Tại SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu tối thiểu 14 HCV với đội tuyển điền kinh Việt Nam. Đây là một trong những môn thể thao trọng điểm, và đã 3 lần liên tiếp đứng đầu khu vực ở các kỳ SEA Games gần nhất. Tuy nhiên, đội tuyển điền kinh chỉ mang về 12 HCV, không hoàn thành chỉ tiêu.
"Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu của môn này như ở nội dung marathon, chúng ta thua VĐV Indonesia ở 2 nội dung nam và nữ và không đạt HCV như kỳ vọng là do vấn đề về thời tiết. Dù công tác chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhưng thời tiết tại Campuchia rất khắc nghiệt, VĐV của chúng ta chưa thích nghi được. Vì thế trong quá trình thi đấu không giữ được nhịp độ cần thiết và mất HCV quý báu.
Vấn đề thứ hai là ở một số nội dung thi đấu khác của môn Điền kinh, chúng ta thiếu hụt lực lượng mạnh nhất do một số VĐV dương tính với doping tại SEA Games 31.
Vấn đề thứ ba là chúng ta phải đối mặt với nhiều VĐV nhập tịch. Các VĐV này đã đoạt HCV ở khá nhiều nội dung trước đây là thế mạnh của Việt Nam và Thái Lan như Thái Lan cũng mất HCV ở cự ly ngắn", ông Đặng Hà Việt - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 giải thích.
Không chỉ điền kinh, bơi cũng không hoàn thành chỉ tiêu khi đây cũng mà môn trọng điểm của đoàn thể thao Việt Nam. Dù vậy, theo ông Đặng Hà Việt, đội tuyển bơi có những tín hiệu tích cực quan trọng không kém số lượng huy chương vàng. Đó là thành tích đầy tiềm năng của những VĐV mới.
"Ở môn bơi, chúng ta xác định mục tiêu chính là ASIAD. SEA Games là bước ban đầu để đánh giá và chuẩn bị cần thiết cho Đại hội lớn nhất châu lục. Tín hiệu vui là chúng ta cũng đã phá được 2 kỷ lục ở nội dung 100m và 200m bướm và VĐV mới 14 tuổi Nguyễn Thuý Hiền, lần đầu tham dự SEA Games đã giành HCĐ, 100m tự do nữ.
Ở nội dung 200m bướm nam, do bị xếp lịch thi đấu quá sát giờ nên Nguyễn Huy Hoàng không thể đoạt HCV nhưng tín hiệu vui là VĐV Hồ Nguyễn Duy Khoa mới 18 tuổi nhưng đã đeo bám tốt và chỉ bị hụt ở vòng cuối cùng do không đảm bảo được sức bền nên giành HCĐ. Đây là những VĐV trẻ và chúng ta có quyền tin tưởng rằng cùng với thời gian họ sẽ trưởng thành và góp phần cùng Bơi Việt Nam thành công tại các đấu trường quốc tế trong tương lai", ông Đặng Hà Việt nói.
Ngoài ra, nhìn tổng thể, đoàn thể thao Việt Nam nhận tin vui từ các môn thể thao Olympic. Nhóm môn Olympic mang về gần 50% số HCV cho đoàn thể thao Việt Nam mặc dù đoàn mong muốn con số ấy vào khoảng 80%. Tuy nhiên SEA Games lần này có nhiều sự thay đổi về tổ chức các môn Olympic nên đoàn thể thao Việt Nam chưa thể đánh giá một cách tổng thể và chính xác.
Ông Đặng Hà Việt cho biết: "Đây là kỳ SEA Games mà nhiều môn Olympic thế mạnh của chúng ta đã không được tổ chức như Đua thuyền với các phân môn là Rowing, Canoeing; Bắn súng; Bắn cung... Ở nhóm các môn võ Olympic, chúng ta cũng chỉ được đăng ký 70% trên tổng số các nội dung thi đấu. Vì thế việc đánh giá thành tích của các môn Olympic lần này là không toàn diện và không rõ ràng. Tỉ lệ gần 50% số HCV đoạt được đến từ nhóm môn Olympic, tôi cho rằng đó là thành tích tốt của Đoàn Thể thao Việt Nam".
Ông Đặng Hà Việt tin rằng sự thành công của 16 môn thể thao Olympic ở đại hội cho thấy thể thao Việt Nam đang đi đúng hướng theo Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2035. Tuy vậy thành tích của các vận động viên ở các môn Olympic vẫn còn khoảng cách xa với thành tích châu lục và thế giới. Vì vậy ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh nganh thể thao cần đầu tư trọng điểm cho các vận động viên, huấn luyện viên để hướng tới giành huy chương ở ASIAD và Olympic 2024.
Để làm được điều đó, công tác đào tạo vận động viên trẻ cần được chú trọng. Ông chia sẻ: "Tại SEA Games 32, xuất hiện nhiều VĐV trẻ xuất sắc, giành thành tích cao về cho Đoàn Thể thao Việt Nam, tuy nhiên số lượng còn ít. Do đó, chúng ta cần quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo VĐV trẻ. Tôi cũng hy vọng ngành sẽ huy động được nguồn lực từ các địa phương, các nhà tài trợ để cùng với nguồn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm, các môn thế mạnh".
Bình luận