịu sự tác động của chính sách. Ví dụ, chính sách đối với đồng bào dân tộc phải đẩy mạnh trên VOV4, phát thanh bao phủ diện rộng với đồng bào dân tộc, với các đồng chí thuộc lực lượng công an, quân đội đang ở nơi biên cương, hải đảo.

Thứ hai, truyền thông chính sách phải có thông điệp, từ đó phân bố tin, bài, hình ảnh, giờ phát tin, giờ phát sóng…

Thứ ba, phải chủ động nắm bắt thông tin từ lúc chính sách đang hình thành, có sự phản biện trong quá trình hình thành chính sách để khi chính sách ra đời không bị động…

Trong thời đại số, với nhiều phương tiện hiện đại, theo ông Đỗ Tiến Sỹ, Đài Tiếng nói Việt Nam đang nâng cao nguồn lực về con người, chất lượng cán bộ tiếp tục được bồi dưỡng để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Cũng tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang nêu rõ, thời gian qua, nhất là những năm gần đây, các cơ quan báo chí ngày càng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng mọi mặt kinh tế, đời sống, xã hội. Đa phần doanh nghiệp đều cắt giảm ngân sách dành cho quảng cáo trên truyền hình, cũng như báo chí.

Truyền thông không đầy đủ, thiếu chính xác, chính sách sẽ bị 'bóp méo' - 2

Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang.

Đồng thời, thói quen của khán giả cũng đang thay đổi rất nhanh, dành nhiều thời gian cho các nền tảng số để giải trí và cập nhật tin tức. Điều này càng đẩy mạnh việc dịch chuyển ngân sách quảng cáo từ báo chí truyền thống sang quảng cáo trên nền tảng số, khiến nguồn thu của các cơ quan báo chí giảm mạnh.

Để truyền thông chính sách, cần có nguồn lực về nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính... Trong đó, nguồn lực về tài chính là điều kiện đảm bảo quan trọng để thực hiện truyền thông có hiệu quả. Thực tế đòi hỏi để việc truyền thông chính sách thực sự hiệu quả, chất lượng thì phải có nguồn lực từ các bộ, ngành, địa phương thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí.

Theo ông Lê Ngọc Quang, nhằm tận dụng tối đa sức mạnh của báo chí, đưa báo chí thành kênh thông tin chủ lực, nòng cốt thực hiện truyền thông chính sách, pháp luật đến với xã hội, người dân, thì Chính phủ, Bộ, ngành, các cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu cơ chế cụ thể để cơ quan báo chí phối hợp cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách pháp luật tham gia thực hiện truyền thông chính sách.

Anh Văn
Bình luận