• Zalo

Truyền hình trả tiền: Lão làng 'sợ' tân binh

Kinh tếThứ Tư, 11/09/2013 07:50:00 +07:00Google News

(VTC News)-Sự xuất hiện của các tên tuổi mới như Viettel, FPT... đang đe dọa trực tiếp tới các thương hiệu hiện đang độc chiếm thị trường truyền hình trả tiền.

(VTC News) - Sự xuất hiện của các tên tuổi mới Viettel, FPT... đang đe dọa trực tiếp tới những ông lớn đang độc chiếm thị trường truyền hình trả tiền như SCTV và VCTV.

Thị trường sắp được chia lại

Theo số liệu của Cục Quản lý cạnh trạnh, Bộ Công Thương về lĩnh vực Truyền hình trả tiền, tính tới hết năm 2012, dẫn đầu thị trường là SCTV với 40% thị phần, kế đó là VCTV với 30% và HTVC là 15%.

Hai đơn vị dẫn đầu là SCTV và VCTV (hiện nay là VTVCab) có tốc độ tăng trưởng thuê bao khá cao, từ 8% đến hơn 10% mỗi năm.

Tính đến hết năm 2012, Truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã có khoảng 6 triệu thuê bao đang hoạt động thường xuyên, với tổng doanh thu năm 2011 là 2 tỷ USD và 2012 là 2.5 tỷ USD.

Đây được đánh giá là thị trường rất tiềm năng với tốc độ tăng trưởng từ 20-25% trong giai đoạn 2011-2015.

THTT
Truyền hình trả tiền có doanh thu vào năm 2012 là 2.5 tỷ USD 
Mặc dù hiện nay, thị trường Truyền hình trả tiền có đến gần 50 nhà cung cấp và con số này có thể tăng hơn nữa, song thị phần vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp của Nhà nước và trực thuộc các đài truyền hình lớn của Trung ương.

Mức chênh lệch thị phần giữa doanh nghiệp dẫn đầu và những doanh nghiệp đứng kế tiếp đã có sự gia tăng đáng kể.

Nếu năm 2011 các doanh nghiệp khác chiếm 25% thị phần thì con số này chỉ còn 11% vào năm 2012.

Bước sang năm 2013, với sự gia nhập lĩnh vực Truyền hình trả tiền của các tên tuổi như VNPT, Viettel và FPT hứa hẹn thị trường này sẽ ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn nữa. Đây đều là những doanh nghiệp có nền tảng kỹ thuật tốt, cũng như khả năng tài chính dồi dào cùng kinh nghiệm kinh doanh đa dạng.

Vì lẽ đó nên trong quá khứ, 5 lần 7 lượt, Hiệp hội Truyền hình trả tiền được dẫn đầu bởi VCTV và SCTV liên tục "vận động" nhằm cấm cửa các doanh nghiệp trên tham gia thị trường Truyền hình trả tiền.

Lý do, với sự góp mặt của các đơn vị mới, chắc chắn "miếng bánh" Truyền hình trả tiền sẽ phải chia lại và khách hàng của các tên tuổi "lão làng" sẽ bị giảm sút đáng kể.

Lãi ít, cạnh tranh nhiều

Mặc dù được đánh giá là thị trường tỷ USD nhưng tình trạng kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này không phải toàn màu hồng.

Ông Vũ Văn Hiến, nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này hiện đều không có lãi hoặc lãi rất ít.

Người từng đứng đầu VTV, trong đó có VTVCab hiện đang tham gia Truyền hình trả tiền chia sẻ, các doanh nghiệp truyền hình cáp hiện đều trong tình trạng có lợi nhuận rất thấp, tuy nhiên việc có lãi mới chỉ vào khoảng 1-2 năm gần đây.

"Trước đó toàn lỗ hoặc cùng lắm là hòa vốn", ông Hiến cũng tiết lộ, trong thời gian ông còn đương chức, VTVCab nếu tính đúng ra thì kinh doanh không có lãi.
THTT
Các tên tuổi mới sẽ khiến thị trường Truyền hình trả tiền sẽ được chia lại thị phần 
Không chỉ "đau đầu" trong khoản doanh thu, đến tháng 6/2013, lần lượt Viettel, FPT và cả VNPT lần lượt được cấp phép tham gia lĩnh vực Truyền hình trả tiền. Bởi vậy, các tên tuổi mới sẽ tiếp cận thị trường theo cách nào đang là nỗi lo kế tiếp và lớn nhất của các doanh nghiệp cũ, trong đó việc phá giá thị trường đã trở thành mối nguy tiềm ẩn.

Theo ông Hiến, việc xuất hiện những gói cước dưới giá thành và bù chéo trong kinh doanh là hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới.

"Đưa ra những gói cước dưới giá thành, nếu có thì sẽ là điều nguy hiểm nhất và đây cũng là nỗi lo có thật của các nhà cung cấp Truyền hình trả tiền hiện nay", ông Hiến khẳng định.

Chia sẻ về nhận định trên, bà Trần Phương Lan, Trưởng Ban giám sát và Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, việc các doanh nghiệp ganh đua về giá cước sẽ giúp thị trường phát triển cũng như người dùng được hưởng lợi nhiều hơn.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý sẽ có sự giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Theo đánh giá, hiện Viettel là đơn vị có khả năng làm thay đổi toàn bộ cục diện của Truyền hình trả tiền, điều mà họ từng làm được ở thị trường Viễn thông.

Có doanh thu khủng từ viễn thông, nhà mạng quân đội hoàn toàn có khả năng bù chéo lỗ cho lĩnh vực truyền hình.

Điều này sẽ kéo theo các gói cước có mức giá cực thấp, đủ sức qua mặt tất cả các đơn vị kinh doanh trong cùng lĩnh vực.

Chính vì lẽ đó, có lẽ Viettel sẽ là cái tên đang bị dè chừng nhất đối với các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm lâu năm trong thị trường Truyền hình trả tiền.

Hà Thanh

Bình luận
vtcnews.vn