Trong giai đoạn chống dịch COVID-19 căng thẳng nhất, hơn 1.200 trường học ở TP.HCM được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, khu điều trị F0, điểm cách ly tập trung.
Sau 3 tháng sử dụng, phần lớn trường học đã được trao trả lại cho ngành giáo dục nhưng bị hư hỏng, xuống cấp, thay đổi công năng.
Vệ sinh, sửa chữa ngay khi được bàn giao
Trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận 10) là một trong những trường được chọn làm nơi tiếp nhận bệnh nhân F0 trong lúc chờ chuyển đi các bệnh viện dã chiến.
Thầy Nguyễn Khoa Khanh, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Văn Thụ, cho biết 20 trong tổng số 40 phòng học của trường được dùng cho công tác điều trị tạm thời F0. Các phòng thực hành bộ môn như Tin học, Nhạc, Họa không được trưng dụng nên không hư hại dụng cụ thực hành.
Nơi đây dừng nhận bệnh nhân, lực lượng y tế rút đi hồi đầu tháng 10. Từ đó đến nay, trường phải được phun khử khuẩn, vệ sinh khuôn viên 3 đợt liên tục để đảm bảo an toàn trước khi công nhân đến sửa chữa.
Ban quản lý dự án quận 10 đã đến trường khảo sát các hạng mục bị hư hỏng, cần sửa hoặc thay mới, do ban quản lý dự án của quận thực hiện. Hiện ban quản lý dự án đã được khảo sát 2 lần, sắp ấn định ngày sửa chữa.
Thầy Khanh cho biết qua khảo sát sơ bộ, những bộ phận hư hỏng dễ nhìn thấy là đèn, quạt, bồn rửa tay, nhà vệ sinh cần sửa lại, nhà tắm tạm thời cho bệnh nhân cần phải di dời. Bàn ghế học sinh đã được di chuyển đến khu riêng nên không xảy ra hư hỏng. Đến khi có lịch đi học trở lại, trường mới vệ sinh lần cuối.
"Thời gian tự tu sửa mất khoảng 1 tuần. Vì đặc trưng trường tôi chỉ là điểm trung chuyển nên bệnh nhân không ở lâu, ít hư hỏng. Những trường được trưng dụng làm khu điều trị hư hỏng nhiều hơn", thầy Khanh chia sẻ thêm.
Những ngày qua, các nhân viên của trường THCS Minh Đức (quận 1) tất bật sắp xếp, kê lại bàn ghế, vệ sinh khuôn viên trường học. Đây là một trong những trường được trưng dụng làm khu cách ly, điều trị cho F0 của quận 1.
Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng trường THCS Minh Đức, cho biết quận đang khảo sát để cấp kinh phí cho trường sửa chữa. Trước mắt trường đang khảo sát, đề xuất những công trình hư hỏng như mái che ở sân, gạch, nhà vệ sinh, đèn, quạt trần, vách tường.
"Chúng tôi đã cho khảo sát để nhanh chóng duyệt, cấp kinh phí, hoàn thành sớm, có thể đảm bảo cho học sinh đi học lại khi được cho phép", cô Thúy An thông tin.
Đã gần 3 tháng, toàn bộ phòng học, nhà thi đấu thể thao của trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) được cho mượn để làm bệnh viện dã chiến với 350 giường điều trị.
Thầy Trần Công Tuấn, Hiệu trưởng trường THPT Phú Nhuận, cho biết trường được bàn giao, gỡ biển bệnh viện dã chiến vào sáng 31/10. Từ ngày 1 đến 15/11, ngành y tế chuyển thiết bị, đường ống oxy, tủ thuốc, giường bệnh ra khỏi trường.
Đơn vị vệ sinh công ích của quận sẽ dọn dẹp, vệ sinh, phun khử khuẩn. Sau đó, ban quản lý dự án sẽ tu sửa, khôi phục hiện trạng như ban đầu cho nhà trường. Trong quá trình sử dụng, bệnh viện đã gắn thêm thiết bị vệ sinh, bình nước nóng lạnh, camera. Sau khi bàn giao, quận sẽ xem xét để lại những thiết bị nào cần thiết cho trường sử dụng.
"Vì phải chuyển đổi công năng thành một bệnh viện, bệnh nhân lưu trú lâu nên quạt, đèn, cửa, ít nhiều bị hư hỏng, toàn bộ vách tường cần sơn sửa lại. Đơn vị sửa chữa sẽ vá lại những lỗ khoan, vết nứt trên tường do trước đó khoan để đi đường ống thở oxy cho bệnh nhân. Quận dự kiến hoàn thành việc sửa chữa trước ngày 20/11", thầy Tuấn nói.
Kịp thời gian cho học sinh trở lại trường
Quận 8 là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng của dịch nặng nhất ở TP.HCM. Do đó, địa bàn này cũng có nhiều trường học được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, khu điều trị tập trung cho F0 và điểm cách ly tập trung.
Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8, cho biết địa bàn có 14 trường được trưng dụng làm nơi điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Tính đến nay, 100% số trường được mượn đã trao trả lại cho ngành giáo dục.
“Sau khi nhận lại cơ sở, các trường đã thực hiện vệ sinh, rà soát các thiết bị, đồ dùng hư hỏng. Việc sửa chữa sẽ do ban quản lý dự án của quận khảo sát và thực hiện. Dự kiến, các trường phải mất 4-5 tháng mới sửa xong, đến đầu tháng 12 có thể hoàn thành”, ông Dân nói.
Trưởng phòng GD&ĐT quận 8 cho biết với những cơ sở được trưng dụng làm khu điều trị, phần hư hỏng nhiều hơn những trường chỉ được dùng làm khu cách ly. Do đó, khối lượng phải tu bổ, sửa chữa mất thời gian hơn.
Trong khi đó, tại huyện Củ Chi, ông Trần Văn Toản, Trưởng phòng GD&ĐT quận, cho hay đến thời điểm này một số trường đã được trả lại nhưng cần được sát khuẩn nhiều lần trước khi tiến hành sửa chữa.
Nhiều trường bị hư hỏng, xuống cấp nặng trong quá trình trưng dụng do phải thay đổi công năng để phù hợp với việc điều trị bệnh nhân. Huyện đang khảo sát những hạng mục cần tu sửa. Ở huyện Củ Chi, nhiều trường học vẫn đang được trưng dụng, có thể bàn giao vào cuối tháng 11.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, tổng số trường học được trưng dụng để phòng chống dịch là 1.253. Đến nay, còn hơn 200 trường chưa bàn giao, dự kiến đến giữa tháng 11 sẽ được trao trả.
Sở GD&ĐT TP.HCM đã đề xuất đầu tháng 12 cho học sinh khối 6 và 12 được đi học trực tiếp. Việc sửa chữa cơ sở vật chất các trường sau khi được trao trả là yếu tố quan trọng tác động đến kế hoạch đón học sinh trở lại.
Do đó, sở GD&ĐT đã đề xuất UBND TP.HCM ưu tiên bố trí kinh phí cho việc sửa chữa trường lớp, tận dụng thời gian vàng để đón học sinh. Sở cũng đề nghị ban quản lý dự án các địa phương chủ trì việc này, có cơ chế duyệt kinh phí và tu sửa nhanh, tiết kiệm thời gian do các thủ tục hành chính.
Bình luận