Khoảng 22% thí sinh sẽ vào các trường ngoài công lập và trường THPT công lập tự chủ tài chính; khoảng 8% vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên và số còn lại sẽ học nghề. Hệ thống trường THPT ngoài công lập hiện có hơn 100 trường với các hình thức tuyển sinh và mức học phí khác nhau.
Một số ít trường tuyển sinh theo kết quả thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội như trường Lương Thế Vinh, Đoàn Thị Điểm, Tạ Quang Bửu, Hoàng Cầu… Những trường còn lại tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển học bạ hoặc kết hợp cả xét học bạ và điểm thi lớp 10 của kỳ thi chung.
Các trường ngoài công lập chỉ tiêu tuyển sinh lớn như: THPT Đinh Tiên Hoàng ở quận Ba Đình (450 em), THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (675 em), Đào Duy Từ - Thanh Xuân (405 em), Hồng Hà - Hoàn Kiếm (225 em), Văn Hiến - Hai Bà Trưng (450 em), Phan Chu Trinh - Tây Hồ (135 em), Lê Quý Đôn - Nam Từ Liêm (135 em).
Cân nhắc phương án 2 từ sớm
Chị Nguyễn Thị Dung ở quận Cầu Giấy cho biết, con tham dự kỳ thi lần này nhưng xác định khó “vượt vũ môn” vì lực học trung bình. Gia đình chị chọn phương án 2 là một trường ngoài công lập. Gia đình nghiên cứu kỹ 1 trường ngoài công lập có mức học phí khoảng 70 triệu đồng/năm. “Trong đó, ngoài học chính khoá đã có học tiếng Anh tăng cường nên mức học phí đó là chấp nhận được”, chị Dung nói.
Theo ông Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, năm nay trường kết hợp cả phương thức xét học bạ và xét điểm thi tuyển của Hà Nội. Học phí trường này khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Học sinh đăng ký xét tuyển trước ngày 25/6 được tặng 2 điểm ưu tiên khi xét điểm thi vào lớp 10. Trường Đào Duy Từ thông báo chỉ xét tuyển học bạ, hạnh kiểm 4 năm học.
Bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, nói rằng, hằng năm các trường ngoài công lập thường không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. “Trong khi 2 trường trung cấp nghề gồm Trung cấp Kinh tế du lịch Hoa Sữa và Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh lại thu hút học sinh hơn. Lý do, học sinh học các trường này vừa có nghề vừa được học các môn văn hoá, có bằng THPT”, bà Hạnh nói.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, thông tin, quận có 2 trường THPT ngoài công lập, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học sinh. Theo ông, nói chung, đa số trường ngoài công lập có điểm tuyển sinh thấp, học phí cao. Các trường này mới thành lập, chưa có nhiều kinh nghiệm, đội ngũ giáo viên chắp vá nên học sinh, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về chương trình dạy học, cơ sở vật chất, học phí, địa điểm.
Bình luận