Liên quan đến việc truyền 5 lít bia vào cơ thể người đàn ông ngộ độc rượu, chiều 10/1 trả lời PV VTC News bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị bị ngộ độc metanol.
"Mọi người đang hiểu nhầm từ "truyền bia" vào cơ thể bệnh nhân, trên thực tế các bác sĩ đưa bia vào dạ dày người bệnh theo đường tiêu hoá bằng ống y tế. Cách điều trị này theo đúng phác đồ của Bộ Y tế", ông Tuấn nói.
Theo bác sĩ Trần Quốc Tuấn, trong cấp cứu ngộ độc methanol, phương pháp được sử dụng chính đó là lọc máu thải methanol. Ngoài ra có có truyền rượu ethanol để thải trừ methanol.
Việc sử dụng bia, trong bia có nồng độ cồn 4 - 4,5% được coi là rượu nhạt ethanol thấp, nếu truyền vào cho bệnh nhân sẽ gây ra tranh chấp methanol đang gây độc cho bệnh nhân.
Giống như những chất hóa học công nghiệp khác, methanol có độc tính và con người không nên sử dụng nó, bởi nó có thể gây ra những ảnh hưởng có hại về sức khỏe nếu dùng phải, thậm chí gây tử vong.
Rượu có 2 nhóm thành phần ethanol và metanol. Sau khi dùng/uống methanol được chuyển hóa thành formaldehyde và sau đó thành axit formic, nó sẽ khiến máu bị nhiễm axit (toan chuyển hóa). Khi các mức độ axit trong máu tăng cao, cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để lọc máu. Các triệu chứng thường chỉ xảy ra trong khoảng từ 12 đến 24 tiếng sau khi dùng.
Người ngộ độc methanol có triệu chứng nôn ọe nhiều, tiêu chảy hoặc đau bụng, đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, môi và móng tay tím tái, hành vi kích động, nhìn không rõ hoặc mờ, mù lòa, khó thở, co giật, hôn mê không được cấp cứu kịp thời sẽ tử vong.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, Trưởng Trạm Y tế xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị sáng 25/12 trong tình trạng hôn mê, nguy kịch. Hiện bệnh nhân đã bình phục và vừa xuất viện.
Bình luận