Truyền hình ta - Truyền hình tây
Có một sự đối lập rất rõ giữa thị trường truyền hình cho thiếu nhi thế giới và Việt Nam. Tại các nước phát triển trên thế giới, truyền hình cho thiếu nhi chiếm một tỉ trọng rất lớn. Tại Mỹ, 3 kênh Truyền hình có lượng người xem lớn nhất đều là 3 kênh truyền hình cho trẻ em. Ngay ở trong khu vực Thái Bình Dương, trên bảng xếp hạng, đứng số 1 trong top kênh được nhiều người xem nhất là Cartoon Network, đứng thứ tư là Disney Channel, thứ sáu là Nick. Mặc dù là những kênh trả tiền xong tất cả những kênh này đều có lượng khán giả lớn gấp rưỡi những kênh của người lớn tưởng như ăn khách nhất.
Trong khi đó, ở Việt Nam chúng ta, trong liên hoan truyền hình lần thứ 30 vừa rồi, theo thống kê ở các tỉnh thì lượng chương trình thiếu nhi chỉ chiếm khoảng từ 1 đến 2 % trong tổng số các chương trình truyền hình. Rõ ràng ở Việt Nam có rất nhiều các cơ quan, các hội liên quan đến thiếu nhi nhưng các sản phẩm cho trẻ em như văn học, truyền hình thì lại rất thiếu.
Hiện nay trên cả nước có 4 kênh truyền hình chuyên biệt cho trẻ em, trong đó, Bibi, và VTC11 (Kids TV) ở miền Bắc. Sao TV, HTV3 trong Nam. Được biết, bản chất các kênh truyền hình này phục vụ các đối tượng sử dụng thuê bao đặc thù. Chẳng hạn như gia đình nào lắp cáp trẻ em sẽ được xem kênh Bibi, nhà nào sử dụng đầu thu KTS của VTC sẽ được phục vụ bởi kênh KidsTV. Cho nên khán giả thường ít có điều kiện xem cùng một lúc hai kênh để có sự so sánh. Thông thường trẻ em sẽ bị lệ thuộc vào quyết định của bố mẹ trong việc lựa chọn thuê bao để được xem chương trình nào. Việc này rất khác với nước ngoài. Ví dụ ở Mỹ 47% chi tiêu trong gia đình được quyết định bởi trẻ em trong đó 60% quyết định trực tiếp 40% là gián tiếp. Việc đó cũng giống như cha mẹ quyết định cả nhà sẽ đi nghỉ còn việc nghỉ ở đâu sẽ do con cái quyết định vậy.
Chính vì vậy, để giữ khán giả của chính mình, mỗi một kênh truyền hình đều có thế mạnh và chiến lược phát triển khác nhau. Chẳng hạn như kênh Bibi khai thác hoạt hình là chính, ngoài ra có một số chương trình sản xuất nhưng số lượng ít, ưu tiên phục vụ đối tượng mẫu giáo và đầu lớp 1. Kids TV có thế mạnh lớn nhất là các chương trình khoa giáo, các gameshow tương tác.
Hiện nay, KidsTV là kênh duy nhất phát triển theo hướng truyền thông hội tụ, nặng hơn về phần tương tác trên truyền hình do có thế mạnh là một Tổng công ty về Công nghệ. Khác với các kênh truyền hình truyền thống khác, Kids TV cho phép các em có thể trực tiếp tương tác về mặt nội dung khi chương trình đang trên sóng. Nên cũng có thể nói, Kids TV có một sân chơi sôi động cho các khán giả nhí khi xem kênh này.
Bài toán: Chi phí lớn, rủi ro cao
Mặc dầu có phim hoạt hình, có các chương trình khoa giáo, gameshow giải trí đa dạng nhưng truyền hình ở Việt Nam vẫn bị coi là đơn điệu, nghèo nàn, và mờ nhạt. Tại sao vậy?
Bà Lê Phương Liên một nhà văn thiếu nhi chia sẻ: “Nhà tôi có cháu nội nên ở nhà kênh được xem nhiều nhất chủ yếu là kênh thiếu nhi. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi thì hiện nay các phim hoạt hình chiếu trên các kênh này cũ quá, ít phim hấp dẫn và thường xuyên lặp đi lặp lại. Các chương trình khoa giáo như kể truyện cho các em nghe, học vẽ, học giao thông... thì càng không hấp dẫn. Nó làm cho người xem có cảm giác ít được đầu tư”.
Ông Lâm Thanh, Tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Viễn thông và dịch vụ truyền hình VTC, Giám đốc kênh Kids TV thì nhận định: “Truyền hình cho thiếu nhi hiện nay hấp dẫn thì có nhưng chưa đủ và chưa như chúng ta mong đợi”. Lý giải về việc tại sao nhìn chung hiện nay các chương trình thiếu nhi chưa hấp dẫn, ông Thanh cho rằng, làm truyền hình cho thiếu nhi thực tế tốn kém hơn nhiều so với làm phim cho người lớn. Chưa kể, nếu làm những bộ phim truyền hình dài tập, việc tuyển diễn viên nhí gặp nhiều khó khăn. Bản thân các em cũng không thể bỏ học đi đóng phim mà chỉ có thể “tranh thủ” vào mùa hè nên không thể làm liên tục. Hơn nữa, trẻ em lớn rất nhanh, chỉ vài tháng chúng đã thay đổi nên làm những bộ phim dài cũng rất khó. Chính vì vậy, các sản phẩm làm cho thiếu nhi hầu hết vẫn là phim hoạt hình. Nhưng để xây dựng một bộ phim hoạt hình thì chi phí lớn, khó thành công và rủi ro hơn nhiều so với làm phim cho người lớn.
Ông Thanh lấy ví dụ, để làm một tập phim hoạt hình cho thiếu nhi chi phí sẽ đắt gấp 5, 10 lần phim cho người lớn. Ở Nhật hay Hàn Quốc, một bộ phim hoạt hình tiêu tốn khoảng 50 ngàn USD một tập phim. Ở Trung Quốc là khoảng 20 ngàn USD. Với chi phí này, có lẽ là rào cản không nhỏ đối với những người tâm huyết (vốn dĩ không nhiều) với trẻ em ở Việt Nam hiện nay.
Nói về thực trạng phim hoạt hình Việt Nam là quay lại nói chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Không thể nói khán giả ơ hờ với phim hoạt hình của Việt Nam khi bao lâu nay, họ vẫn “nghe ngóng” những bộ phim hấp dẫn của Việt Nam. Bất cứ một bộ phim hoạt hình nào của Việt Nam cho dù do các em sinh viên làm phục vụ cho mục đích học tập chia sẻ trong một cộng đồng nhỏ trên internet cũng khiến công chúng quan tâm, gửi cho nhau xem.
Nhưng hiện nay, với những kịch bản phim cũ, hình vẽ không mấy ngộ nghĩnh, chuyển động của nhân vật không sinh động, lời thoại giáo điều... thì không thể “bắt” các em phải xem và yêu thích bởi như nhà văn Phương Liên nói: “trẻ em không xem truyền hình vì bất cứ áp lực nào. Không hay, không hấp dẫn thì nó sẽ tắt đi. Đơn giản vậy thôi”. Vì vậy, muốn thu hút các em xem thì chỉ còn cách phim phải phải hay hơn, hấp dẫn hơn và quan trọng nhất hợp với các em hơn.
Để làm được điều này, các nhà sản xuất lại phải quay lại với bài toán đầu tư đã nói ở trên vốn tốn kém mà lại nhiều rủi ro. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số kênh truyền hình trong đó có Kids TV đã có những sự chủ động hợp tác, kết hợp với những đơn vị, những người cùng làm công tác thiếu nhi. Chẳng hạn như báo Nhi đồng, NXB Kim Đồng, Hội Đoàn đội Trung ương, bộ giáo dục Đào tạo, các hãng điện tử lớn như Intel, Samsung... Bà Phương Liên cũng đồng ý với quan điểm hợp tác này khi phát biểu: “Trên thế giới, mỗi tác phẩm truyền hình làm cho thiếu nhi thường có cả nhà văn viết cho thiếu nhi, các nhà đạo diễn truyền hình, các họa sĩ... Họ là đôi ngũ tập hợp những người “chung một nghề”. Ở nước ta cũng nên có những cuộc trao đổi gặp gỡ như vậy. Các nhà văn, họa sĩ, đạo diễn, các nhà làm kịch bản nên có sự trao đổi thường xuyên về chuyên môn. Như thế, sẽ nâng cao được chất lượng cho công việc có cùng mục đích cao nhất là bồi dưỡng nhân cách, nhân văn cho thiếu nhi”. Với sự kết hợp này, có thể Kids TV chưa ngay lập tức tạo ra được những sản phẩm hấp dẫn ngay từ đầu nhưng trước mắt, họ sẽ mang đến cho khán giả những tác phẩm chất lượng trong tầm tay.
“Bài ngoại” là không đúng
Tuy nhiên với mức độ “lấn át” của truyền hình ngoại như hiện nay không khỏi khiến cho người ta phải suy nghĩ. Bản thân Kids TV cũng thừa nhận, khó khăn lớn của họ hiện nay vẫn là phần nội dung nước ngoài lớn, chiếm tới 50, 60% tổng số mũ chương trình. Số mũ chương trình của Việt Nam sản xuất tổng cộng là 17 trong đó chỉ có 7 mũ là hoàn toàn do tự sản xuất và chủ yếu là chương trình khoa giáo, giải trí tương tác trực tiếp.
Khác với một số nước phương Tây, các kênh truyền hình thiếu nhi ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam do đặc thù văn hóa thường quan tâm đến các chương trình giáo dục cho trẻ em. Tuy nhiên, để giữ khách thì khung giờ vàng vẫn được ưu tiên phát sóng những chương trình hấp dẫn nhất mà chủ yếu là các Game show hoặc bộ phim hoạt hình được trẻ em yêu thích.
Riêng với Kids TV, ông Lâm Thanh bày tỏ quan điểm: “tôi cho rằng có những chương trình chẳng hạn chương trình khoa học thiếu nhi không có gì bảo đảm rằng nếu tự làm chúng ta có thể làm hay và chính xác bằng những tác phẩm đã có và được thời gian kiểm chứng. Vậy có cần thiết phải sản xuất lại không? Hiện nay, chúng tôi tập trung vào các chương trình tương tác, đang chiếm khoảng 30% tổng nội dung. Đó là thế mạnh của chúng tôi và do chúng tôi trực tiếp làm”.
Bàn về lo ngại thị trường Việt Nam đang bị xâm lấn bởi truyền hình ngoại, ông Thanh cũng chia sẻ: “Nội dung nước ngoài cũng tốt chứ sao. Chúng ta không thể bài ngoại khi mà các tác phẩm trong nước hiện nay chưa đáp ứng được mong đợi của khán giả. Vì vậy, nếu có điều kiện thì cứ phim hay chúng ta sẽ mang về phục vụ các em. Chúng ta vẫn sẽ nuôi trẻ em Việt Nam trở thành đúng là trẻ em Việt Nam chứ không phải thành trẻ em nước ngoài được. Đó là trách nhiệm của chúng ta. Nhưng tôi không đồng ý với suy nghĩ chỉ xem truyền hình trong nước mà chê bai nước ngoài là không đúng. Đừng nói Andecxen, truyện cổ Grim là truyền hình ngoại bởi nó là tri thức nhân loại rồi, mà đã là tri thức nhân loại thì không có biên giới, trẻ em ở đâu cũng xem được”.
Với quan điểm đó, mục tiêu mũi nhọn của Kids TV trong thời gian tới sẽ là mua bản quyền các phim hoạt hình kinh điển thế giới, đồng thời tiếp tục phát triển các chương trình khoa giáo, tương tác theo thế mạnh. Ngoài ra, trong tương lai, Kids TV sẽ dành khoảng thời gian phát sóng sau 9h tối cho đối tượng khán giả là phụ huynh học sinh để chia sẻ những kinh nghiệm về nuôi dạy con.
Rõ ràng hạn chế sự “xâm lấn” của truyền hình ngoại vào Việt Nam để “ưu tiên” hàng nội là khó khi mà truyền hình thiếu nhi trong nước không có sự bứt phá nào. Khán giả Việt Nam vẫn luôn chờ đợi được xem các phim do Việt Nam sản xuất không phải bởi họ quá thừa thãi truyền hình nước ngoài mà bởi vì đã quá lâu rồi không chỉ khán giả nhí, mà người Việt Nam nào cũng chờ đợi món ăn tinh thần Việt Nam thật đúng nghĩa và chất lượng. Chờ thì vẫn cứ phải chờ vậy thôi!
H.T
Bình luận