Trong trẻo, yên bình và đầy chất thơ là những gì người xem cảm nhận Truyện ngắn - bộ phim từ sản phẩm âm nhạc của Hà Anh Tuấn, do Cao Trung Hiếu làm đạo diễn. Không ít người cho rằng, phải là một tâm hồn duy mỹ mới có thể tạo ra những khuôn hình tròn trịa, vừa vặn đến vậy.
Cách pha màu ấm áp trong từng khuôn hình với mình đó là cách lựa chọn thông minh. Nó làm cho người xem cảm giác gần gũi, thân thuộc. Cách chọn bối cảnh ở Hội An cũng là cái cớ có chủ ý để ý tứ của phim trôi nhẹ nhàng xuyên suốt mạch phim.
Hội An luôn yên bình dù bao biến thiên. Như nỗi thương niềm nhớ luôn chất chứa trong lòng của Phát khi lạc tay An từ thuở chấp chới rung động đầu đời. Và tới tận sau này, sau ngần ấy năm gặp lại, tình cảm đó vẫn âm ỉ không chút biến thiên dù cuộc đời đã vẽ 2 thân phận trôi về 2 phía khác nhau.
Tôi yêu sự lỡ làng mà Truyện ngắn gửi gắm. Phải chăng trong mỗi chúng ta đều đã từng lỡ làng ít nhất một điều gì đó trong đời. Sự lỡ làng đó làm mình nhớ tới câu:
"Mối tình đầu như đi trên cát.
Bước nhẹ mà sâu."
Những kỉ niệm mà cả 2 đã có với nhau, không ai có thể gạt bỏ được. Phát vẫn nuôi ước vọng và niềm tin ngày gặp lại An. Và dù cuộc đời An đã không còn là một An trong trẻo thuở xưa, đã có nhiều vết hằn in dấu, những khổ đau dù không quá lớn lao nhưng với thân phận một người con gái, tất cả cũng đều lỡ làng. Lỡ làng là một tính từ mà tự thân nó đủ sức vẽ ra nhiều xúc cảm.
Có một đoạn khi An nhớ về Phát, khi cả 2 cùng đắm mình trong dòng nước, cả 2 để nước mặc nhiên trôi trong nhau giữa những cánh hoa vàng cũng trôi tĩnh lặng. Khoảnh khắc đó được gợi nhớ khi An một mình đắm mình giữa bồn tắm trong căn phòng đơn độc của chính mình.
Lắng nghe lời của Phát đã từng nói: "Nước luôn bao dung", luôn ôm ấp chở che ta dù có ra sao đi chăng nữa. Ý niệm phân đoạn này thực sự hay và ý nghĩa. Không ai ngoài chính mình có thể tự chữa lành vết thương cho chính mình ngoài chính bản thân mình.
Hình ảnh ánh trăng xuất hiện xuyên suốt bộ phim cũng là một hình ảnh duy mỹ đầy ý niệm. Ánh trăng luôn đem đến sự thanh thản và yên bình. Như cuộc đời của An.
Thuở nhỏ, Phát muốn đưa An tới nơi bình an nhất trên của cuộc đời. Đó là hình vẽ ánh trăng trên cửa kính xe hơi. Và tới tận cùng sau này, Phát vẫn luôn thầm đếm từng lần trăng tròn trôi qua đỉnh đầu, nơi bình yên nhất mà sâu thẳm trong lòng Phát cả 2 sẽ thuộc về.
Một vài giai điệu vu vơ lúc nhỏ khi không đủ từ ngữ để Phát viết về An thì tới sau cuối, khi mọi thứ đã được định mệnh sắp đặt, mình vẫn cảm giác bài hát đó vẫn chưa đủ lời lẽ khoả lấp nỗi lòng thiết tha mà Phát dành cho An. Cho ánh trăng an yên của 2 người.
Bên cạnh đó cốt truyện và những khung hình nên thơ, dàn cast đẹp cả về ngoại hình lẫn diễn xuất cũng là một điểm cộng lớn của phim. Những Liên Bỉnh Phát, Phương Anh Đào, Võ Điền Gia Huy, Thanh Mỹ dù chưa có màn trình diễn thật sự ấn tượng, nhưng những gì họ thể hiện cũng thật sự trọn vẹn với tinh thần của nhân vật.
Liên Bỉnh Phát trong phim đầy nội tâm. Không cần lên gân, chỉ cần một câu nói, một hành động hay một ánh mắt, là đủ. Lúc nhỏ An luôn là người sẻ chia an ủi Phát. Khi lớn lên rồi, Phát lại là người che chở cho An. Nhưng bàn tay của Phát không đủ sức để chắn trước những sóng gió của cuộc đời đã xô đẩy An không còn bình lặng.
Cảnh Phát gục dưới chân Phương Anh Đào siết chặt người con gái mình thương suốt bao năm tháng giữa chạng vạng ngoài biển, đằng sau là cây đàn cháy vỡ vụn, trên cao trăng vẫn thắp sáng gây ấn tượng thị giác và cảm xúc dạt dào.
Võ Điền Gia Huy trong Truyện ngắn có đất diễn nhiều hơn để cho khán giả thấy không phải chỉ là một Ian trẻ con của “Thưa mẹ con đi”, mà đây là một Phát trẻ con nhưng không thơ dại, chất chứa nhiều nỗi lòng khi có một sợi dây tình cảm đầu đời đang cháy thì bị dập tắt bởi những ngã rẽ không đoán định của cuộc đời.
Truyện ngắn khép lại - trọn vẹn những cung bậc cảm xúc, và trọn vẹn cả vẻ đẹp của một tình yêu kéo dài cả đời người.
Bình luận