• Zalo

Trưởng khoa Ngoại: 'Nhận phong bì chẳng có gì xấu hổ'

Thời sựThứ Năm, 27/02/2014 02:16:00 +07:00Google News

Bác sĩ trưởng khoa Ngoại ở một BV lớn tại TP.HCM cho rằng, ông không hề thấy bị xúc phạm, tổn thương hay nhục nhã trước việc dư luận lên án nặng nề về hành vi nhận phong bì.

“Đó cũng bình thường và hiển nhiên thôi", ông nói.

Ông là bác sĩ trưởng một khoa Ngoại ở một bệnh viện "top" đầu, lớn và nổi tiếng ở TP.HCM. Ông có thâm niên trên 20 năm cầm dao mổ, tiếp xúc với hàng ngàn tình huống về phong bì. 

Tuy nhiên vì quan điểm quá cởi mở và thẳng thắn, nên vị bác sĩ này yêu cầu tuyệt đối không nêu tên ông trả lời phỏng vấn. Xét thấy quan điểm của bác sĩ có những điều rất khác với những gì thuộc về “khuôn mẫu” đạo đức hiện nay, PV cung cấp cuộc phỏng vấn đặc biệt này đến bạn đọc.

Bác sĩ này cho rằng, với những trải nghiệm của mình, ông chưa đủ kiến văn để lý giải hiện tượng phong bì mà hiện nay đã trở thành phổ biến trong tất cả các bệnh viện, gần như trong tất cả bác sĩ và tất cả mọi người dân khi đến chữa bệnh. 

Ông cho rằng, có thể, xuất phát điểm ban đầu, từ khá lâu khi trước đây cả nước ai cũng nghèo, người đến chữa bệnh bày tỏ tình cảm với bác sĩ bằng ký đậu, ký nếp. Đó là tình cảm thực sự, rất đáng quý, trân trọng. 

Về lâu về dài, hành động đó được gắn thêm tâm lý cầu phước, cầu lành cho người thân đang bệnh của mình, giống như đi chùa cúng dường để cầu an. Rồi từ quà là hiện vật, khi cuộc sống phát triển lên, vật chất đầy đủ hơn, người ta gửi tiền để người nhận thuận tiện hơn trong việc chủ động sử dụng, như các loại giỗ chạp cưới xin giờ cũng chỉ dùng phong bì.
Dần dần về sau hình thành thêm suy nghĩ phổ biến hơn trong xã hội là đặt vấn đề, đặt điều kiện, như một sự trao đổi mua bán, đưa tiền để được việc, được giải quyết tốt, được chăm sóc tốt. 
Ảnh minh họa của NOP.

- Còn về phía người nhận thì tư tưởng “chuyển biến” theo như thế nào, thưa bác sĩ? 

Với giới bác sĩ, việc bệnh nhân bày tỏ sự trân trọng, cám ơn, thì nhận cũng là bình thường. Đó cũng là thể hiện sự ghi nhận tấm lòng bệnh nhân. Nhưng rồi dần dà mọi thứ cũng diễn biến theo nhiều hướng. 

Số đông bác sĩ có nhu cầu vật chất, có nhu tiền thực sự. Số khác thấy mình nhận tiền là xứng đáng với công lao trí tuệ mình bỏ ra. Và tư tưởng có phong bì mới giải quyết công việc cũng có, tuy nhiên số này ít hơn, thiểu số. Nhưng đây chính là khía cạnh gây ra hình ảnh xấu trong ngành y tế và bị xã hội phê phán, lên án.

Như vậy, xuất phát điểm ban đầu là tốt, nhưng về sau người ta đưa – nhận có những động cơ mục đích khác đi. Như ở Mỹ hoặc nhiều nước châu Âu tôi đi tôi thấy, bệnh nhân vẫn cám ơn bác sĩ, nhưng họ thường chỉ tặng một món quà nào đó, có thể giá trị cũng bình thường, như bức tranh, giỏ hoa, giỏ quà bánh trái cây…
Còn ở ta giờ việc gửi phong bì đã có sự thực dụng hơn ở chính người gửi, có cả hành vi hối lộ bác sĩ để được việc. Và từ đó người gửi cũng tạo thói quen cho người nhận. 

- Ông có bao giờ nghĩ, vì sao xã hội tức số đông đều chỉ trích việc đưa – nhận phong bì, nhưng ai đến bệnh viện (tức những người đã lên án, chỉ trích) cũng đều đưa phong bì?

Đó là câu hỏi ngộ, thú vị. Nói lại là tôi cho rằng mình quan sát chưa đủ, trải nghiệm chưa đủ để rút ra nguyên nhân và đánh giá hiện tượng. Nhưng tôi nghĩ, ở đây phải là một cái gì đó rất lớn chứ không phải xuất phát từ một vài cá nhân, vài suy nghĩ nhỏ mà tạo nên hiện tượng đã trở thành phổ biến này.
Một trong những điều thấy được, đó là sự thay đổi của xã hội. Xã hội nay khác xưa, người ta trọng vật chất và thực dụng hơn, nên phương pháp giải quyết vấn đề cũng khác xưa, kiểu suy nghĩ “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, trong khi chính các bác sĩ cũng có nhu cầu vật chất, nhu cầu bồi dưỡng.

Điều này dần dà, đã tạo thành nếp nghĩ, thành thói quen, thành tâm lý xã hội. Mà đã thành tâm lý xã hội rồi thì nó thành bình thường. Cho nên người ta lên án là lên án, nhưng đến bệnh viện thì người ta lại vẫn ý nghĩ đầu tiên là “phải như thế”. Cộng với sinh mạng cấp bách, muốn được việc trước, nên lại vẫn gửi! Điều đó cũng là tâm lý hiển nhiên nên cũng không thể trách người ta tại sao lại vừa lên án vừa vẫn đưa phong bì.

Việc đưa tiền, ngành nghề lĩnh vực nào cũng có. Nhưng với ngành y, lại liên quan đến sinh mạng con người, và tính cấp bách cao hơn. Đồng thời ngành y là ngành lâu nay được xã hội đặc biệt đề cao yếu tố y đức. Nên xã hội luôn soi xét, đánh giá hành vi của bác sĩ qua lăng kính đạo đức. Do đó việc bác sĩ nhận phong bì trở nên bị đánh giá nặng nề về đạo đức. Đó cũng là điều có áp lực cho bác sĩ, chứ thực chất việc đưa - nhận phong bì cũng không đến mức phải bị lên án, chỉ trích nặng nề như vậy.

- Nói vòng vo, cuối cùng cũng phải hỏi tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ của ông, một người trong nghề, trong giới trọng tâm của dư luận xã hội: Ông có thấy bị xúc phạm, bị tổn thương trước những lên án chỉ trích này?

Không! Tôi chẳng có gì thấy bị xúc phạm, bị tổn thương, bị đau khổ. Như tôi đã nói rồi, việc đưa – nhận được thực hiện về hành vi giống nhau nhưng động cơ mục đích khác nhau. Nếu bác sĩ gây khó để được hối lộ thì mới đáng trách. Còn lại việc đưa – nhận này vừa là nhu cầu của đôi bên, vừa sòng phẳng. 

Đương nhiên trong ngành y thì không ai dám chắc kết quả như mong muốn, có người được chữa lành về nhà, sau tái phát là chuyện bình thường. Cho nên tôi vẫn dặn anh em bác sĩ dưới quyền là nếu đã nhận tiền của người ta thì phải hết sức sòng phẳng. Phải làm việc thật tốt để sòng phẳng với họ. Vì người ta đưa tiền là để cầu mong mình làm tốt cho bớt bệnh mà!

Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng việc đưa – nhận phong bì vẫn là sự hợp lý. Nên tôi chẳng thấy có gì phải đau đớn khi bị chỉ trích, lên án. Vì sao vậy? Vì với cuộc sống hiện giờ không thể đòi hỏi người ta hoàn hảo được.
Tất cả đang chạy đua kiếm thật nhiều tiền, để thỏa mãn vật chất, trong khi thu nhập của bác sĩ ở bệnh viện công thấp, không như người ta nghĩ là ngon lắm. Nên bác sĩ cũng có nhu cầu tăng thu nhập. Giờ mà đòi bác sĩ phải lương y như từ mẫu, từ chối phong bì, khó lắm. Số đó kiếm trên đầu ngón tay. Cho nên, bác sĩ cũng có nhu cầu như người bình thường. Và vì vậy cũng không có gì phải xấu hổ cả.

- Trong Táo quân 2014, khiên giáp của Táo Y tế được ẩn dụ đó là y đức. Y đức như chiếc áo giáp, bộ khiên chống lại tác động từ bên ngoài vào người thầy thuốc. Nhưng khi Nam Tào và Bắc Đẩu đưa chiếc phong bì là chiếc áo giáp y đức được cởi bỏ ra ngay. Ông đánh giá và cảm xúc thế nào về chi tiết này?

Chi tiết đó không xác thực lắm vì hành vi này thuộc về số ít. Tôi vẫn biết, trong thành phố này vẫn có những bệnh viện gần như thành chủ trương, thành luật chơi, bệnh nhân không chi bồi dưỡng là bác sĩ là ngâm bệnh, là không mổ. Nhưng đó vẫn là cá biệt, số hiếm. Còn việc đưa phong bì đa số là bệnh nhân tự nguyện, trân trọng, và hai bên đều có nhu cầu, nên không thể đánh giá tất cả hành vi đưa – nhận đều là xấu, là vi phạm đạo đức.

Tôi biết có một bác sĩ rất giỏi bệnh viện Bình Dân. Ông là người được đào tạo ở Sài Gòn trước 1975, đạo Công giáo, nên đạo đức lối sống quan điểm rất mô phạm, nổi tiếng về chuẩn mực đạo đức. Nhưng với phong bì, ông ta vẫn nhận bình thường. Ông ấy giỏi nghề, làm nhiều, nên phong bì rất nhiều.
Ông nói thẳng: “Người ta trân trọng, người ta cám ơn thì mình nhận, không có gì áy náy”. Nhưng điều đáng quý là những gì ông nhận ông đều đem đi làm từ thiện hết, hoặc đem giúp những bệnh nhân khác có hoàn cảnh khó khăn. 

Tôi nói vậy nhưng trong thâm tâm đương nhiên tôi vẫn mong muốn chuyện này giảm đi và một ngày nào đó không còn nữa. Nhưng từ không đến có thì dễ, còn giờ buộc tâm lý xã hội từ có về không thì khó quá, vì liên quan đến nhận thức. Mà đây là nhận thức của cả hai phía chứ không riêng gì phía bác sĩ. Người dân ta thì vẫn vừa lên án lại vừa thực dụng muốn sòng phẳng để được việc nhanh, còn bác sĩ thì trong bối cảnh thu nhập còn thấp như hiện nay thì nhu cầu về tiền vẫn còn rất lớn. 

- Nếu ông xem việc này là đương nhiên thì không cần phải lên án, hay nỗ lực thay đổi, xóa bỏ nữa sao? Có biết bao người nghèo phải đau khổ vì cái phong bì này?

Tôi nghĩ cuộc sống sẽ có cái tự vận động của nó. Ví dụ bên Singgapore, một bác sĩ được trả công cực kỳ cao. Nên với họ, mỗi sáng được vào bệnh viện làm việc là hạnh phúc, vì họ sẽ có tất cả. Nên họ không cần
và cũng không có thời gian nghĩ đến chuyện tiền bồi dưỡng của bệnh nhân nữa. Và khi họ thấy không cần thiết thì người bệnh thấy cũng không cần thiết phải làm điều này, vì nó không giải quyết cho việc gì. Chỉ có đạt được đến mức đó thì tình trạng phong bì mới giảm và hết đi. Chứ như ta chỉ lấy tiêu chí đạo đức ra mà lên án thì chắc chắn không bao giờ xóa bỏ được.

- Cám ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện này.

Tác giả phỏng vấn bác sĩ này vì ông là trưởng khoa ngoại. Đó là khoa liên tục thực hiện ca mổ, cấp cứu, là nơi được bệnh nhân đưa phong bì nhiều nhất. Sau khi kết thúc cuộc trò chuyện, ra hành lang, tác giả được một bác sĩ khác trong khoa cho biết: Ông trưởng khoa này từ trước đến nay kiên quyết từ chối phong bì!

Bình luận
vtcnews.vn