• Zalo

Truy tìm 'thủ phạm' gây ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông kinh hoàng

Thời sựThứ Tư, 24/06/2015 11:44:00 +07:00Google News

Hành vi chạy quá tốc độ chiếm 23,6%, đây là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông mực dù chế tài xử phạt cao nhưng đối tượng vi phạm vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

(VTC News) - Cục Cảnh sát giao thông đã có báo cáo chỉ ra nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao gây ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông.

Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 171 và Nghị định 107 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Hành vi chạy quá tốc độ chiếm tỷ lệ cao

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, hành vi chạy quá tốc độ chiếm 23,6%. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông mặc dù chế tài xử phạt cao nhưng đối tượng vi phạm vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Hành vi chở hàng quá tải trên 8%, không đội mũ bảo hiểm 46,2%; vượt tín hiệu đường sắt 47,6%, dừng đỗ đường ngang 24,6%...

Qua đó, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng, các Nghị định xử phạt dù đã được ban hành trên thực tế, một số lỗi vi phạm vẫn còn phổ biến, thường xuyên xảy ra. Đặc biệt nhiều vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng đồ cồn người điều khiển phương tiện giao thông 

Đại tá Dánh cũng nhìn nhận, những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn chưa có chế tài đủ sức răn đe. Đại tá Dánh cũng nêu vấn đề trước đó đã được đề xuất như áp dụng chế tài hình sự đối với hành vi chở quá tải trọng vì đây là hành vi phá hoạt tài sản quốc gia. 

Liên quan đến các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ tai nạn nghiêm trong, Trung tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cũng cho rằng, các đơn vị chức năng cần phải đánh giá lại các nguyên nhân trong đó chỉ ra được nguyên nhân nào lớn nhất để có chế tài hợp lý.

Trong quá trình thực thi, lực lượng CSGT cũng gặp nhiều vướng mắc, cần được đưa ra bàn luận để tháo gỡ. Đại diện cho lực lượng CSGT tỉnh Hà Nam, Thượng tá Nguyễn Thành Viên, Phó Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Nam cho rằng, lực lượng cảnh sát giao thông đang gặp nhiều khó khăn trong các quyết định xử phạt hành chính vi phạm giao thông chiếu theo quy định của Nghị định.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Hoàng Thế Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT nêu rõ, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tuy đã được nâng cấp, cải tạo nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Tình hình tai nạn giao thông trên toàn quốc vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ và đường sắt vẫn còn xảy ra nhiều cùng với tình trạng ùn tắc giao thông ở một số thành phố lớn. 

"Ý thức chấp hành luật của một bộ phận tham gia giao thông chưa cao như chạy quá tốc độ, chở quá trọng tải, quá số người quy định, vi phạm quy định về nồng độ cồn", ông Tùng cho biết.

Video: Tai nạn giao thông nghiêm trọng 5 người tử vong

Nghị định mới phải được xây dựng đồng bộ

Đại diện Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, việc nghiên cứu, sửa đổi, thay thế, hoặc bổ sung Nghị định là hết sức cần thiết trước thực tế nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra. Cùng với đó, có nhiều luồng ý kiến cho rằng cần tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm giao thông để đảm bảo tính răn đe cao.

Thứ trưởng Thọ đánh giá cao những ý kiến đóng góp hết sức sát thực và đầy đủ tại Hội nghị, đồng thời Bộ GTVT và các đơn vị tham mưu xin tiếp thu các ý kiến đóng góp, sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét và bổ sung cụ thể. 

“Cần triển khai thêm nhiều văn bản, tổ chức thêm nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả, nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng mất trật tự ATGT, tai nạn giao thông sẽ cả 3 tiêu chí. Vấn nạn xe quá tải sẽ được xóa sạch hoàn toàn”, Thứ trưởng Thọ khẳng định.

Thứ trưởng cũng yêu cầu, Nghị định mới phải được xây dựng một cách đồng bộ, thiết thực, hiệu quả, dựa trên ý kiến đóng góp khách quan của các Sở, ngành, địa phương và nhân dân các tỉnh và mang tính chất ổn định lâu dài về tính pháp lý.

Theo báo cáo, trong hai năm, lực lượng Thanh tra giao thông đã triển khai nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, tập trung vào các lĩnh vực: điều kiện kinh doanh vận tải; kiểm soát tải trọng phương tiện; hoạt động đăng kiểm; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT); đảm bảo ATGT, an toàn lao động và vệ sinh môi trường đối với các dự án thi công trên đường bộ đang khai thác.

Trong đó đã phát hiện 246.144 vụ vi phạm; xử phạt 222.541 vụ với 599 tỷ 587 triệu đồng, tạm giữ 1.900 ô tô; xử lý, cưỡng chế 5.505 xe vi phạm về kích thước thành thùng hàng, ngoài ra có 4.020 xe đã được các chủ phương tiện tự giác chấp hành, khắc phục vi phạm.

Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương cũng đã triển khai quyết liệt công tác tuần tra kiểm soát (TTKS) và xử lý vi phạm; tổ chức nhiều đợt cao điểm TTKS, xử lý vi phạm theo các chuyên đề trên các tuyến giao thông trọng điểm, địa bàn phức tạp về TTATGT.

Trong lĩnh vực đường sắt đã kiểm tra, lập biên bản 3.114 trường hợp; phạt tiền: 919.405 triệu đồng. Đường bộ, lập biên bản 6.933.041 trường hợp vi phạm; phạt tiền: 4.221 tỷ 598 triệu đồng; tước giấy phép lái xe: 572.983 trường hợp; tạm giữ: 939.116 trường hợp (trong đó: 51.294 ô tô, 851.103 mô tô, 36.719 phương tiện khác).

Hà Minh
Bình luận